Tâm lý 'sính ngoại' và chiếc bẫy 'hàng hiệu'

Thống kê từ Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm cả nước phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mới đây nhất là việc kinh doanh sản phẩm của chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso trên thị trường Việt Nam tạo dư luận ồn ào cả trong nước và ở Hàn Quốc đến mức Mumuso bị chín doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc kiện và hai đài truyền hình Hàn Quốc là SBS và MBC lên tiếng bày tỏ nghi vấn về sự mập mờ xuất xứ.

Tâm lý sính ngoại có lẽ là tàn dư thời bao cấp, khi mà hàng Việt tốt thì ưu tiên xuất khẩu, hàng nội địa cho người Việt dùng thường là kém chất lượng hơn hẳn hoặc bị lỗi không xuất được. Trong lúc đó, số ít hàng ngoại do một số cán bộ, người lao động đi công tác nước ngoài mang về, chất lượng cao hơn hàng nội; trong khi hàng thương mại bình dân nhập khẩu chưa nhiều. Điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng mặc định là hàng nội kém hơn hàng ngoại.

Tâm lý sính “hàng hiệu”, phần nào cũng là sự phát triển cực đoan của nhận thức trên, cũng như là kết quả của truyền thông thị trường, khi quá khuếch trương xu hướng sử dụng hàng tiêu dùng, túi xách, quần áo và các đồ dùng cá nhân khác, từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới với giá siêu đắt, thường do một số nhân vật có tên tuổi trong giới showbiz hoặc giàu có dùng. Truyền thông thương mại và các báo lá cải đã cài thêm một nhận thức mới cho người tiêu dùng thế hệ trẻ hiện nay là hàng ngoại càng đắt càng tốt và người sở hữu chúng càng dễ có cơ hội nổi bật.

Cả tâm lý sính ngoại và hàng hiệu, có nơi, có lúc và với một bộ phận người tiêu dùng đã trở thành xu hướng thời thượng. Một mặt, chúng thể hiện nhu cầu chính đáng sử dụng đồ tốt của người tiêu dùng; Mặt khác, chúng cũng thể hiện sự ganh đua danh tiếng nhất định, nhất là vuốt ve lòng tự tôn, cái tôi và ảo vọng riêng của người sở hữu chúng.

Vì thế, ngoại trừ một lớp người có khả năng tài chính dư dả để dùng đồ hiệu thật sự, việc chạy theo giá trị ảo tạo cơ hội để một số doanh nhân, doanh nghiệp biến chúng thành bí kíp làm ăn và kiếm bộn tiền.

Thế mới có chuyện suốt bấy lâu nay, một số hãng sữa ngoại mặc sức móc túi các “bà mẹ bỉm sữa” Việt vì mấy câu quảng cáo mập mờ về các vi chất, có tác dụng làm tăng chiều cao và sự thông minh của trẻ em khiến nhiều gia đình Việt “có điều kiện” không tiếc tiền mua sắm và kỳ vọng, bất chấp thực tế và kết quả kiểm định của cơ quan chức năng cho thấy chúng quảng cáo vậy mà kết quả chưa chắc phải vậy...!?

Đặc biệt, vụ Mumuso bị chín doanh nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc kiện, Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra và ngày 13-7-2018 đã thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Theo đó, Công ty kinh doanh 2273 loại hàng hóa, trong đó, 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. Mumuso Việt Nam đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng; cố tình thiết kế bao bì sản phẩm có gắn chữ KR và có phong cách giống Hàn Quốc, khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam hiểu nhầm đây là sản phẩm của
Hàn Quốc… Thông báo cũng nêu rõ, căn cứ vào Kết luận kiểm tra số 5520 ngày 1/7/2018 của Bộ Công Thương về việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam; báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về việc rà soát, kiểm tra tại các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, đánh giá các bất cập của chính sách pháp luật quản lý hiện hành đối với mô hình kinh doanh theo chuỗi. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ và các cấp có thẩm quyền các chính sách pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình kinh doanh theo chuỗi tương tự như Mumuso Việt Nam. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng khẩn trương điều tra và xử lý hành vi vi phạm Luật cạnh tranh tại Mumuso Việt Nam theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động tuân thủ pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của một số doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Mumuso Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân. Cục Quản lý Thị trường khẩn trương tiến hành thủ tục xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với Mumuso Việt Nam, công khai kết quả xử lý. Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường rà soát, kiểm tra hoạt động các chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình tương tự Mumuso Việt Nam trên phạm vi cả nước. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp có mô hình tương tự Mumuso Việt Nam.

Thống kê từ Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm cả nước phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn. Hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước, mà còn sản xuất ở nước ngoài. Thậm chí, hàng giả, hàng nhái còn được dán nhãn mác tùy theo nhu cầu đặt hàng của người mua. Hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái và quảng cáo khiến khách hàng hiểu sai về thương hiệu và chất lượng sản phẩm là trực tiếp vi phạm các quy định trong Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng, cần được nhận diện và kịp thời nghiêm trị, nhất là các sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và phân bón, thuốc trừ sâu…. Song tâm lý sính ngoại đến mức dễ dãi và cả tin cũng là lỗi của người tiêu dùng và nhất là các cơ quan chức năng liên quan. Người tiêu dùng không chỉ phải cảnh giác với sự quảng cáo mập mờ, quảng cáo quá mức của các cửa hàng; mà còn cũng cần cảnh giác ngay với chính mình, với tâm lý ham “hàng hiệu giá rẻ”, thực chất là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, mặc sức cho phép doanh nghiệp lừa đảo, móc túi người tiêu dùng,

Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và cũng là tài sản của quốc gia. Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, coi trọng thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng và gia tăng tiện ích sản phẩm, hạ giá thành và đặc biệt là quan tâm xây dựng thương hiệu hàng Việt uy tín cao, đủ sức chinh phục người tiêu dùng nội và thị trường ngoại là đòi hỏi thiết yếu của mỗi doanh nghiệp và của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thị trường; Đồng thời, coi trọng người tiêu dùng nội, tăng cường nhận thức, thông tin và cảnh báo về cách nhận diện, tác hại và hình thức xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; đề cao việc tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cho doanh nghiệp dù nội hay ngoại; khắc phục tâm lý “sính ngoại” và chủ động phòng tránh các bẫy “hàng hiệu”, không dại dột trở thành “nạn nhân tự nguyện” của sự thiếu hiểu biết của chính mình, cũng là yêu cầu bắt buộc của mỗi doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng xã hội văn minh trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/kinh-te/item/38384902-tam-ly-%E2%80%9Csinh-ngoai%E2%80%9D-va-chiec-bay-%E2%80%9Chang-hieu%E2%80%9D.html