Tấm lòng vì Đảng, vì dân và tài ngoại giao của đồng chí Đỗ Mười

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Mátxcơva, tôi được phân công về công tác tại Bộ Xây dựng. Ít tháng sau khi làm việc tại Cục Quản lý thi công, tôi được Bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ với danh nghĩa là thư ký riêng.

Trải qua năm tháng, tôi đã đi theo đồng chí không biết bao nhiêu cơ quan, công trường, nhà máy, các địa phương trong và ngoài nước, dự không biết bao nhiêu cuộc họp từ cơ sở đến các bộ, ngành và trung ương, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Tôi nhận thấy đồng chí làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là việc nhỏ. Những nơi nào, những công việc nào khó khăn nhất, đồng chí đều có mặt.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6-1991). Ảnh: TTXVN

Dù ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay khi đã làm Tổng Bí thư, đồng chí rất quan tâm đến công tác ngoại giao, vì đây là một trong 3 lĩnh vực đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy khó khăn. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Tổng Bí thư đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Phải nói rằng kể từ Đại hội VII, Đại hội VIII đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta ngày càng đạt nhiều dấu ấn đậm nét. Bên cạnh các nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng anh em, chúng ta đã giữ quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phát triển quan hệ với các nước Tây Âu, Bắc Âu, Australia, cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, duy trì và mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào cách mạng và phong trào độc lập dân tộc, tiếp tục quan hệ với một số đảng xã hội, xã hội - dân chủ... Trong những thành tựu về công tác đối ngoại đó, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã góp phần không nhỏ.

Những câu nói, đề xuất, khẩu hiệu nổi tiếng, như: “Đổi mới không đổi màu”, “Hội nhập không hòa tan”, “Xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”, “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới”... xuất phát từ chính thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí và các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài. Gặp gỡ các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước bạn, đồng chí luôn giữ một thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc; một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình với bạn bè quốc tế.

Thời kỳ nước ta chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đã có nhiều đoàn thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam xin gặp Tổng Bí thư đề nghị giúp đỡ tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA). Tiếp đoàn nghị sĩ do Thượng nghị sĩ John Kerry dẫn đầu, đồng chí khẳng định: “Như đã nói với ngài nhiều lần, chúng tôi không gắn việc này với chính trị mà coi đây là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi sẽ hợp tác tốt cùng với các ngài để giải quyết vấn đề MIA. Lời nói và việc làm của chúng tôi đều nhất quán. Các ngài đã rõ, đất nước chúng tôi phải chịu nhiều đau khổ, mất mát từ hàng nghìn năm trước đây cho đến sau này, đến hôm nay vẫn chưa hàn gắn được vết thương do chiến tranh gây nên. Vì vậy, chúng tôi muốn được hòa bình để tập trung xây dựng đất nước. Chúng tôi tuyên bố Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tích cực góp phần cùng các nước Đông Nam Á và trên thế giới vào sự nghiệp chung vì hòa bình, ổn định, độc lập, hợp tác và phát triển”.

Có cô phóng viên Hãng Reuters xin được vào thăm nhà đồng chí Đỗ Mười, với ý định nhân dịp này tìm hiểu xem đời sống của các vị lãnh đạo Việt Nam như thế nào, có khác gì so với đời sống của các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước hay không. Hôm ấy, cô phóng viên hỏi Tổng Bí thư Đỗ Mười rất nhiều chuyện. Đồng chí chăm chú nghe và trả lời từng câu hỏi bằng lời lẽ ân cần, tình cảm và đầy sức thuyết phục. Sau khi được dẫn xem các phòng, cô ấy đến cạnh Tổng Bí thư Đỗ Mười cảm động nói: “Thưa bác, cháu thấy thế hệ các bác đã chiến đấu và gian khổ nhiều, đáng lẽ ngày nay được hưởng sung sướng nhưng thực tế cuộc sống đời thường của bác cũng rất giản dị”.

Đồng chí Đỗ Mười đáp lại: “Những người lãnh đạo Việt Nam dù vào sinh ra tử, có nhiều công lao với đất nước, nhưng đời tư của họ vẫn như mọi người. Chị xem ngôi nhà đây là của Nhà nước, mọi thứ treo trên tường đều là tặng phẩm của bạn bè, đồng bào, đồng chí. Thứ quý nhất chính là những giá sách mà chị vừa xem đấy”.

Hằng năm, bà con Việt kiều từ các nước về thăm Tổ quốc. Trong số đó có nhiều người trước đây theo chính quyền Sài Gòn. Thái độ của bà con khi về nước có nhiều phần mặc cảm, rụt rè. Trong một buổi nói chuyện thân mật với bà con về thăm quê hương đón Xuân Ất Hợi 1995, trước tiên đồng chí Đỗ Mười thân ái chúc bà con đoàn kết, xây dựng cuộc sống ổn định nơi định cư. Sau nữa, đồng chí nói: “Tất cả chúng ta chỉ có một Tổ quốc Việt Nam, là con em của một dân tộc anh hùng, từ thời dựng nước tới nay đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hung bạo và hùng mạnh. Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc, nhưng chưa thể tự hào về sự giàu đẹp của đất nước. Phải cùng nhau suy nghĩ và hành động sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đồng chí tiếp tục: “Trong một kỳ họp Quốc hội, tôi có nói: “Xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai”. Nếu không có thực dân, đế quốc, sẽ không có vết thương lòng giữa những người Việt Nam với nhau. Ta đánh đuổi được đế quốc, thực dân thì cũng phải xóa vết thương lòng đó. Hãy đoàn kết nhau lại, không mặc cảm, không hận thù, hãy cùng nhau phấn đấu vì tương lai tươi sáng của dân tộc”. Hôm ấy, trước sự cởi mở, thân tình và những lời nói thành thực của Tổng Bí thư Đỗ Mười, bà con rất cảm động.

Trên đây là một vài nét về tấm lòng vì Đảng, vì dân của thủ trưởng tôi. Nếu kể cho hết cả quá trình 70 năm hoạt động cách mạng, cả những việc mà đồng chí Đỗ Mười đã làm, đã kinh qua thì nhiều lắm, không sao kể hết. Gần 40 năm được vinh dự phục vụ đồng chí Đỗ Mười, tôi đã học tập được rất nhiều điều. Trên hết là đức tính: Cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, với đất nước của đồng chí.

Thương nhớ một con người

Bác đã đi rồi, Bác Mười ơi!
Nước non thương nhớ một con người
Mà cả cuộc đời lo cho nước
Cho Đảng, cho dân không hề ngơi

Hơn suốt trăm năm Bác vẹn tròn
Với làng, với nước, với vợ con
Tấm lòng trong sáng không tì vết
Ở đâu gian khó có Bác liền

Ước nguyện đêm ngày Bác hằng mong
Làm sao đất nước chóng mạnh giàu
Cuộc sống nhân dân thêm hạnh phúc
Sánh vai cường quốc khắp năm châu

Những ngày cuối đời khi vĩnh biệt
Vẫn còn trang sách dở để bàn
Nét chì gạch đậm như nhắc nhở
Công nghiệp ngày mai sẽ ra sao?

Bác đã đi rồi, Bác Mười ơi!
Tủ sách phòng bên vắng Bác ngồi
Dàn hoa trước ngõ ai chăm tưới
Các cháu trong nhà vui với ai?

Bác đã đi rồi, Bác đi xa
Về với Lênin, với Cụ Hồ
Toàn dân, toàn Đảng thương nhớ Bác
Đã có công lao với nước nhà

Thật thương, thật nhớ Bác Mười ơi!
Bác như ngôi sao sáng giữa trời
Mặc cho bão tố hòng che phủ
Tấm gương của Bác vẫn sáng ngời.

Phan Trọng Kính

Phan Trọng Kính Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/914952/tam-long-vi-dang-vi-dan-va-tai-ngoai-giao-cua-dong-chi-do-muoi