Tấm lòng nhân dân với người con xứ Truồi - Đại tướng Lê Đức Anh

Trong hồi tưởng của những người dân xứ Truồi về Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh, ông là một người giản dị, liêm khiết, gần gũi với nhân dân. Lúc nào cũng dạt dào tình cảm với quê hương.

Những ngày này, chúng tôi có mặt tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh. Tiết trời oi ả của ngày hè tháng Tư không nóng bằng thông tin Đại tướng từ trần đang len lỏi trong những câu chuyện từ đầu làng cho đến cuối xóm. Đâu đâu cũng nghe mọi người nhắc về Đại tướng. Vùng quê bên dòng sông Truồi bùi ngùi, tiếc nhớ đến ông, một người con ưu tú của vùng đất xứ Truồi.

Đại tướng trong lòng người dân

Đêm 22/4, thông tin Đại tướng Lê Đức Anh từ trần nhanh chóng về đến thôn Nam, xã Lộc An là quê hương và cũng là nơi đang đặt Nhà văn hóa – Thư viện mang tên ông. Nhà văn hóa này được xây dựng vào năm 2012. Nơi đây hiện đang lưu giữ nhiều tư liệu, tranh ảnh về cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng cùng hơn 500 đầu sách để phục vụ người dân, học sinh trên địa bàn đến tham quan tìm hiểu.

Đại tướng Lê Đức Anh (Ảnh tư liệu chụp tại Nhà văn hóa mang tên ông).

Đại tướng Lê Đức Anh (Ảnh tư liệu chụp tại Nhà văn hóa mang tên ông).

Ông Trần Văn Luật (69 tuổi, trưởng thôn Nam) cho biết, từ lúc hay tin Đại tướng mất, mọi người trong thôn đều nghẹn ngào, tiếc thương. Nhiều người ngồi lạị với nhau, nhớ về Đại tướng qua những câu chuyện góp nhặt được trong những lần ngắn ngủi lúc ông về thăm quê. Mỗi câu chuyện về Đại tướng dù dài ngắn khác nhau nhưng qua hồi tưởng của mỗi người dân đều cho thấy ông là một người sống giản dị, gần gũi với nhân dân và lúc nào cũng dạt dào tình cảm với quê hương.

"Tôi vẫn nhớ như in về việc thành lập nhà văn hóa mang tên Đại tướng. Những lời căn dặn của Đại tướng khi đó phần nào cho thấy một con người sống giản dị, liêm khiết và luôn nghĩ đến quyền lợi nhân dân", ông Luật mở đầu câu chuyện của mình.

Ông Trần Văn Luật kể về Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Lê Chung

Theo ông Luật, ngày đó để thể hiện sự ghi nhớ công ơn của Đại tướng Lê Đức Anh, người dân và chính quyền địa phương mong muốn xây dựng một Nhà văn hóa – thư viện mang tên Đại tướng ngay trên quê hương của ông. Tuy nhiên khi ý kiến này được đề xuất, Đại tướng một mực không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến người dân. Sau này, phải qua nhiều lần thuyết phục, Đại tướng mới chấp thuận nhưng vẫn luôn dặn dò làm thì chỉ làm nhỏ, không được ảnh hưởng đến ruộng đất, cuộc sống người dân. Chỉ bằng lời dặn dò như vậy, Đại tướng đã chiếm trọn được tình cảm quý trọng của người dân nơi quê nhà.

Ông Lê Chương (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng bằng bác xúc động: "Khi nghe tin báo bác Lê Đức Anh mất, tôi rất đau buồn. Đây không chỉ là mất mát lớn của Đất nước mà còn của quê hương, dòng tộc".

Nhà Văn hóa - Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Chung

Ông Chương cho hay, sau ngày đất nước thống nhất, Đại tướng cũng hay về thăm quê hơn. Lần thăm quê gần đây nhất là vào năm 2014. Mỗi lần về, Đại tướng đều trò chuyện với họ hàng, không quên hỏi thăm sức khỏe những người lớn tuổi, động viên con cháu học tập, rồi đi thăm làng xóm, xuống bến bãi để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.

"Đối với dòng tộc, có một vị nguyên thủ quốc gia, cống hiến nhiều cho đất nước như thế là một niềm tự hào. Theo lời bác dặn, tôi cũng thường khuyên nhủ con cháu phải cố gắng học giỏi để sau này giúp ích cho xã hội, cho đất nước", ông Chương chia sẻ.

Vị tướng giản dị

Kể về Đại tướng Lê Đức Anh, có một người cũng lưu giữ được lại được khá nhiều kỷ niệm đẹp đó ông Lê Trung Thành (50 tuổi), cháu gọi Đại tướng bằng chú và cũng là người đang trong coi Nhà văn hóa – thư viện mang tên ông tại quê nhà.

Vừa tất bật với công việc dọn dẹp, chỉnh trang Nhà văn hóa để chuẩn bị đón người dân đến dâng hương, tưởng nhớ Đại tướng trong những ngày sắp tới, ông Thành bùi ngùi chia sẻ, đã nhiều năm rồi vì lý do sức khỏe nên Đại tướng không thể về thăm quê. Nhưng mỗi lần về thăm quê Đại tướng Lê Đức Anh luôn cho thấy tình cảm dạt dào với quê cha, đất tổ.

Nhà thờ phái 4 họ Lê một bên Nhà Văn hóa - Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, nơi ông Thành đang trong coi hằng ngày. Ảnh: Lê Chung

"Về quê ông rất thích ngồi quây quần bên mâm cơm cùng mọi người, dùng những món ăn đơn giản như canh rau, dưa cà.... Đặc biệt, có một thứ không thể thiếu được là nước chè Truồi, thứ nước uống đã mang đậm hương vị, tên tuổi vùng đất nơi "chôn nhau, cắt rốn". Mọi người ở đây ai cũng biết và quý ông với đức tính giản dị, liêm khiết, giàu tình cảm. Con cháu trong thôn lấy ông là tấm gương sáng để học hỏi", ông Thành tâm sự.

Ông Thành chia sẻ thêm, gần đây nhất vào tháng 5/2018 ông có dịp ra Hà Nội ghé thăm Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tướng lúc này đang nằm điều trị tại Bệnh viện, dù không còn nói được nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc qua ánh mắt, cử chỉ.

"Lần đó tôi nắm tay ông rồi bảo: "Cháu Lê Trung Thành, người coi nhà văn hóa cho chú ra thăm chú đây. Chú cố gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu nhé". Dù chỉ gật đầu không nói được gì nhưng ông nắm tay tôi thật chặt. Qua ánh mắt tôi thấy ông vui mừng khi có người từ quê ra thăm. Nhưng không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông và ông cũng không thể về quê thăm con cháu thêm một lần nữa", ông Thành kể lại.

Chia tay chúng tôi để tập trung vào phần việc dọn dẹp Nhà văn hóa đang còn dang dở, ông Thành cho hay, dù Đại tướng Lê Đức Anh đã mất nhưng con cháu và thế hệ sau này sẽ luôn nhớ đến công ơn của ông, một vị tướng tài ba nhưng cũng hết sức giản dị.

Riêng về phần mình, trong thời gian tới ông Thành cũng sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt nơi lưu giữ những kỷ niệm về Đại tướng trên mảnh đất quê hương ông.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tam-long-nhan-dan-voi-nguoi-con-xu-truoi-dai-tuong-le-duc-anh-20190424093712818.htm