Tâm lý thị trường nghiêng về thận trọng, VN-Index có thể điều chỉnh

VN-Index hồi phục trong hai phiên cuối tuần, song nhìn vào thanh khoản lại cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn rất thận trọng và thiếu yếu tố ổn định cho một sự hồi phục dài hơi.

(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một tuần điều chỉnh giảm cùng với mức thanh khoản suy yếu. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đã mất 27,59 điểm (-2,3%) và về 1.171,31 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index chỉ giảm nhẹ 1,08 điểm (-0,4%), xuống 277,8 điểm.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt 55.866 tỷ đồng và giảm 8,8% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng 2.358 triệu cổ phiếu và giảm 8%. Tương tự, giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt 5.321 tỷ đồng và xuống 14% so với tuần trước đó với khối lượng 278 triệu cổ phiếu, giảm 7,5%.

Điều chỉnh giảm trên diện rộng

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thị trường đi xuống trong 3 phiên đầu tuần, sau đó hồi phục trở lại trong hai phiên cuối tuần với mức tăng tốt vào ngày thứ Năm. Về giao dịch theo nhóm ngành, hầu hết các dòng cổ phiếu trên thị trường đều nằm trong xu hướng giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng giảm mạnh nhất với 9,2% giá trị vốn hóa, với các đại diện tiêu biểu đến từ ngành con điện, nước, xăng dầu, khí đốt như GAS (-13,1%), POW (-4,4%), REE (-10,6%), TDM (-2,7%), BWE (-3,3%), GEG (-12,5%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức chiết khấu 4,8% giá trị vốn hóa do chịu áp lực từ các trụ cột như FPT (-5%), CMG (-8,1%)... Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng mất đến 4,4% giá trị vốn hóa, do ảnh hưởng từ tình hình giá dầu thế giới, các cổ phiếu tiêu biểu như PLX (-3,1%), BSR (-14,5%), OIL (-1,6%), PVD (-7,7%), PVS (-7,3%)...

Giá trị giao dịch theo ngành trong tuần:

(Nguồn: SHS) - Đơn vị:%

Ngoài ra, các nhóm ngành còn lại cũng giảm khá, như dịch vụ tiêu dùng (-3,9%), công nghiệp (-3,4%), hàng tiêu dùng (-1,7%), dược phẩm và y tế (-0,4%)...

Điểm nhấn duy nhất trên thị trường, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng duy trì được mức tăng nhẹ với 0,2% giá trị vốn hóa với các mã như TCB (+4,3%), SHB (+1,1%), LPB (+1,5%), KLB (+3,2%), SGB (+1,5%), BAB (+4,1%)...

Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khá tương đồng với xu hướng thị trường. Cụ thể, họ bán ròng trên hai sàn với giá trị ước đạt 1.131 tỷ đồng tương ứng khối lượng 32 triệu đơn vị. Trong đó, FUEVFVND là mã bị bán ròng nhiều nhất với 8,9 triệu chứng chỉ quỹ. Tiếp theo là DXG với 6,6 triệu cổ phiếu và SSI với 5,2 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, STB được các nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất trong tuần với 4,8 triệu cổ phiếu.

Về thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 từ 7 đến 10 điểm, ông Thắng cho rằng các nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh xuống.

Tâm lý còn rất thận trọng

Phân tích diễn biến thị trường, ông Thắng chỉ ra việc VN-Index điều chỉnh trở lại sau khi thất bại trước ngưỡng tâm lý 1.200 đã khiến áp lực bán gia tăng mạnh hơn đồng thời thúc đẩy chỉ số tạo ra đáy mới trong năm 2022 (ở quanh ngưỡng 1.140 điểm).

Ông Thắng cho rằng mặc dù lực cầu sau đó xuất hiện trong bối cảnh áp lực bán có phần yếu đi và giúp VN-Index hồi phục trong hai phiên cuối tuần, song nhìn vào thanh khoản lại cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn rất thận trọng và thiếu yếu tố ổn định cho một sự hồi phục dài hơi.

“Thị trường chứng khoán khả năng tiếp tục quay trở lại đà giảm trong tuần tới,” ông Thắng nói.

Song với góc nhìn dài hạn hơn, ông Thắng kỳ vọng thị trường sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần. Bởi, mặt bằng giá cổ phiếu ở vùng giá hiện tại vẫn đang khá mức hấp dẫn, cụ thể định giá P/E đang thấp trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịnh vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2022.

“Các nhà đầu tư giá trị với xu hướng năm giữ cổ phiếu trong dài hạn có thể giải ngân ở các phiên điều chỉnh mạnh như ngày 6/7 vừa qua. Với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy có thể kéo dài,” ông Thắng trao đổi.

Với cái nhìn có phần lạc quan hơn, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đang củng cố vùng đáy khi đã tăng liền 2 phiên liên tiếp với mức thanh khoản trong phiên cuối tuần cải thiện hơn so với phiên liền trước. Cụ thể, thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đã lên mức 9.349 tỷ đồng so với mức 7.760 tỷ đồng ở phiên hôm qua và tiến gần mức giao dịch bình quân 10.673 tỷ đồng/phiên ở tuần trước.

Theo đó, báo cáo của MBS nhận định về kỹ thuật, thị trường đang có sự phân hóa tích cực nên nhà đầu tư tập trung vào từng cổ phiếu cụ thể hơn là tham chiếu vào chỉ số chính. Cụ thể, dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... với các nhóm cổ phiếu đã có mức giảm sâu, như dầu khí, thép, năng lượng, …

“Việc thanh khoản thấp đang là tín hiệu cho thấy lực cung đã chạm vùng cạn kiệt, do vậy nhà đầu tư có thể từng bước mua gom các mã cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 khả quan,” nhóm phân tích MBS khuyến cáo./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tam-ly-thi-truong-nghieng-ve-than-trong-vnindex-co-the-dieu-chinh/804836.vnp