Tấm lòng của người con xa quê

Mỗi miền đất trên quê hương xứ Nghệ đều mang trong mình những nét riêng, hoặc thầm kín, sâu lắng, hoặc dữ dội mà đắm say... Quê hương xứ Nghệ lắng đọng tình yêu thương tha thiết, mộc mạc nhưng tỏa hương nồng đượm. Đó là cảm nhận của tôi khi đọc tập thơ 'Cỏ may đồng làng' (NXB Hội Nhà văn, 2018)-tập thơ thứ năm của Đại tá Nguyễn Cảnh Bình, cán bộ Phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tham mưu Quân đoàn 4.

 Trang bìa tập thơ "Cỏ may đồng làng".

Trang bìa tập thơ "Cỏ may đồng làng".

Là người con của quê hương xứ Nghệ, năm 1987, Nguyễn Cảnh Bình tốt nghiệp ngành kỹ sư vô tuyến điện tử và học chuyển loại kỹ sư đo lường tại Học viện Kỹ thuật quân sự, sau đó về công tác tại Quân đoàn 4. Dù đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn từ lâu nhưng tất cả những gì thuộc về miền "gió Lào nắng vỗ mặt người" vẫn luôn hiện rõ trong tâm trí của người chiến sĩ. Tình cảm dành cho quê hương vô cùng lãng mạn, giàu hoài niệm và cảm xúc chân thành được anh gửi gắm qua 27 bài trong tập thơ "Cỏ may đồng làng".

Trong "Cỏ may đồng làng", hình ảnh làng quê xứ Nghệ bình yên với những địa danh gắn liền với tuổi thơ, những món ăn dân dã được Đại tá Nguyễn Cảnh Bình gợi lên rất đỗi gần gũi, chân thực: Tri Lễ ngàn năm thương hoài nét cũ/ Bên dòng Lam mê mải khúc giao mùa/ Với củ khoai thơm chè gay mẹ ủ/ Sâu đậm ân tình xứ Nghệ nên thơ (bài "Anh Sơn ngày trở về"). Hay đó là hình bóng người thân tảo tần, vươn lên mạnh mẽ: Đê cong cong dáng một đời chị tôi/ Gót sen một thuở đâu rồi/ Bàn chân nứt nẻ nụ cười còn duyên (bài "Chị tôi")… Và dù quê hương một thời nghèo khó: Đất mình nghèo bên nớ lẫn bên ni/ Con cá, con dam quanh đồng nhặt nhạnh/ Bữa bữa thay nhau ngô vùi khoai sắn/ Tay em còn nhấn nhá bát đầy vơi (bài "Ân nghĩa làng quê") nhưng nỗi nhớ quê hương chưa bao giờ phai phôi, để rồi Bao thừa thãi và vinh danh hư ảo/ Cháy được bao lâu trong chốn quê mình? (bài "Nam Đàn trong tôi").

Nét đẹp của quê hương, của con người nơi đây, cái sinh động của cuộc sống hằng ngày còn được khéo léo chuyển tải vào trang thơ tựa như những làn điệu ví, giặm ngọt ngào, đằm thắm: Ai đói khổ nỏ chê/ Ai nghèo hèn nỏ bỏ/ Chừ đi mô cũng chộ/ Dân cá gỗ mần ăn/ Danh lưu truyền bốn cõi/ Mà danh đã truyền khắp bốn cõi (bài "Thơm danh cùng cá gỗ"). Không khó để nhận thấy tiếng lòng của tác giả được lan tỏa vào từng trang thơ bằng chính ngôn ngữ của quê hương mình, bằng niềm tự hào của người con xứ Nghệ. Ngôn từ dung dị chẳng khác nào lời thủ thỉ tâm tình, "Cỏ may đồng làng" mang đến những cảm xúc bất tận, nối tiếp nhau không dứt khi nhớ về quê hương. Đọc "Cỏ may đồng làng", bạn đọc được chìm đắm vào làn nước trong xanh của dòng sông Lam, cái bỏng rát của cát trắng, cái hầm hập của gió Lào, sự mạnh mẽ, kiên cường của con người xứ Nghệ như trong các bài thơ: "Lời của mẹ”, "Về Xuân Lâm quê anh"…

Đau đáu với quê hương, Đại tá Nguyễn Cảnh Bình đã dùng toàn bộ số tiền bán cuốn "Cỏ may đồng làng" cũng như 4 tập thơ trước của mình và vận động quyên góp ủng hộ để thực hiện các chương trình "Máy tính cho em", trao hàng trăm máy vi tính, máy chiếu tặng thầy và trò các vùng quê nghèo Nghệ An. Tập thơ giúp ta hiểu thêm tấm lòng nhân ái, da diết hướng về quê hương của tác giả-một người lính làm thơ.

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tam-long-cua-nguoi-con-xa-que-610472