Tấm lòng người lính Biên phòng với người dân vùng biển

Tuổi trẻ của bà Nguyễn Thị Thuận (khu phố Tân Cảng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) là những tháng ngày vô cùng tươi đẹp trong quân ngũ. Những tưởng, những tháng năm cuối đời, sẽ phải sống đơn độc vì chồng mất sớm, các con lập nghiệp ở xa thế nhưng, một lần nữa, bà Thuận lại được sống giữa tình yêu thương, sự đùm bọc của những người lính Biên phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thuận. Ảnh: Trúc Hà

Với nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế thì bà Nguyễn Thị Thuận không phải là người xa lạ. Bà Thuận sống một mình vì chồng đã mất, các con đều đi làm ăn xa, gia đình lại khó khăn nên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An đã nhiều lần đến giúp đỡ. Gần đây nhất là sau cơn bão số 13 (tháng 11-2020), đơn vị cũng đã xuống giúp bà khắc phục hậu quả.

Buổi trưa hôm ấy, khi đang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ giúp ngư dân cứu kéo tàu cá bị bão đánh chìm trong âu thuyền, Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An nhận được điện thoại của Bí thư Chi bộ khu phố Tân Cảng là bà Nguyễn Thị Kim Thoa: “Nhà mệ Thuận bị bão tốc hết mái nhà rồi anh Giáp ạ. Chúng tôi đã nhờ rất nhiều nơi nhưng không được, giờ chỉ còn trông vào đơn vị các anh hỗ trợ cho mệ tấm lợp”.

Sau một hồi suy nghĩ, Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên đưa ra phương án: “Thôi thì cứ ứng ra trước, anh em trong đơn vị cũng quen với việc đóng góp ủng hộ cho người dân rồi. Mỗi người năm chục, một trăm hoặc tùy tâm. Bão lũ liên tục, người dân khó khăn quá”.

Đích thân Thiếu tá Lê Văn, Phó đồn trưởng đến tận nơi chỉ đạo anh em trong đơn vị lợp lại mái nhà cho bà Thuận. Nhà của Thiếu tá Lê Văn cách nhà bà Thuận chỉ mấy dãy nhà nên việc anh đến gúp đỡ lần này “cũng như giúp hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”. Những hộ xung quanh thấy cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến lợp lại mái nhà cho bà Thuận cũng đến góp sức.

Khi chúng tôi tìm đến thì mái nhà của bà Thuận đã được thay mới xong xuôi, đồ đạc bị bay và ướt bởi mưa bão cũng đã được thu dọn cẩn thận. Bà Thuận phấn khởi chạy ra mời khách vào nhà, rót nước. Khi đã yên vị, chúng tôi mới có dịp nhìn thấy trên tường bà Thuận treo rất nhiều khung ảnh chụp thời con gái hoặc những giấy tờ liên quan đến thời gian khi bà còn đang công tác. Bà trân trọng, giữ gìn cả những tấm thiệp chúc mừng năm mới của Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng gửi cho cán bộ đã về hưu.

Bà Thuận năm nay đã ngoài 80 tuổi, bước đi không còn được nhanh nhẹn nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Bà quê Quảng Trị, nhập ngũ và trở thành cán bộ quân báo của Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Tại đây, bà đem lòng thương chàng cán bộ cùng quê tên Dương Thành Phố. Nhìn những bức ảnh chụp chân dung bà khi còn trẻ, ai cũng có thể thấy bà là người có nhan sắc và càng đẹp hơn trong những bộ quân phục nên chúng tôi không giấu được ngạc nhiên khi nghe bà kể gần 40 tuổi bà mới kết hôn.

Bà cười bảo: “Hồi ấy, tuổi trẻ với bao nhiêu lý tưởng, công việc của một cán bộ quân báo đòi hỏi chúng tôi phải nghiêm túc, cống hiến hết mình. Tôi và ông xã quen nhau lâu, được tổ chức ủng hộ nhưng cả 2 người cứ mải mê theo công việc. Cho đến khi tôi quyết định chuyển ngành, còn chồng xin chuyển công tác về 1 đơn vị ở thị trấn Thuận An thì chúng tôi mới kết hôn”.

3 đứa con lần lượt ra đời, một mình bà vừa công tác vừa thay chồng nuôi con bởi dù đơn vị chồng gần nhà nhưng ông vẫn tiếp tục đi công tác triền miên. Năm 1994, lúc này các con đã lớn, cô con gái đầu sang Lào làm ăn, cậu con trai thứ lập nghiệp tận thành phố Hồ Chí Minh, đứa út mở hiệu cắt tóc trên thành phố Huế thì cũng là lúc chồng bà Thuận mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Một mình bà Thuận ở lại căn nhà cũ.

Cách đây khoảng chục năm, thấy hoàn cảnh bà khó khăn, bà lại là hội viên Hội Cựu chiến binh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã vận động, xây dựng cho bà Thuận căn nhà Đại đoàn kết.

Thượng úy Hoàng Đình Trọng, lái xe của Đồn chia sẻ: “Khi ấy tôi còn đang công tác ở đơn vị, nhà tôi cũng ở trong tổ dân phố Tân Cảng nên xung phong đến giúp xây nhà cho mệ Thuận, coi như vừa việc của đơn vị vừa làm giúp đỡ hàng xóm. Tiền của đơn vị vận động được, mệ Thuận cũng có thêm tiền tiết kiệm, con cái cũng biếu thêm nên căn nhà xây xong rất vững chãi. Ngày khánh thành nhà mệ Thuận mừng lắm vì từ nay đã có căn nhà kiên cố để ở. Ở vùng biển này đến mùa bão rất cực, nhà có đàn ông còn vất vả chứ nói gì sống một mình. Thế nên có nhà khang trang rồi mệ không còn phải lo lắng nhiều”.

Tôi hỏi bà Thuận: “Thế cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có hay ghé thăm bà không?”, bà trả lời: “Các chú Biên phòng nhiều việc lắm đâu có thời gian đi chơi. Nhưng những ngày nghỉ, có mấy chú trong đơn vị, cùng đồng hương Quảng Trị với tôi cũng hay qua. Mấy chú nhà gần đây thỉnh thoảng cũng ghé chơi, hỏi thăm. Nhà neo người nên có người ra người vào nó cũng bớt cô quạnh cô ạ”.

Nghe câu trả lời, ai cũng cảm thấy sự mãn nguyện và mừng cho bà Thuận bởi dù phải sống một mình nhưng không hề đơn độc.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tam-long-nguoi-linh-bien-phong-voi-nguoi-dan-vung-bien-post435891.html