Tạm ngừng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran: Quãng dừng không mong đợi

'Vẫn còn một số vấn đề mà chúng tôi đang cố làm rõ với Iran và chúng tôi sẽ phải chờ đợi để bắt đầu lại từ đầu với một nhóm mới khi họ nhậm chức. Thông báo về việc tiến trình này sẽ chỉ được nối lại sau khi Tổng thống đắc cử Iran - ông Ebrahim Raisi - chính thức tiếp nhiệm khiến chúng tôi rơi vào tình thế khá khó xử' - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi than thở, ngày 19-7.

Giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu

Không chỉ Tổng Giám đốc Rafael Grossi của IAEA “sốt ruột”, một số cường quốc phương Tây khác - cụ thể là Mỹ và Anh - cũng có lý do để cảm thấy hụt hẫng, khi Thứ trưởng Ngoại giao Iran - ông Abbas Araqchi, cũng là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này - cho biết (vào ngày 17-7) vòng đàm phán tiếp theo tại Vienna (Áo) cần phải đợi đến khi chính quyền mới của Iran chính thức tiếp quản sau khi quá trình chuyển giao hoàn tất, dự kiến vào đầu tháng 8 tới.

Trước đó, với IAEA, việc Tổng thống Iran chuẩn bị thoái nhiệm là Hassan Rouhani phát biểu trong một cuộc họp nội các (ngày 14-7) rằng Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 20%, 60% và thậm chí 90% trong trường hợp khi cần rõ ràng có thể xem là một tín hiệu “nắn gân” và khiến các cuộc thảo luận trong tương lai lại trở nên phức tạp. IAEA, với vị thế của mình, là cơ quan phải chịu trách nhiệm thẩm định và làm rõ về những khả năng này.

Iran sẽ kiên định với lập trường cứng rắn cùa mình.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Nga Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vào năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Iran trấn an dư luận quốc tế rằng Tehran làm giàu urani lên mức tinh khiết 20% chỉ dành cho các mục đích hòa bình, đồng thời vẫn khẳng định nước cộng hòa Hồi giáo sẽ đảo ngược những bước đi hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Nhưng, dĩ nhiên, khi một lần nữa Tehran nhấn mạnh khả năng nâng mức làm giàu urani lên đến gần “chạm trần” trong trường hợp cần thiết, ai cũng hiểu rằng Tehran muốn phát đi thông điệp: Họ sẽ không chấp nhận bị dồn ép ở chặng cuối của các vòng đàm phán quyết định.

Đàm phán được chính phía Iran nhìn nhận lạc quan là “tiến triển” và “sắp kết thúc” (ngày 12-7). Song, vấn đề then chốt thì vẫn nguyên đó. Tehran một mực đòi hỏi: Mỹ cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt với Iran trước, sau đó Tehran sẽ trở lại thực hiện các nghĩa vụ của mình, ngay sau khi xác minh rõ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân.

Vấn đề là, cho đến tận lúc này, kể từ khi các cuộc thương thảo được nối lại ở Vienna, Mỹ và Iran vẫn chưa có bất cứ cuộc thảo luận trực tiếp nào. Và, khi chỉ có thể thông qua hình thức gián tiếp, mọi cuộc đối thoại đều có thể dễ dàng trở nên dang dở. Hoặc tệ hơn, bắt đầu lại từ đầu, theo một cái vòng luẩn quẩn.

Nước Mỹ cũng đã cố gắng tìm kiếm các kênh tiếp cận riêng và chính điều này đang dần trở thành một khúc mắc. Nếu hồi tháng 5 vừa qua, Washington bác bỏ thông tin trên đài truyền hình Iran - nói rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân để đổi lấy việc trả lại khoảng 7 tỷ USD tiền dầu của Iran bị đóng băng tại những nước khác, do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, thì ngày 13-7, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei lại thông báo: Tehran đang tổ chức các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân với Mỹ, nhằm đảm bảo trả tự do cho những người Iran bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ và các quốc gia khác, do vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi gợi ý: “10 tù nhân ở cả hai phía có thể được trả tự do lập tức, nếu Mỹ và Anh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ trong thỏa thuận". Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết chưa có thỏa thuận nào đạt được về việc trao đổi tù nhân, mặc dù các bên đã thảo luận gián tiếp vấn đề này trong khuôn khổ các vòng đàm phán tại Vienna.

Tuy vậy, đến ngày 14-7, Bộ Ngoại giao Mỹ lại đồng ý cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp nhận những khoản thanh toán từ các tài khoản của Iran đang bị Washington phong tỏa. Đây là ngân khoản thanh toán cho số hàng xuất khẩu sang nước Cộng hòa Hồi giáo trước năm 2019. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký quyết định miễn trừng phạt và gia hạn thêm 90 ngày đối với việc sử dụng những khoản tiền bị đóng băng để thanh toán cho các khoản nợ, song không cho phép chuyển số tiền này về Iran.

Làn sóng lây nhiễm thứ 5 đang đe dọa Iran.

Cường độ các hoạt động đang trở nên gấp rút, thì tất cả rơi vào “trạng thái chờ” (standby). Không khác gì trong một trận thi đấu thể thao, khi một phía đang hết sức cố gắng đẩy cao nhịp độ thì tiếng còi kết thúc hiệp đấu vang lên. Và, mọi chuyện có thể diễn tiến theo một cách hoàn toàn khác, sau giờ nghỉ.

Bất khả kháng nhưng cần thiết

Iran cần quãng nghỉ này. Mà thực ra, hiện trạng đất nước họ cũng không cho phép có quá nhiều lựa chọn. Quyết định này không chỉ xuất phát dựa trên yêu cầu của chiến lược ngoại giao (nhằm bảo đảm kiểm soát quyền chủ động trong các cuộc đàm phán). Nó còn là đòi hỏi bức thiết của chính những vấn đề nội tại, khi nước Cộng hòa Hồi giáo ấy đang đối diện với một quãng thời gian cực kỳ khắc nghiệt.

Do hệ lụy của đại dịch COVID-19 toàn cầu, lần đầu tiên, Iran phải tăng cường các biện pháp chống dịch ở thủ đô Tehran và những vùng phụ cận lên đến mức độ nghiêm ngặt chưa từng có. Sức lây lan kinh khủng của biến thể Delta khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải đăng đàn cảnh báo về nguy cơ “làn sóng lây nhiễm thứ 5” từ đầu tháng 7. Để rồi, bắt đầu từ 18h ngày 19-7 và dự kiến sẽ còn kéo dài đến tận 8h ngày 26-7, toàn bộ văn phòng chính phủ cũng như hệ thống ngân hàng tại thủ đô Tehran và tỉnh Alborz sẽ phải đóng cửa. Mọi hoạt động giao thông vận tải bằng ô tô tại khu vực này đều bị đình chỉ. Các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao trên toàn quốc cũng phải ngừng hoạt động.

Iran đang tụt hậu khá xa so với thế giới, trong công cuộc tiêm chủng quốc gia diện rộng ngừa COVID-19. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 6,1 triệu người được tiêm mũi đầu và khoảng 2,2 triệu người dân được tiêm đủ 2 mũi, trên tổng số 83 triệu dân. Iran cực kỳ thiếu vaccine nhập khẩu và nói gì thì nói, điều đó có nguyên nhân rất lớn là các biện pháp trừng phạt của nước Mỹ - điều đã từng bị chính phủ đương nhiệm gọi là “chủ nghĩa khủng bố y tế - medical terrorism”.

Bởi vậy, bên cạnh tiến trình chuyển giao quyền lực, Iran cũng cần thời gian và sự tập trung đầy đủ cho chiến dịch đẩy lùi COVID-19 trong lãnh thổ của mình. Không chỉ vậy, Tehran cũng cần một “khoảng nghỉ” để tiếp tục củng cố định hướng ngoại giao, cũng như hoạch định các chiến thuật cần thiết.

Tehran cần JCPOA được hồi sinh nhưng Washington - với mong muốn xử lý “rốt ráo” một số vấn đề đối ngoại để quay về tập trung vào những mâu thuẫn nội tại - còn đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn hơn họ. Không chỉ một lần, phía Mỹ bộc lộ rằng họ “không thể chờ đợi vô thời hạn”. Nhưng, Washington khó có thể gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa với Tehran thông qua các công cụ trừng phạt. Trong khi đó, đến tận lúc này vẫn chưa gục ngã, chính phủ của Tổng thống Rouhani khẳng định rằng lập trường cơ bản của Iran đối với tiến trình đàm phán hạt nhân sẽ được giữ nguyên.

Đầu tháng 8, khi tiến trình chuyển giao quyền lực hoàn tất, Iran sẽ còn được dẫn dắt bởi Ebrahim Raisi - một tổng thống cứng rắn hơn nhiều so với vị nguyên thủ đương nhiệm, lại được vị thủ lĩnh tinh thần tối cao là Đại giáo chủ Ali Khamenei ủng hộ. Tìm được điểm thỏa hiệp với ông sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn dành cho Ngoại trưởng Mỹ Anthonhy Blinken.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tam-ngung-dam-phan-thoa-thuan-hat-nhan-iran-quang-dung-khong-mong-doi-i622493/