Tấm lòng thầy giáo người Thái của đồng bào Mông

Gần 20 năm ròng, mùa nắng cũng như mùa mưa, đồng bào dân tộc Mông ở vùng biên viễn heo hút miền tây Nghệ An vẫn thường thấy bóng dáng người thầy giáo, ngực mang balô quần áo, lưng gùi gạo rong ruổi khắp núi rừng để 'địu con chữ' về cho những trẻ em bản nghèo xa xôi.

Thầy giáo Lương Trung Thành với những học sinh dân tộc Mông tại điểm trường Pà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: VGP/Thủy Lợi

Đó là thầy giáo Lương Trung Thành (dân tộc Thái), giáo viên điểm trường lẻ Pà Khốm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong.

Mở đầu câu chuyện, thầy Thành khái quát sơ qua về đặc điểm khí hậu và dân cư nơi đây. “Pà Khốm có khí hậu khắc nghiệt về mùa lạnh, có những lúc nhiệt độ xuống thấp nên chuyện nước suối đóng băng hay tuyết rơi là điều rất bình thường. Cư dân ở đây hoàn toàn là đồng bào dân tộc Mông, các gia đình trong bản đều thuộc diện đói nghèo và đang phải lo chạy ăn từng bữa. Khi cái ăn còn chưa đủ thì chẳng ai có thể nghĩ đến chuyện cho con em học hành hoặc nếu có học thì cũng lẻ tẻ, đứt quãng”.

Bản thân sinh ra và lớn lên trên chính vùng biên Tri Lễ, phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể theo đuổi con đường học chữ và ước mơ chinh phục kiến thức, thầy Thành luôn khát khao đem con chữ, đem văn minh mới về cho đồng bào, con em nơi quê nhà để từ đó cải thiện đời sống quê hương vùng biên giới.

Ảnh: VGP/Thủy Lợi

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, thầy Thành xin về dạy học ngay tại mảnh đất Tri Lễ. là một trong số ít giáo viên thành thạo tiếng Mông, thầy được cử về dạy tại điểm lẻ bản người Mông suốt nhiều năm liền, kể cả những điểm lẻ nằm cách xa trung tâm xã đến cả buổi đi bộ.

Nhiều năm dạy học ở những điểm trường lẻ với điều kiện vật chất không thể thiếu thốn hơn - không điện, không đường, không nước và cũng chẳng có sóng điện thoại, thầy Thành hằng ngày chứng kiến nhiều đứa trẻ vùng biên viễn đến trường không có dép, không có áo ấm vào mùa đông. Thầy nảy ý định đi xin quần áo, giày, dép cho các em. Những ngày đầu thực hiện ý tưởng, thầy chỉ xin được từ bạn bè dăm ba món đồ. Rồi đến khi có sóng điện thoại, có mạng xã hội, thầy đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh, clip ngắn ghi lại sự thiếu thốn và kêu gọi các đơn vị, cá nhân hảo tâm giúp đỡ. Từ đó, gần như năm nào học sinh của thầy cũng nhận được những món quà gửi về là quần áo, giày dép mới.

Năm 2004, thầy được cử làm Hiệu phó Trường Tiểu học Tri Lễ 4, nơi có con đường đi lại khó khăn bậc nhất của miền núi Nghệ An. Thật không may, năm 2008, trong một lần từ trường về nhà thầy bị ngã xe, gãy xương đùi. Vụ tai nạn đã khiến việc đi lại của thầy gặp khó khăn nên sau đó, thầy được ngành giáo dục địa phương tạo điều kiện cho về dạy học tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2 – nơi giao thông thuận lợi hơn. Với vốn tiếng Mông thành thạo, lại luôn trăn trở về những khó khăn trên con đường tìm đến con chữ của con em đồng bào, thầy Thành tiếp tục được giao dạy học ở điểm trường duy nhất của Trường Tiểu học Tri Lễ 2 - nơi đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Mặc dù những năm qua, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho thầy và trò nơi đây song, với đặc thù vùng biên viễn, những vất vả, khó nhọc của cả thầy và trò vẫn hiện hữu trên từng giờ lên lớp. Chia sẻ về những dự định tương lai, thầy Thành chỉ mong ước cho các em nhỏ có thêm những điều kiện tốt hơn để con đường đến trường không còn gian nan nữa.

Thủy Lợi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/tam-long-thay-giao-nguoi-thai-cua-dong-bao-mong/322234.vgp