'Tâm lý chiến' với lâm tặc

Khu vực rừng Bù Đốp (Bình Phước) có đến 34km đường biên giới với nước bạn Campuchia, và từng là địa bàn hết sức phức tạp về an ninh trật tự, chính trị. Một số đối tượng xấu lợi dụng đồng bào thiểu số ít hiểu biết, dùng tôn giáo làm công cụ, thuyết phục họ chống đối, phá rừng.

Khi về nhận nhiệm vụ Hạt trưởng Kiểm lâm Nguyễn Văn Ách (Bảy Ách) đã có công “kéo” người dân về phía mình, với chính quyền. Chấm dứt tình trạng phá rừng.

Dựa vào dân

Theo chân ông Bảy Ách đến nhà Điểu Phước, một trong những thành phần “cộm cán” trong việc chống đối, phá rừng, nằm sâu trong một con hẻm bê tông của đồng Bào S’tiêng, đi từ đầu con ngõ nhỏ kéo dài khoảng 2km, lâu lâu ông Bảy Ách lại dừng xe nói chuyện với người dân gặp trên đường. Nhìn họ còn lam lũ lắm, nhưng đầy vẻ chân chất, thật thà. Gặp ông, họ vồn vã, tay bắt mặt mừng người thân trong nhà.

Đến nhà Điểu Phước, thấy cửa khóa trái, nhưng khi chúng tôi định quay xe ra thì Điểu Phước về. Đi cùng anh là vợ và mấy người khác nữa. “Thấy từ ngoài kia rồi, nhưng gọi bố không nghe”, Điểu Phước vừa nói vừa toét miệng cười. Gặp ông Bảy, họ tỏ vẻ mừng lắm, nói cười không ngớt. Tôi vừa cười vừa hỏi: “Nghe nói Điểu Phước ngày xưa có “thành tích” lắm phải không?”. Anh lại cười toe toét: “Đúng rồi. Ngày xưa thôi mà. Bố Bảy tốt bụng, nói đúng nên bà con nghe theo nhiều lắm”. “Bây giờ Điểu Phước làm gì?”. “Đi làm thuê thôi. Làm cho bố nữa. Đi làm cho bố cũng có tiền”.

Gia đình Điểu Phước từng là những đối tượng chuyên chống đối chính quyền, phá rừng, nhưng hiện một trong những gia đình tích cực trong việc giữ rừng

Sau cuộc nói chuyện ở nhà Điểu Phước, tôi hiểu vì sao ông Bảy Ách lại thành công trong cuộc chiến giữ rừng. Tôi hiểu, không có một công thức chung nào trong việc giữ rừng, bởi mỗi địa bàn có đặc thù riêng.

Ông Bảy Ách nhận thức rõ điều này, nên khi về đây, ông không chỉ có tình yêu với rừng, coi nhiệm vụ giữ rừng là một trọng trách, dũng cảm, đủ can đảm quay mặt với cám dỗ, mà ông xác định đúng việc cần làm trước tiên, đó là phải nắm rõ thành phần cư dân bản địa. Bởi đại đa số dân ở đây là đồng bào S’tiêng theo đạo Tin Lành. Họ bị một số thành phần cực đoan được gắn mác “mục sư”, “thay mặt chúa trời” lôi kéo, tuyên truyền theo hướng tiêu cực. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ rừng, mà còn liên quan đến an ninh, chính trị. Nhưng để tiếp cận, gần gũi được họ là việc vô cùng khó.

“Hồi đó, khu vực ấp Bù Tam, Phước Tiến (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) này nổi tiếng là một “lãnh địa” khó tiếp cận. Ngay cả cơ quan công an muốn vào khu vực Bù Tam, Phước Tiến này làm việc, không hề đơn giản. Chỉ cần vị mục sư “nháy mắt” một cái là hàng chục người dân, từ người già, phụ nữ đến trẻ em… bu lại, la ó, ngăn cản, không có cách gì làm việc được”, ông Ách kể.

Một lần thấy cuộc sống của bà con khó khăn, ông Bảy Ách kêu gọi xin tài trợ được mấy tấn gạo để chia cho họ, một mặt giúp họ lúc khó khăn, mặt khác là để “lấy lòng” dân. Ban đầu, họ vui vẻ nhận, nhưng 2 ngày sau thì đồng loạt mang ra Hạt Kiểm lâm trả lại hết. Hỏi ra mới biết, mấy ông mục sư chỉ đạo họ không được nhận, vì nhận rồi sẽ phải nghe lời, không được tự do thờ cúng… chúa trời.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông Bảy Ách đã nắm trong tay danh sách những mục sư có “thành tích” chống chính quyền, kích động dân phá rừng như: Điểu Đưa, Điểu Dũng, Điểu Lơn, Điểu Lý, Điểu Phước… để tiếp cận, cảm hóa. Tiếc là hôm nay Điểu Đưa đi làm xa nên tôi không gặp được. Điểu Đưa là người thường kích động và chống chính quyền quyết liệt nhất.

Nếu không có “bài”, ông Bảy khó lòng có được những giây phút thư giãn thế này với những người dàn ông từng là thành phần “cộm cán” ở địa phương trong việc chống đối, phá rừng

Có lần, Điểu Đưa vào phá rừng, chiếm đất làm rẫy, bị đoàn công tác ngăn chặn, anh ta đánh lại, vung cây rựa phát rẫy lên, chém thẳng vào đầu mấy anh công an. Lúc đó, ông Bảy Ách lao ra ngăn, khóa tay anh ta, nếu không, hậu quả khó lường. Sau đó, Điểu Đưa về, lu loa lên là cán bộ đánh dân. Thế là họ kéo ra la ó. Phải huy động rất đông lực lượng ra mới khuyên được họ giải tán. Trước sức nặng uy tín của Điểu Đưa, ông Bảy Ách quyết định chọn anh ta là “đối tượng” đầu tiên để cảm hóa.

Kế "ly gián"

“Chú làm thế nào để cảm hóa họ?”, tôi hỏi. Chậm rãi nhấp ngụm trà, xong ông Bảy Ách vừa tủm tỉm cười, vừa nheo nheo đôi mắt “láu cá” như ông tự nhận rồi mới nói: “Tôi dùng chiêu…“ly gián”. Do sự hiểu biết của người dân có hạn nên khi họ đã tin thì đó là lòng tin gần như tuyệt đối. Nói gì cũng nghe, cũng thấy đúng. Nên phải tìm cách “phá” lòng tin này, hay nói cách khác là tẩy não họ”.

“Độc chiêu” của ông Bảy là chọn một người dân tin cậy, huấn luyện mấy buổi. Sau đó chở anh ta chạy lòng vòng trong khu dân cư bằng chiếc xe jeep mui trần của Hạt, cho ra chợ, ăn uống miễn phí, cứ chỗ nào đông người là tấp vào, khi về còn cho tiền mang về. Mục đích là để nhiều người nhìn thấy.

Sau vài lần như thế, trong mắt người dân, anh chàng “chim mồi” này là người của chính quyền. Lúc này, ông mới để anh ta đi một mình, lân la vào bám sát Điểu Đưa, thấy anh ta ra chợ, ngồi quán ăn hay bất cứ chỗ nào đông người là sà vào, làm như thân tình lắm. Thậm chí, khi anh ta ăn xong, phải bằng mọi giá trả tiền thay. Giằng co cũng được, cốt để nhiều người để ý. Chỉ một thời gian ngắn, Điểu Đưa đã bị người dân ghép vào tội “phản bội”, theo chính quyền, nên quay lưng, xa lánh, không nghe lời nữa. Họ đâu biết đây chỉ là trò “ly gián” của ông Bảy Ách.

Nếu không có “bài”, ông Bảy khó lòng có được những giây phút thư giãn thế này với những người dàn ông từng là thành phần “cộm cán” ở địa phương trong việc chống đối, phá rừng

Khi kế "ly gián" thành công, cũng là lúc ông nghe tin người anh ruột của Điểu Đưa chết vì bệnh nan y. Nhưng nhà nghèo quá nên không có tiền mua hòm, chôn cất. Trong khi người dân đã quay lưng lại với anh ta. Lúc này, ông Bảy Ách lại ra tay, sau khi xin ý kiến cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, ông quyết định bỏ tiền túi ra làm.

“Vào nhà Điểu Đưa, tôi thấy người chết vẫn nằm dưới nền nhà, không có cả cái hòm. Tôi nói với Điểu Đưa sẽ lo đám cho gia đình. Ban đầu Điểu Đưa phản đối kịch liệt, tôi phải nói nếu cứ để vậy sẽ có tội với tổ tiên, với người chết... cuối cùng họ chấp nhận. Sau vụ này, Điểu Đưa đã thay đổi và cho đến bây giờ, anh ta là một trong những người tích cực nhất trong việc hỗ trợ chúng tôi”, ông Bảy kể.

“Thế còn người dân, chú thuyết phục họ bằng cách nào?”. Ông Bảy lại nheo mắt cười: “Tôi chỉ tung chiêu ly gián một lần thôi, sau đó chính Điểu Đưa là cầu nối cho tôi tiếp cận những người khác. Khi mình hiểu người dân thì sẽ có giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề. Ví như vụ hỗ trợ gạo. Mấy ông mục sư không cho nhận của chính quyền, nhưng không cấm nhận của cá nhân, thì mình tiếp cận họ bằng cách biếu quà “cá nhân”.

“Bây giờ nghĩ lại chuyện phát gạo mà tôi không nhịn được cười. Sau lần họ mang trả lại gạo, tôi tiếp tục làm lại, nhưng lần này tôi bảo họ đây là của cá nhân. Thế là họ nhận, nhưng do không đủ chia cho tất cả nên vài ngày sau, những người chưa có họ kéo ra Hạt, bảo sao họ không có. Tôi hết hồn, nhưng bằng mọi giá không thể để họ về tay không, nên bảo họ đợi, gạo đang chở về.

Sau đó tôi bỏ tiền túi, cầu cứu thêm anh em, mua mấy tạ gạo, ít mắm muối về chia cho họ. Dần dà, anh em tôi đã chiếm được tình cảm của bà con. Đặc biệt là chấm dứt chuyện chống đối chính quyền và phá rừng”, ông Bảy Ách.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tam-ly-chien-voi-lam-tac-post179832.html