Tâm lý tội phạm trong vụ bé trai bị nhốt vào tủ đông: Nỗi sợ hãi và sự ngu dốt vì thiếu kỹ năng

Theo chuyên gia tâm lý tội phạm, hành vi của đối tượng Nguyễn Trường Giang (26 tuổi, trú tại Hà Nam) bị thúc đẩy từ nỗi sợ hãi bên trong con người khi lỡ đánh cháu bé và sợ việc này bị bại lộ nên đã giết người bịt đầu mối. Sự dẫn dắt tâm lý của Giang lúc đó cũng bị chi phối bởi sự ngu dốt vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống.

Đối tượng Giang.

Đối tượng Giang.

'Chúng ta đang có lỗi trong việc xây dựng con người'

Liên quan đến vụ cháu bé bị đánh, nhốt trong tủ đông lạnh xảy ra tại Hà Nam vừa qua, Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tâm lý tội phạm học phân tích, về phía đối tượng Nguyễn Trường Giang chưa có tiền án, tiền sự và quá trình sinh sống ở địa phương rất bình thường. Đồng thời, giữa Giang và cháu bé hơn 3 tuổi thì không thể có mâu thuẫn và đối tượng đang thuê nhà của gia đình nên càng không phải mâu thuẫn thù tức gì.

Do đó, có thể loại trừ và xác định việc Giang gây án đây là “bước chuyển” tâm lý, lỡ làm cái này rồi thì phải tiếp tục làm cái kia… Đây cũng là trạng thái tâm lý khá phổ biến trong các vụ án, điển hình là vụ hiếp dâm. Sau khi gây án xong, hung thủ lo sợ bị nạn nhân đe dọa tố cáo công an nên giết người diệt khẩu.

“Hành vi của Giang bị thúc đẩy từ bên trong bởi nỗi sợ sau khi trót đánh cháu bé và sợ cháu mách ông bà khiến việc làm của mình bại lộ sẽ phát sinh mâu thuẫn có thể dẫn đến việc bị người nhà cháu đánh, không cho thuê nhà nữa… nên đối tượng đã ra tay với nạn nhân” - ông Hiếu nói và cho biết, sự dẫn dắt tâm lý của Giang lúc đó do nỗi sợ hãi và sự chi phối bởi sự ngu dốt vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Bởi với sự việc như vậy đâu cần làm những hành động man rợ, bạo liệt như đánh, buộc dây vào cổ, nhét cháu bé vào tủ đông lạnh.

Thượng tá Đào Trung Hiếu

Ông Hiếu đánh giá, động cơ mục đích của đối tượng là giết cháu bé và cơ quan điều tra khởi tố bị can Giang về tội “Giết người” là hoàn toàn chính xác, bởi Giang đã thực hiện hết dấu hiệu khách quan của tội phạm giết người, còn nạn nhân không tử vong là việc ngoài ý muốn của đối tượng.

“Có thể hiểu nguyên nhân do sự xuống cấp về mặt đạo đức sẵn có trong tâm lý đối tượng chưa được bộc lộ ra ngoài và nó được hình thành trong nhân cách do tiếp thu những tác động bất lợi, sự ích kỉ, vô cảm, chỉ vì lợi ích của bản thân mà khi cháu bé hỏi mấy câu đối tượng đã sẵn sàng đánh cháu bé” - vị chuyên gia tội phạm phân tích thêm.

Theo tiến sĩ Đào Trung Hiếu, trong thời buổi hiện nay, giới trẻ cần được đào tạo từ gốc là “Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực”, bởi chúng ta đang có “lỗi” trong việc xây dựng con người. Việc chạy theo vật chất và tuyệt đối hóa nó hay chạy theo giá trị đồng tiền sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy khác dẫn đến tình trạng bạo lực, tội phạm.

Do đó, người trẻ cần được trau dồi rèn luyện về sự vị tha, tư duy nhân quả và đức tính nhẫn nại, kiên trì. Đặt ra mục tiêu trong cuộc sống để theo đuổi nhằm định hướng cuộc sống sau này, tránh những cám dỗ, sự bất lợi tác động từ bên ngoài làm suy thoái về nhân cách…

Quán trà sữa Giang thuê lại nhà cháu Đ.

Người bình thường không ai làm vậy!

Đó là chia sẻ của tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp về vụ việc. Vị luật sư cho rằng, một người bình thường sẽ nhận thức được nếu một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy bị đưa vào tủ cấp đông rồi đậy nắp lại trong một khoảng thời gian thì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và duy trì ở nhiệt độ thấp như vậy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của đứa trẻ.

Và nếu người này nhận thức được điều đó, nhận thức được hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng của đứa trẻ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người.

“Hành vi của đối tượng trong vụ này rất tàn nhẫn, rất nguy hiểm và rất bất thường, bởi vậy nguyên nhân động cơ sự việc là yếu tố quan trọng để xác định hành vi vi phạm pháp luật, làm căn cứ giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật” - luật sư Cường nêu quan điểm.

Theo luật sư Cường, trường hợp quá trình xác minh, điều tra nếu có căn cứ cho thấy người thanh niên này có biểu hiện tâm thần thì cần trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người này.

“Một người bình thường thì sẽ không thể có hành vi bất thường như vậy. Nếu không phải là hành vi của kẻ tâm thần thì đây là hành vi rất nhẫn tâm, đáng lên án thể hiện ý thức coi thường pháp luật cao độ” - luật sư Cường bức xúc.

Luật sư Cường khuyến cáo, ngoài việc quan tâm, để ý đến con trẻ, các bậc phụ huynh cần phải tạo điều kiện chúng rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng sinh tồn để có thể nhận biết các tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm hoặc tìm cách kêu gọi hỗ trợ cứu giúp để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Khoảng 15h20 ngày 13/8, cháu Đ (Sn 2019, trú tại Lý Nhân, Hà Nam) sang chơi tại quán trà sữa “KAY” - cửa hàng đối tượng Giang thuê cạnh nhà cháu Đ.

Quá trình ở quán, cháu Đ có đặt nhiều câu hỏi dẫn đến Giang bực tức liền lấy chiếc chày đập vào đầu cháu Đ, khi thấy cháu khóc to gọi mẹ và ông nội, Giang đã hoảng sợ, sau đó dùng dây dù siết cổ và dùng tay đập đầu cháu Đ xuống nền nhà làm cháu bất tỉnh.

Do nghĩ cháu Đ đã tử vong, nên Giang đặt cháu Đ vào thùng giấy và cho vào tủ cấp đông của quán; tiếp đó đối tượng đặt chiếc máy dập nắp hộp trà sữa lên trên nắp tủ bảo ôn, rồi khóa cửa quán bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tam-ly-toi-pham-trong-vu-be-trai-bi-nhot-vao-tu-dong-noi-so-hai-va-su-chi-phoi-boi-su-ngu-dot-post1462108.tpo