Tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh hơn nhờ kết quả chống Covid 2 lần trước

Mặc dù hiện tượng bán tháo có diễn ra, nhưng tâm lý nhà đầu tư có phần bình tĩnh và bớt hoảng loạn hơn so với hồi tháng 3. Rõ ràng việc kiểm soát tốt dịch bệnh 2 lần trước đã là một chỗ dựa khá vững chắc về mặt tinh thần cho nhà đầu tư ở thời điểm này.

Đây là chia sẻ của ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường - Khối Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về tác động của một số ca dương tính với Covid-19 mới trong cộng đồng tới thị trường chứng khoán (TTCK).

* PV: Thưa ông, các ca dương tính với Covid-19 tái xuất trở lại trong cộng đồng đã tác động tiêu cực tức thì lên TTCK Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch bệnh lần này lên TTCK trong nước?

- Ông Trần Đức Anh: Tính đến sáng ngày 27/7, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca lây nhiễm cộng đồng mới, chấm dứt chuỗi 99 ngày liên tiếp không có ca nhiễm cộng đồng. Ở thời điểm hiện tại, còn quá sớm để chúng ta có thể có đánh giá toàn diện về mức độ tác động của lần dịch bệnh này do còn phụ thuộc vào diễn biến, khả năng bùng phát của dịch bệnh. Trong đó, có 3 kịch bản tương ứng với mức độ tác động tiêu cực lên thị trường từ thấp đến cao.

Theo đó, trong kịch bản thứ nhất, số ca lây nhiễm mới xuất hiện đơn lẻ, nhờ các biện pháp cách ly xã hội sớm và xét nghiệm trên diện rộng, dịch không bùng phát và lây lan sang các tỉnh khác trên cả nước. Trong kịch bản này, tôi kỳ vọng thị trường sau cú “shock” ban đầu, sụt giảm sâu sẽ nhanh chóng bật tăng hồi phục vượt lên trên nền giá trước khi xuất hiện thông tin ca nhiễm mới khi mà người dân và doanh nghiệp có thêm niềm tin về hiệu quả hệ thống phòng chống dịch của Chính phủ.

Kịch bản thứ 2, ca nhiễm mới bùng phát ra các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Việc cách ly xã hội toàn quốc được tái áp dụng trở lại. Sau 1 thời gian, có thể kéo dài 1 - 2 tháng, dịch bệnh dần được kiểm soát và các biện pháp cách ly xã hội dần được gỡ bỏ. Kịch bản này diễn ra tương đồng với đợt bùng phát dịch bệnh lần trước, thị trường nhiều khả năng sẽ có phản ứng tương tự tạo đáy thành công khi số ca nhiễm mới cho thấy dấu hiệu sụt giảm.

Mặc dù vậy, sau 2 lần cách ly xã hội, sức khỏe doanh nghiệp, niềm tin người tiêu dùng đều khó có thể sớm phục hồi. Nhà đầu tư trên TTCK cũng sẽ bớt hưng phấn và khả năng hồi phục của thị trường lên nền giá trước khi phát hiện ca nhiễm mới sẽ mất nhiều tháng.

Kịch bản thứ 3 là dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, biện pháp cách ly xã hội, mặc dù giúp giảm ca nhiễm mới, nhưng không thể hoàn toàn dập tắt dịch. Chính phủ buộc phải nới lỏng lệnh cách ly trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. TTCK sẽ biến động ở vùng giá thấp quanh mức đáy cuối tháng 3, khả năng hồi phục rất khó xảy ra cho đến khi vaccine ngừa Covid-19 xuất hiện.

 Nhà đầu tư cần bình tĩnh và đặt niềm tin vào công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Dũng.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh và đặt niềm tin vào công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: Duy Dũng.

* PV: Lần 1 và lần 2, Việt Nam đều rất thành công trong kiểm soát dịch, dù không được chủ quan nhưng lần 3 này, không có lý do gì chúng ta không tự tin về công tác kiểm soát dịch. Liệu rằng, điều này có giúp tâm lý lo ngại của nhà đầu tư sớm qua hơn trong lần này không, thưa ông?

- Ông Trần Đức Anh: Một điều dễ cảm nhận được trên thị trường ở thời điểm hiện tại là mặc dù hiện tượng bán tháo có diễn ra, nhưng tâm lý nhà đầu tư có phần nào bình tĩnh và bớt hoảng loạn hơn so với đợt bán tháo hồi tháng 3. Rõ ràng việc kiểm soát tốt dịch bệnh 2 lần trước đã là 1 chỗ dựa khá vững chắc về mặt tinh thần cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là diễn biến của dịch bệnh trong vài ngày tới. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khả năng dịch bùng phát đều sẽ khiến tâm lý thị trường chung nhanh chóng chuyển biến xấu.

* PV: Ở góc độ rộng hơn, dù ít khả năng hơn, nhưng nếu trong trường hợp dịch lan rộng hơn, trong bối cảnh “sức khỏe” vẫn chưa hồi lại, thì ảnh hưởng tới các nhóm ngành và doanh nghiệp có lớn hơn hay không, thưa ông?

- Ông Trần Đức Anh: Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước mới đang có các dấu hiệu phục hồi ban đầu sau lệnh cách ly xã hội tháng 4, niềm tin người tiêu dùng, doanh nghiệp gần đây đã có nhiều cải thiện tích cực, GDP quý II tăng trưởng dương đi kèm với các dữ liệu theo tháng cho thấy sự hồi phục như chỉ số PMI, chỉ số sản xuất công nghiệp…

Nếu dịch bệnh bùng phát và lệnh cách ly xã hội toàn quốc được tái áp dụng, đà hồi phục của nền kinh tế sẽ bị chặn lại và đi xuống, tương ứng với kịch bản tích cực nhất đối với kinh tế Việt Nam là mô hình hồi phục hình chữ “W”. Mặc dù vậy, ngay cả kịch bản này cũng không được đánh giá cao khi mà 2 lần cách ly xã hội sẽ khiến niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp sụt giảm mạnh và rất khó để sớm phục hồi, kéo theo sự sụt giảm về chi tiêu, đầu tư cũng như khả năng thu hút vốn FDI.

Trong khi đó, dư địa hỗ trợ về chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ không quá lớn, trong bối cảnh chúng ta cần giữ ổn định vĩ mô và thận trọng với diễn biến lạm phát, giá vàng và tỷ giá. Nhìn chung, tác động của lần bùng phát dịch bệnh này, nếu diễn ra, sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn và kéo dài hơn đến sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế.

* PV: Ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Trần Đức Anh: Không có một công thức chung cho nhà đầu tư ở bối cảnh thị trường hiện tại, khi mà rủi ro lớn nhất liên quan đến khả năng bùng phát dịch Covid-19 là yếu tố không thể đoán định. Nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân.

Nhìn lại dịch Covid-19 các giai đoạn trước, có thể thấy rằng dịch bệnh mang lại rủi ro và cũng đi kèm với cơ hội giải ngân vùng giá thấp. Dù vậy, việc sử dụng margin ở giai đoạn thị trường biến động mạnh hiện tại nên được hạn chế tối đa, và nhà đầu tư nên giữ 1 tỷ trọng tiền mặt nhất định để tính đến các kịch bản tiêu cực hơn khi dịch bệnh chuyển biến xấu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-07-27/tam-ly-nha-dau-tu-binh-tinh-hon-nho-ket-qua-chong-covid-2-lan-truoc-90043.aspx