Tâm lý 'sính ngoại' của người tiêu dùng và 'chiêu trò' của các thương hiệu thời trang Việt

Aristino, Giovani, San Sciaro, Manhattan,... Đều là những tên tuổi có tiếng trong làng thời trang và được ưa chuộng tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu... Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, phần nhiều các thương hiệu này đều có nguồn gốc từ Việt Nam.

Đặt tên “Tây” cho “xịn”

Những năm gần đây, không ít các thương hiệu thời trang mọc lên tại các thành phố lớn, với những cái tên rất “Tây” và mẫu mã trang phục mang phong cách Tây âu, hiện đại, trẻ trung. Lý giải cho điều này, chính là tâm lý “sính ngoại” của phần lớn thanh niên Việt Nam, thích sử dụng những món “hàng hiệu”, hàng “xách tay” hơn những món hàng được sản xuất trong nước.

Không khó để nhận ra rằng những cái tên “Tây” như Aristino, San Sciaro, Manhattan... mang lại cho người tiêu dùng cảm tưởng như những bộ quần áo mua tại các thương hiệu này đều là hàng của Ý, của Mỹ hay quốc gia khác ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chắn chắn một điều, là phương pháp đặt tên này thu hút được sự chú ý của khách hàng, vì vậy gia tăng khả năng tiếp cận cũng như bán hàng của các doanh nghiệp.

Lấy ví dụ như Aristino, bằng việc sử dụng cái tên có nguồn gốc từ Ý và những người mẫu chụp ảnh đều là người nước ngoài, trang mua bán chính cũng được đầu tư bằng tiếng Anh rất cẩn thận... thì hầu hết người tiêu dùng sẽ cho rằng đây là một thương hiệu nước ngoài nổi tiếng đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, Aristino lại là thương hiệu thời trang nam của tập đoàn K&G Việt Nam, ra mắt từ năm 2015 và chỉ trong 9 tháng đầu năm đó đã thu về doanh thu 123 tỷ đồng. Nếu như lấy tên thương hiệu thuần việt, liệu rằng Aristino có thu về số tiền lớn đến vậy, khi mà khoảng thời gian đó có không ít các thương hiệu Việt Nam khác như Việt Tiến, An Phước vốn từ lâu đã thống trị?

Sử dụng người mẫu quảng cáo nước ngoài, NTD Việt dễ bị “hiểu nhầm” đây là quần áo nhập khẩu.

Có thể khẳng định rằng, đa số người tiêu dùng Việt Nam không quan tâm nguồn gốc xuất xứ của quần, áo mình đang mặc. Theo một khảo sát nhỏ, 7/10 khách hàng của các thương hiệu lấy tên nước ngoài đều cho rằng mình đang mặc áo... nhập khẩu. Điều này cho thấy, những cái tên “Tây” sẽ làm người tiêu dùng liên tưởng đến những bộ quần áo mang tầm quốc tế.

Chị T. sinh sống tại Hà Nội nhận xét: “Nếu giữa hãng thời trang có tên là My Vân và một hãng có tên là Aristino, cho dù đều cùng bán một mặt hàng, cùng nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam thì tôi vẫn chọn Aristino. Vì cái tên đó “sang” hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc sử dụng một tên gọi “Tây” gây được sự chú ý và cảm nhận tốt hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận khách hàng thì việc các thương hiệu này có giá thành sản phẩm cao hơn các thương hiệu có cái tên thuần Việt vừa là một cách thu về lợi nhuận nhanh chóng lại đồng thời “gián tiếp” đẩy mạnh giá trị thương hiệu.

“Của rẻ là của ôi”, “Tiền nào của nấy” vốn là những câu thành ngữ được ông cha ta truyền lại từ xưa và vẫn được áp dụng cho đến ngày hôm nay. Lẽ dĩ nhiên, tâm lý người tiêu dùng là lựa chọn món đồ tốt nhất có thể trong khả năng tài chính của mình. Cùng một bộ quần áo được sản xuất tại 2 nước khác nhau ví dụ là Việt Nam và Ý thì có lẽ hầu hết mọi người sẽ cho rằng sản phẩm của Ý sẽ tốt hơn bền hơn, vì đất nước này vốn nổi tiếng về thời trang. Cho rằng, đã là hàng của Ý thì không thể có giá bằng hoặc thấp hơn hàng trong nước, vì còn phải chịu nhiều loại thuế quan.

Do đó, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt là “chấp nhận” cái giá có thể cao hơn rất nhiều cho một bộ đồ mang phong cách và thương hiệu nước ngoài. Nhưng như vậy, chẳng phải người tiêu dùng Việt đang tự đánh lừa bản thân trước những sản phẩm vốn chưa rõ nguồn gốc, mà chỉ đơn thuần mang thêm một cái mác “Tây”?

Các NSX sẵn dàng đầu tư vào cơ sở khang trang, hiện đại và cái tên “Tây”

Không ít người đã phải chi ra một mức giá rất cao để sở hữu các sản phẩm thời trang mang nhãn hiệu Âu, Mỹ này nhưng không nhiều người biết rằng các thương hiệu đó lại được gia công tại Việt Nam với một giá thành thấp hơn hàng chục lần so với mức giá bán ngoài thị trường. Dĩ nhiên, những thông tin này không phải ai cũng biết, vì nhà sản xuất không bao giờ tiết lộ những thông tin như vậy nếu không bị bắt buộc, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức mua của khách hàng và làm giảm đáng kể nguồn doanh thu của thương hiệu.

Với việc không chỉ muốn mua một sản phẩm tốt mà còn mua một niềm tin về sản phẩm ưu việt của các thương hiệu hàng đầu thế giới, thì các nhà sản xuất trong nước dễ dàng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng và đưa ra những sản phẩm mà mọi người “muốn” nhưng không thật sự “cần”. Cho đến khi người tiêu dùng Việt Nam là những người tiêu dùng đầy sắc sảo và tinh anh, ngày ngày các thương hiệu thời trang vẫn thu lãi hàng chục triệu đồng chỉ với những cái tên “Tây”.

Minh Đỗ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/tam-ly-sinh-ngoai-cua-nguoi-tieu-dung-va-chieu-tro-cua-cac-thuong-hieu-thoi-trang-viet-d68916.html