Tấm lợp chứa chất Amiang gây ung thư: 'Không cấm là có tội với dân'

Đó là ý kiến của bà Bùi Thị An – ĐB Quốc hội khóa VIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới dừng sử dụng Amiang Đông Nam Á.

Ngày 13.9, “Hội nghị thường niên của Mạng lưới dừng sử dụng Amiang Đông Nam Á (SEABAN)” được tổ chức tại Hà Nội với 100 đại biểu đến từ Việt Nam và 10 nước trong khu vực Thái Bình Dương với mục đích "Tuyên truyền về việc dừng sử dụng Amiang tại các nước khu vực Đông Nam Á và phòng chống các bệnh do Amiang gây nên".

Một số lợi ích nhóm cố gắng kéo dài thời gian... 17 năm

Phát biểu tại Hội nghị, TS Hoàng Xuân Lương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi - Chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường cho biết, qua các khuyến nghị của Quốc tế và các tổ chức trong nước về tác hại của Amiang trắng, ngày 1.8.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 115/QĐ/TTg về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế Amiang trong sản xuất tấm lợp, và từ năm 2004 không được sử dụng vật liệu Amiang trong sản xuất tấm lợp.

“Điều đáng tiếc là suốt 17 năm qua, một nhóm lợi ích đã tìm mọi cách luồn lách, biện hộ, chây ì, cố tình không thực hiện QĐ 115 của Thủ Tướng chính phủ” – ông Lương nói.

TS Hoàng Xuân Lương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi - Chủ tịch Nhóm Hành động vì Công lý, Sức khỏe và Môi trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành An

Theo ông Lương, đến nay, nhóm lợi ích này vẫn ích vẫn đang tìm mọi cách để kéo dài thời gian thực hiên và phớt lờ cảnh báo của Tổ chức y tế Thế giới rằng hàng năm trên Thế giới có 100.000 người chết; 1,5 triệu người bị các chứng bệnh nan y, trong đó 80% là do Amiang gây ra.

Canada, Brazin là hai nước sản xuất nhiều Amiang cũng đã ra tuyên bố dừng sử dụng Amiang từ năm 2018. Cụ thể, Tòa án tối cao Brazin ngày 29.11.2017 đã ra tuyên bố “Sử dụng có kiểm soát Amiang trắng là Vi hiến, và quyết định từ năm 2018 cấm sản xuất, thương mại và sử dụng Amiang trắng trên toàn lãnh thổ Brazin.

“Tại Việt Nam, một sự thật rất đau lòng là hơn 95% tấm lợp Amiang đều được đẩy lên vùng dân tộc, miền núi, một vùng căn cứ địa chiến lược Quốc gia, nơi đây tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số, với bản chất thật thà, trung thành, đồng bào không hề biết sản phẩm tấm lợp có chứa Amiang và hàng triệu tấm lợp mấy chục năm qua gãy nát, trôi nổi trên các khe suối, trên các con đường cheo leo… đang tạo ra môi trường độc hại, hủy hoại dần dần sự sống của con người nơi đây do các chất thải từ Tấm lợp Amiang gây ra” – ông Lương bày tỏ.

TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng; Đại diện Mạng lưới vận động dừng amiang Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành An

Đồng tình với ông Lương, TS,BS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng; Đại diện Mạng lưới vận động dừng amiang Việt Nam gọi nhóm lợi ích này là tham nhũng chính sách. Nhóm này tồn tại ở một số cá nhân làm tại vị trí liên quan đến Amiang ở một số bộ, ngành. “Họ sử dụng các từ ngữ làm giảm nhẹ tác hại của Amiang tạo cho thông tin truyền thông thấy rằng amiang hoàn toàn có thể kiểm soát được” – ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn thẳng thắn chỉ ra thêm 4 nguyên nhân dẫn đến chính sách dừng sử dụng tấm lợp Amiang tại Việt Nam. Thứ nhất, là sự can thiệp trực tiếp của ngành công nghiệp Amiang từ quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt đến từ Nga.

Thứ hai, là sự yếu kém của các nhà khoa học học trong quá trình vận dụng chính sách. Các nhà khoa học thông tin kết quả nhưng cuối cùng lại không tham gia vào tiến trình vận động chính sách…

Thứ ba, truyền thông của Việt Nam trong thời gian vừa rồi cố gắng đưa thông tin hai chiều. “Họ cố gắng đưa thông tin theo hướng trung gian. Nhưng đối với vấn đề ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng… thời điểm này truyền thông phải thay đổi”.

Thứ tư, là vài trò của các trường đại học không đưa được các thông tin liên quan đến mưu sinh và sức khỏe cộng đồng, những chính sách nóng đang được thảo luận…

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng một số cơ quan, tổ chức chưa thật sự vào cuộc rõ ràng, quyết liệt trong sự việc này dẫn đến chính sách của Chính phủ kéo dài.

Nhiều cơ sở sản xuất tấm lợp Fibro xi măng từ Amiang trắng ở Việt Nam. Ảnh: XD

Thực hiện đúng lộ trình từ nay đến năm 2023

Tại Hội nghị, trước câu hỏi đến từ đại biểu Philippin về quan điểm của Chính phủ Việt Nam như thế nào về việc đảm bảo lộ trình thực hiện chính sách, nghị định đến năm 2023 sẽ dừng Amiang ở Việt Nam, bà Bùi Thị An – Viện trưởng ViệnTài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII cho rằng: Việt Nam lấy mục tiêu là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ của Việt Nam luôn chỉ đạo theo hướng này.

Bà Bùi Thị An – Viện trưởng ViệnTài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng. Ảnh: Thành An

“Chính phủ Việt Nam khẳng định không bao giờ đổi kinh tế lấy môi trường, đây là chỉ đạo xuyên suốt. Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng xây dựng lộ trình để thực hiện tiến tới dừng Aminang trắng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng chậm nhất là năm 2023” – bà An cho hay.

Theo bà An, hiện chỉ có 2/42 cơ sở được Bộ Xây dựng hỏi có văn bản không đồng ý với việc này là Hiệp hội tấm lợp và hội Xây dựng.

Qua đó, với những việc làm có lợi cho người dân Việt Nam, nhất là là 14 triệu đồng bào đang sinh sống ở vùng sâu vùng xa, vùng gặp nhiều điều kiện khó khăn… chắc chắn Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện theo lộ trình đề ra.

Bên cạnh đó, trước đây Việt Nam chưa có điều kiện để phát triển khoa học cũng như về nhận thức chưa hiểu được rằng Amiang trắng là độc, nhưng giờ các kết luận, nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ.

“Chúng tôi biết được Amiang trắng là độc, không có sự kiểm soát, không an toàn,… mà không bị cấm thì chúng tôi hiểu rằng đấy là có tội với dân nên Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ thực hiện đúng theo lộ trình” – bà An nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tuyên bố Amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi Amiang trong suốt thập kỉ qua.

Năm 2004, WHO ước lượng trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với Amiang. Gần đây, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBDS) ước tính số lượng người chết do Amiang là 220,000 mỗi năm. Đến nay, trên thế giới, 64 nước đã cấm việc sử dụng Amiang trắng.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2,000 người chết do Amiang trắng.

Theo, báo cáo tại Hội nghị, qua các khuyến nghị của Quốc tế và các tổ chức trong nước về tác hại của Amiang trắng, ngày 1.8.2001, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 115/QĐ/TTg về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế Amiang trong sản xuất tấm lợp, và từ năm 2004 không được sử dụng vật liệu Amiang trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện đúng lộ trình ban đầu.

Ngày 5.8.2014, Tổ chức y tế Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế đã có công thư gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc Amiang vẫn tiếp tục được sử dụng ở Việt Nam.

Trước ý kiến của các tổ chức Quốc tế, Ý kiến của Bộ Y tế, Liên hiệp các hội KHKT , Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 30.11.2017, Bộ xây dựng đã có Công văn số 2886/BXD-VLXD báo cáo Thủ tướng chính phủ về việc dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp.

Ngày 1.1.2018 Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng Amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023”.

Ngày 7.8.2018, Ủy ban Dân tộc ký Quyết định 476/QĐ-UBDT phê duyệt về Kế hoạch Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số dừng sử dụng Amiang trắng.

Thành An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tam-lop-chua-chat-amiang-gay-ung-thu-khong-cam-la-co-toi-voi-dan-912606.html