Tấm lòng trung thực của bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã ký quyết định kháng nghị hai bản án sơ thẩm (2008) và phúc thẩm (2009) đối với tử tù Hồ Duy Hải.

Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Hoàng Phương/Báo Thanh niên.

Theo đó, yêu cầu hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng tuyên hủy cả hai bản án trên, điều tra xét xử lại từ đầu.

Theo đó, ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) đều bị giết bằng cách cắt cổ. Nghi phạm Hồ Duy Hải bị bắt sau đó mấy ngày, và bị hai cấp tòa tuyên phạt mức án tử hình về tội “giết người”.

Sau phiên tòa phúc thẩm, cả chánh án TANDTC lẫn viện trưởng VKSNDTC đều có quyết định không kháng nghị bản án. Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải.

Tử tù chỉ còn chờ ngày lên “đoạn đầu đài”.

Nhưng trước sự lên tiếng mạnh mẽ của các luật sư, các nhân sỹ, trí thức và của báo chí về những dấu hiệu oan sai của Hồ Duy Hải. Ngay trước ngày Hải bị thi hành án tử hình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ra lệnh hoãn thi hành án.

Tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra lệnh cho TANDTC, VKSNDTC xem xét lại bản án. Tháng 7/2019, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu hai cơ quan trên xem xét lại bản án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Kết quả là quyết định kháng nghị hai bản án đã được ban hành.

Một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ án là bà Lê Thị Nga, hồi đó là Phó Chủ nhiệm và hiện tại là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đích thân bà đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án, và đã viết một báo cáo dài 10 trang gửi lãnh đạo đảng, nhà nước và lãnh đạo các cơ quan tố tụng.

Theo bà, có đủ 4 căn cứ để kháng nghị hai bản án. Đó là việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ; Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trong trong tố tụng, điều tra, xét xử và thứ 4 là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng bộ luật hình sự.

Dư luận tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng tấm lòng trung thực, sự đánh giá khách quan, công minh của bà Lê Thị Nga. Nhưng còn 1 vụ án nữa mà dấu hiệu oan sai còn nhiều hơn cả vụ án Hồ Duy Hải. Đó là vụ án “giết người” xảy ra ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vào ngày 29/11/1992.

Ông Trần Văn Vót, một đảng viên, bí thư chi bộ, cựu chiến binh, đã bị bắt vì bị coi là nghi phạm và bị hai cấp tòa kết án tù chung thân về tội trên. Gần 30 năm nay trong nhà tù, ông liên tục kêu oan.

Báo NNVN đã có loạt bài chỉ ra những dấu hiệu oan sai trong vụ án. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đều yêu cầu TANDTC, VKSNDTC xem xét lại vụ án. Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng nhiều lần lên tiếng đòi xét lại vụ án. Nhưng TANDTC cứ nhất định rằng ông Vót không oan.

Giá như vụ án Trần Văn Vót cũng được quan tâm như vụ Hồ Duy Hải?

Giá như...

Bạn đang đọc bài viết Tấm lòng trung thực của bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.

Vũ Hữu Sự

Chia sẻ Facebook

0 0

Quan tâm

Vũ Hữu Sự

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tam-long-trung-thuc-cua-ba-chu-nhiem-uy-ban-tu-phap-post254370.html