Tấm lòng nhân ái của sinh viên Việt tại Morocco trong dịch Covid-19

Vừa qua, sinh viên Việt Nam cùng các du học sinh nước ngoài tại thủ đô Rabat (Morocco) đã quyên góp một lượng lớn thực phẩm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa hạ nhiệt ở đất nước này.

Cẩm Hoa (thứ hai bên phải) cùng các sinh viên nước ngoài tại Rabat tham gia từ thiện.

Trong khi nhiều khách du lịch và sinh viên nước ngoài bị mắc kẹt trên khắp thế giới sống trong sợ hãi và bấp bênh do cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, một nhóm sinh viên nước ngoài ở Rabat, bao gồm cả sinh viên Việt Nam, đã tìm cách vượt qua hoàn cảnh cá nhân và quyên góp một lượng lớn lương thực, thực phẩm để giúp đỡ người dân nước sở tại có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa cử cao đẹp này càng thêm ý nghĩa khi được nhóm sinh viên thực hiện trong dịp lễ Ramadan tại đất nước Hồi giáo Morocco.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Việc quyên góp từ thiện được phát động bởi sinh viên kinh tế và tài chính Cẩm Hoa, một sinh viên Việt Nam hiện đang học cao học tại trường Đại học Mohammed V tại thủ đô Rabat. Cẩm Hoa cùng một số sinh viên Việt Nam và nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau hiện không thể về nước và bị mắc kẹt tại khu ký túc xá dành cho sinh viên quốc tế sau khi Morocco phát lệnh giới nghiêm và hoãn các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/3. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Morocco (AMCI), đơn vị hỗ trợ sinh viên nước ngoài về học bổng và các vấn đề khác, đã cung cấp thực phẩm cho các sinh viên quốc tế đều đặn hai tuần/lần.

Ý tưởng về việc từ thiện nảy sinh khi lượng thực phẩm họ được cung cấp khá nhiều, vượt quá nhu cầu sử dụng. Sau vài lần tiếp nhận hỗ trợ từ AMCI, phòng ký túc của các sinh viên bắt đầu chồng chất thực phẩm giống như các cửa hàng tạp hóa với gạo, bột mỳ, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa…

Mọi chuyện bắt đầu từ khu ký túc xá nữ khi sinh viên Cẩm Hoa biết được rất nhiều gia đình Morocco đang phải vật lộn mưu sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ở Morocco đã làm tê liệt hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Cô sinh viên đã có bốn năm học tập và sinh sống tại Morocco cho biết ý tưởng làm công việc từ thiện này vốn đã nhiều lần nhen nhóm trong cô khi cô chứng kiến sự tương phản cuộc sống giữa người giàu và người nghèo tại đây. Lòng thương cảm đã thôi thúc Cẩm Hoa phải làm gì đó mặc dù bản thân cô đang phải sống xa gia đình và có những khó khăn riêng khi bị quản lý nghiêm ngặt trong khu ký túc dành cho sinh viên quốc tế vì dịch Covid-19.

“Tôi không thể làm ngơ khi mình may mắn được cung cấp dư thừa thực phẩm trong khi ngoài kia biết bao người còn không đủ ăn. Dẫu biết rằng số thực phẩm này giá trị có thể không quá lớn nhưng chúng tôi muốn góp một phần dù ít ỏi tới những người còn khó khăn hơn mình”, Cẩm Hoa nói.

Đại diện tổ chức Enamaa thu nhận số thực phẩm quyên góp để gửi đến những gia đình khó khăn.

Lan tỏa lòng nhân ái

Không chần chừ, Cẩm Hoa đã chia sẻ ý tưởng của mình tới nhóm các sinh viên nước ngoài tại Rabat và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các bạn. Leeryk de Lima, sinh viên đến từ đảo quốc Saint Lucia, cho biết cô đã chấp thuận lời kêu gọi quyên góp của Cẩm Hoa và rủ thêm bạn bè mình tham gia. “Khi thấy Cẩm Hoa đề cập việc làm từ thiện, tôi đã nhận lời ngay vì thấy nó vô cùng ý nghĩa, bản thân tôi cũng đang loay hoay với số thức ăn ngày càng nhiều mà không nỡ bỏ đi vì quá lãng phí”, Leeryk de Lima chia sẻ.

Vòng tròn từ thiện cứ thế nhân rộng, số thành viên tham gia lên tới 25 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Lào, Saint Lucia, Gambia… Họ đã cùng nhau quyên góp một lượng lớn thực phẩm bao gồm gạo, bột mỳ, trứng, sữa, bánh kẹo…, đồng thời liên hệ với những người bạn bản xứ để tìm kiếm tổ chức từ thiện đáng tin cậy giúp đưa số thực phẩm này đến tay những người thực sự cần chúng.

May thay, họ đã tìm được Tổ chức phát triển và truyền thông Enamaa, một tổ chức phi chính phủ chuyên kết nối với các gia đình ở vùng sâu vùng xa để cung cấp cho họ các khoản quyên góp bằng hiện vật, hỗ trợ y tế,... Tổ chức này rất vui mừng chấp thuận và đánh giá cao việc làm đầy ý nghĩa của các sinh viên nước ngoài. Ngay sau đó, Enamaa đã cử đại diện đến để tiếp nhận số thực phẩm, giúp chia số thực phẩm quyên góp được thành 30 phần quà và cam kết sẽ chuyển tới tận tay 30 gia đình thực sự cần chúng.

Câu chuyện đầy cảm hứng

Theo người đứng đầu Enamaa, Ayoub El Grini, số thực phẩm quyên góp sẽ được gửi tới các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các trường hợp người trụ cột trong gia đình qua đời hay mất việc làm vì dịch bệnh. Mặc dù Quốc vương Morocco Mohamed VI đã chỉ thị phát động một đợt phân phát thực phẩm để giúp đỡ 600.000 gia đình nghèo nằm ở vùng nông thôn trong thời gian dịch bệnh và tháng Ramadan, tuy nhiên diễn biến lây lan khó lường của dịch bệnh tại nước này vẫn khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh lao đao cần được giúp đỡ.

Được biết, sáng kiến của mạnh thường quân Việt Nam không chỉ góp phần nhân rộng phong trào từ thiện ở thủ đô Rabat, mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều bạn trẻ ở các thành phố khác của Morocco. Câu chuyện đầy cảm hứng này đã được truyền thông Morocco ghi nhận và được đăng tải trên một số trang báo của nước sở tại.

Cẩm Hoa chia sẻ cô không thể ngờ việc làm nhỏ bé của mình lại được mọi người chú ý và ủng hộ đến thế. Sau khi bài báo về việc quyên góp từ thiện của nhóm sinh viên quốc tế được đăng tải trên trang Morocco World News, cô đã nhận được rất nhiều lời tán dương và đề nghị cùng tham gia quyên góp trong những đợt kế tiếp. Nữ sinh cho biết cô và các bạn sẽ tiếp tục mở rộng vòng tròn từ thiện trong bối cảnh quốc gia châu Phi này tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Việc làm nhân ái này của sinh viên Việt Nam không chỉ góp phần chống lại những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn cho thấy sự đoàn kết chống dịch bệnh không phân biệt biên giới, tôn giáo hay màu da.

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 xuất hiện tại Morocco từ ngày 2/3 sau đó lây lan nhanh chóng. Ngày 15/3, Chính phủ Morocco đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đồng thời quyết định tạm dừng các tuyến bay đi và đến với tất cả các quốc gia. Tính đến ngày 12/6, Morocco hiện có 8.610 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.600 ca được chữa khỏi và 212 ca tử vong.

Quang Hiệp

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tam-long-nhan-ai-cua-sinh-vien-viet-tai-morocco-trong-dich-covid-19-117358.html