Tấm lòng thiện nguyện

Từ miền Tây Nam Bộ, một nhóm thiện nguyện gồm các ông, bà hơn 60 tuổi đã lặn lội ra Hà Nội thuê phòng trọ, nấu cơm chay miễn phí phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Một tay đảo rau trong chảo to trên bếp lửa, tay kia lau mồ hôi, bà Sáu Giàu cười: "An Giang quê mình cũng nắng nóng, nhưng rộng rãi, thoáng mát hơn phòng trọ ở Hà Nội. Mới đầu ra bắc cũng thấy cực, nhưng ở hai tháng nay thì quen rồi".

Bà Sáu Giàu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Giàu. Năm nay 60 tuổi, bà là người trẻ nhất trong nhóm từ thiện từ các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp ra Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nấu cơm chay miễn phí cho bệnh nhân suốt hai tháng qua. Người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn chia sẻ, nhóm của bà, đều ở tuổi trung niên và các cụ già. Họ đã đi gần hết các bệnh viện lớn, nhỏ ở quê nhà để nấu cơm chay cho người nghèo. Một lần, trò chuyện với một phụ nữ Hà Nội vào An Giang, biết nhiều bệnh viện ở Hà Nội chưa có bếp ăn từ thiện, các bà bàn nhau ra giúp đỡ.

Chúng tôi rất muốn đóng góp chút tâm sức cho bà con gặp hoàn cảnh khó khăn, ông Ðặng Kim Y (63 tuổi, quê Ðồng Tháp) giải thích. Với suy nghĩ đó, đầu tháng 5 - 2019, họ ra Hà Nội xin được phát cơm chay từ thiện tại Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội. Tuần bốn buổi, mỗi buổi khoảng hơn 100 suất cơm, các suất đều có đủ rau, canh, món chay các loại...

Trước ngày phát cơm, 6 giờ tối, các thành viên trong nhóm cùng nhau đi chợ, chuẩn bị sẵn nguyên liệu và dụng cụ để sáng hôm sau nấu ăn. Một người được cử đi khắp bệnh viện phát phiếu cho bệnh nhân. Cứ 4 giờ sáng, khi các phòng trọ kế bên còn chìm trong im lặng, nhóm cơm chay từ thiện của bà Sáu Giàu đã tỉnh giấc. Mỗi người một tay, người xào, người nấu canh. Ðúng 9 giờ, cả nhóm xếp những hộp thức ăn còn nóng hổi vào thùng lớn, các nhà hảo tâm ở Hà Nội sẽ hỗ trợ nhóm vận chuyển đồ ăn đến bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Út (68 tuổi) cho biết, không chỉ nấu sao cho ngon, ưu tiên hàng đầu của nhóm là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. "Mình làm thiện nguyện thì phải dành cho bệnh nhân những thứ tốt đẹp nhất có thể. Nếu nấu cho người bệnh ăn mà không ngon, không bảo đảm vệ sinh thì chẳng còn ý nghĩa gì cả", bà Út nói. Ngồi cạnh, bà Sáu Giàu góp chuyện, phát cơm cho bệnh nhân ăn xong, các bà đều cố nán lại để hỏi xem thức ăn có hợp khẩu vị không để buổi sau điều chỉnh. Giữa một ngày Hà Nội đầy nắng, từ phòng trọ, ông Nguyễn Văn Chứ (Út Chứ) đầu trần, hì hụi bê một thùng cơm to đặt lên xe chở đến viện. Ông lão 73 tuổi ít nói nhưng cẩn trọng và tỉ mỉ. Mỗi hộp cơm trao cho bệnh nhân, ông đều nâng niu như món quà của tình nam-bắc.

Cuối tháng 6 vừa qua, sau khi kiểm tra, thấy ai huyết áp cũng cao, bác sĩ khuyên các bà cần nghỉ ngơi một tuần. Cứ hết một tháng, ba thành viên trong nhóm sẽ về quê, ba người mới lại từ An Giang ra Hà Nội thay phiên. Riêng bà Sáu Giàu, vì trẻ nhất đoàn, lại ít vướng bận nên tiếp tục ở lại.

Bà Trương Thị Ngọc Hòa (64 tuổi, ở quận Hoàng Mai), chủ nhà trọ nơi nhóm thiện nguyện đang ở, chia sẻ: "Ðể tiếp thêm động lực làm đẹp cho đời của nhóm thiện nguyện, tôi giảm giá cho thuê ba phòng trọ từ gần năm triệu đồng xuống chỉ còn hai triệu đồng".

Bà Trần Thị Miến (62 tuổi, ở tỉnh Ðiện Biên) đang điều trị tại Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội chia sẻ: "Tôi rất cảm động khi các ông bà từ tận miền nam ra đây giúp đỡ bệnh nhân. Phát miễn phí những hộp cơm được trao tận tay rất chân thành, tình cảm, khiến tôi vô cùng biết ơn và cảm động".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41033902-tam-long-thien-nguyen.html