Tấm lòng người dân Thủ đô với Bác Hồ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều năm gắn bó với địa bàn Hà Nội. Người cũng dành nhiều tình cảm với nhân dân Thủ đô. Hơn nửa thế kỷ từ ngày Bác đi xa, tình cảm của nhân dân Thủ đô với Bác vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

Mới sáng sớm, ngôi nhà ông Trần Văn Cao ở thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã rộn vang tiếng nói, tiếng cười. Những ngày này, gia đình ông Cao lúc nào cũng bận tiếp khách. Khách của ông có những người cao tuổi, nhưng cũng có cả những học sinh và những người từ địa phương khác tìm đến. Họ đến đây để tham quan, tìm hiểu về phòng lưu niệm Bác Hồ, để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đã bước sang tuổi 84, ông Cao trông như trẻ ra mỗi khi có đoàn khách đến. Ông vui vẻ hướng dẫn mọi người đến bàn tưởng niệm Bác, rồi bắt đầu tham quan “công trình” mà ông dày công nghiên cứu, sưu tập. Đó là hơn 300 bức ảnh Bác Hồ trải dài suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Khách tham quan ai cũng bất ngờ. Giới thiệu bức ảnh nào, ông Cao cũng kể tường tận các sự kiện liên quan đến bức ảnh ấy. Thí dụ như những bức ảnh thời trai trẻ của Bác, khi còn là Nguyễn Ái Quốc, hay những bức ảnh khi Bác đi thăm các đơn vị chiến đấu; động viên nhân dân các địa phương... Những lúc kể về sự hy sinh vô cùng to lớn, cao cả và vĩ đại của Bác, giọng ông trầm xuống xúc động. Chỉ qua câu chuyện, thái độ khi ông Cao nói về Bác, cũng phần nào thấy được tình cảm đặc biệt của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi còn công tác, do phấn đấu không ngừng nghỉ, ông Cao được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” của ngành thủy lợi, kèm theo phần thưởng là 21 tấm ảnh Bác Hồ. Đó chính là “vốn liếng” đầu tiên cho bộ sưu tập ông xây dựng sau này. Từ khi về hưu năm 1990, ông Cao tập trung sưu tầm ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy ai có tư liệu quý, ông đến tận nơi xin sao chụp lại. Ông cũng tự sáng tác một trường ca gồm 1.456 câu thơ, tóm tắt cuộc đời hoạt động của Bác từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đến những năm tháng cuối đời của Người. Đến năm 2019, ông Cao chính thức ra mắt phòng trưng bày về Bác Hồ tại tầng 3 trong căn nhà mình. Phòng trưng bày không chỉ là tấm lòng của ông Cao, bây giờ, đã trở thành niềm tự hào của chính quyền, nhân dân xã Đại Yên.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ có nhiều gắn bó với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Trong đó, có nhiều dấu ấn đặc biệt. Sau ngày Tổng khởi nghĩa thành công, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ về Thủ đô chỉ đạo phong trào cách mạng, Bác đã nghỉ chân tại nhà cụ Nguyễn Thị An, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ít ngày sau đó, Bác viết Tuyên ngôn độc lập tại nhà 48 phố Hàng Ngang, tư gia của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Để chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làng Vạn Phúc (quận Hà Đông), ở nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến... Ngoài ra, Bác còn thăm, gặp gỡ, động viên nhân dân, trồng cây lưu niệm tại nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, mọi người dân Thủ đô đều dành cho Bác tình cảm đặc biệt. Câu chuyện của ông Trần Văn Cao chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về tình cảm nhân dân Thủ đô với Bác.

Điều đặc biệt, là dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng Bác cũng luôn quan tâm đến đời sống, đến nhân dân. Khi chào từ biệt gia đình cụ Nguyễn Thị An để vào nội thành chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ có hẹn ngày quay lại. Không ai có thể ngờ rằng, hơn một năm sau đó, ngày 24-11-1946, Bác lại về Phú Thượng. Bác dành nhiều thời gian ân cần hỏi thăm và còn ăn cơm trưa với gia đình. Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An xúc động chia sẻ: “Đây là vinh dự quá lớn với gia đình tôi. Một lãnh tụ của cả dân tộc lại quan tâm đến từng việc nhỏ như thế”. Đó là lý do gia đình ông Dũng đã hiến ngôi nhà năm xưa Bác dừng chân để làm di tích, làm nơi truyền dạy đạo đức cách mạng của Bác cho các thế hệ.

Nhiều địa danh nơi Bác Hồ từng sống, làm việc, hay đến thăm nay đã thành di tích, được giữ nguyên hiện trạng và chỉnh trang thành Nhà lưu niệm Bác Hồ hoặc được gắn biển di tích cách mạng. Tất cả các di tích, tượng đài, cây đa Bác trồng... đều được nhân dân gìn giữ, chăm sóc bằng cả tấm lòng. Phường Xuân La (quận Tây Hồ) từng hai lần đón Bác về thăm. Nhân dân đã dựng tượng kỷ niệm sự kiện này. Không gian này luôn được giữ gìn sạch, đẹp. Cùng với nhân dân địa phương, có một người phụ nữ đã nhiều năm tận tụy với công việc quét dọn khu Đài tưởng niệm - đó là bà Đỗ Thị Xuân, thuộc Đội tự quản vệ sinh môi trường Tổ dân phố số 5. Gần chục năm nay, mỗi buổi sáng, bà dậy sớm trước mọi người, dọn vệ sinh sạch sẽ rồi mới tập thể dục, vừa gìn giữ môi trường, vừa thể hiện tấm lòng với Bác. Những câu chuyện như thế, có thể thấy ở bất cứ nơi đâu. Đó là Tượng đài Bác Hồ ở phường Việt Hưng (quận Long Biên), là cây đa Bác Hồ ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì), cây đa Bác trồng ở xã Đông Hội, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh)... Tháng 5 lại về, kỷ niệm Ngày sinh của Bác, cũng là dịp người dân Thủ đô thành kính tri ân công lao của Người, tiếp tục gìn giữ những hình ảnh, tư liệu, kỷ vật về Bác đến mai sau, tích cực học tập, làm theo tấm gương của Bác.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44521502-tam-long-nguoi-dan-thu-do-voi-bac-ho.html