Tâm lý thận trọng bao trùm, thanh khoản vẫn ở mức thấp

Đà giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ và các nước trong khu vực tiếp tục ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ số VN-Index thất bại trong nhịp phục hồi khi chinh phục ngưỡng 930 điểm với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, toàn thị trường trở nên phân hóa và thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên cuối tuần

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch thứ sáu (9/11) với đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng. Đóng cửa phiên giao dịch thứ sáu (9/11), chỉ số Dow Jones giảm 201,92 điểm (-0,77%) xuống mốc 25.989 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,82 điểm (-0,92%) xuống 2.781 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,98 điểm (-1,65%) xuống mốc 7.407 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,1% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,7%.

Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất từ 2 đến 2,25% được thông qua từ đợt tăng lãi suất trước đó. Việc tăng lãi suất có thể diễn ra trong cuộc họp của FED vào tháng 12 tới và đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm 2018.

Giá dầu WTI giảm trong phiên giao dịch ngày thứ sáu (9/11) và đóng cửa ở mốc 60,19 USD/ thùng (-0,8%). Giá dầu Brent đóng cửa ở mốc 70,18 USD/ thùng (-0,7%). Mỹ đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong tuần này, nhưng đã miễn trừ tạm thời cho phép 8 nước tiếp tục mua dầu từ Iran. Dự trữ dầu thô nội địa Mỹ tiếp tục tăng và sự gia tăng của nguồn cung là yếu tố chính dẫn đến đà giảm của giá dầu và xu hướng giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tâm lý thận trọng bao trùm, thanh khoản vẫn ở mức thấp

Đà giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ và các nước trong khu vực tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index thất bại trong nhịp phục hồi khi chinh phục ngưỡng 930 điểm với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, toàn thị trường trở nên phân hóa và thiếu dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Nhóm cổ phiếu large cap vẫn là yếu tố chính tác động đến nhịp giảm điểm của chỉ số VN-Index, dòng tiền dường như thờ ơ với các cổ phiếu large cap khi không nhìn thấy tiềm năng tăng giá ở nhóm này. Các cổ phiếu bị bán mạnh và kéo chỉ số VN-Index giảm điểm là: VJC, VIC, VNM, ROS, MSN, MWG, GAS, FPT, PLX, PNJ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tình trạng phân hóa, không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường và thu hút dòng tiền. Trong tuần qua, các cổ phiếu ngân hàng thất bại trong việc chinh phục các mốc kháng cự trong quá khứ và giảm điểm với các cổ phiếu: VCB, CTG, BID, MBB, ACB, HDB.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới và duy trì xu hướng giảm điểm với đà giảm tập trung ở các cổ phiếu: GAS, PVS, PVD, PVB, POW, BSR, OIL. Với xu hướng giảm mạnh của giá dầu thế giới bởi các yếu tố vĩ mô, xu hướng giảm giá của nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ tiếp tục duy trì.

Trong tuần qua, cổ phiếu VCG đã chốt room ngoại là 0%, như vậy, sang tuần sẽ có đợt bán mạnh cổ phiếu VCG từ khối ngoại với khối lượng nắm giữ là 48 triệu cổ phiếu. Điều này cũng cho thấy, khối ngoại sẽ không thể mua cổ phần tại cả hai thương vụ thoái vốn của SCIC và Viettel tại VCG vào ngày 22/11 tới.

Tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 357 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 33 tỷ đồng trên HNX. Các mã cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực bán của khối ngoại là VIC (bán ròng 116,79 tỷ đồng), VFG (bán ròng 81,17 tỷ đồng), HBC (bán ròng 44,24 tỷ đồng), GAS (bán ròng 42,95 tỷ đồng), NVL (bán ròng 33,51 tỷ đồng). Ở chiều mua, khối ngoại mua ròng MSN (mua ròng 160,31 tỷ đồng), HPG (mua ròng 156,84 tỷ đồng), GMD (mua ròng 75,06 tỷ đồng), SSI (mua ròng 69,16 tỷ đồng), VRE (mua ròng 52,28 tỷ đồng).

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/11), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 914,29 điểm, giảm 11,99 điểm (-1,29%), giá trị giao dịch đạt 3,1 nghìn tỷ đồng với 91 mã tăng giá, 57 mã tham chiếu và 190 mã giảm giá. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc 103,01 điểm, giảm 1,53 điểm (-1,46%), giá trị giao dịch đạt 438,50 tỷ đồng với 54 mã tăng, 58 mã tham chiếu, 88 mã giảm. Chỉ số Upcom-Index đóng cửa tại mốc 51,59 điểm, giảm 0,41 điểm (-0,79%) với giá trị giao dịch đạt 191,48 tỷ đồng.

Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số VN-Index đóng cửa tuần với 1 cây nến đỏ sau khi chinh phục thất bại mốc kháng cự tâm lý quanh 930 điểm. Như vậy, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ kiểm định lại gap và mốc hỗ trợ quanh vùng 888 điểm nếu thanh khoản vẫn ở mức thấp và toàn thị trường vẫn duy trì ở trạng thái thận trọng với tình trạng phân hóa diễn ra trên các dòng cổ phiếu.

Chứng khoán phái sinh

Ở thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai phái sinh chỉ số VN30-Index đồng loạt giảm điểm. Hợp đồng tháng 11/2018 (VN30F1811) đóng cửa ở mốc 880 điểm và hợp đồng tháng 12/2018 (VN30F1812) đóng cửa ở mốc 880 điểm, hợp đồng tháng 3/2019 (VN30F1903) đóng cửa ở mốc 881 điểm, hợp đồng tháng 6/2019 (VN30F1906) đóng cửa ở mốc 881 điểm.

Các cổ phiếu trong nhóm VN30-Index tiếp tục xu hướng giảm và các hợp đồng tương lai vẫn đang giao dịch thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30-Index cho thấy các nhà đầu tư vẫn e ngại với nhịp phục hồi của chỉ số VN-Index trong ngắn hạn.

THÀNH LONG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tam-ly-than-trong-bao-trum-thanh-khoan-van-o-muc-thap-17647.html