Tam Kỳ: Cưỡng chế chuồng heo, tạm giữ 10 con heo của một hộ dân

Cho rằng chuồng đang nuôi heo của gia đình bà Lan là một căn nhà xây dựng trái phép, chính quyền TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ chuồng heo, tạm giữ 10 con heo.

Cưỡng chế công trình, chủ nhà ngất xỉu

Việc cưỡng chế được tiến hành vào ngày 10.7 vừa qua tại gia đình bà Phan Thị Lan (trú thôn Đông An, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ). Chính quyền Tam Kỳ đã huy động nhiều ban ngành như công an, y tế, quy tắc đô thị, cán bộ thành phố Tam Kỳ, UBND phường Hòa Thuận… cùng các phương tiện cơ giới đã thực hiện lệnh cưỡng chế theo quyết định của ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho biết đơn vị đã phát hiện ra việc xây dựng trái phép của gia đình bà Lan và đã ra quyết định xử phạt nhưng bà Lan không chấp hành nên tham mưu cho cấp trên ra quyết định cưỡng chế.

Chính quyền cho rằng đây là một căn nhà xây dựng trái phép nên phải phá dỡ và phạt 6 triệu đồng

“Bà Lan cố tình xây một căn nhà nên chúng tôi mới ra quyết định xử phạt. Mặc dù vậy bà ấy không chấp hành. Sau đó bà ấy mới xây thêm các vách ngăn để nuôi heo khi có quyết định cưỡng chế”, ông Sơn nói.

Tại thời điểm phá dỡ có 10 con heo trong chuồng. Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế, phường Hòa Thuận đã đưa 10 con heo về. Riêng bà Lan đã bị ngất xỉu sau đó và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

“Có tất cả 10 con heo. Chúng tôi mang về và ngày 13.7 vừa rồi có yêu cầu gia đình lên nhận về nhưng bà Lan không thực hiện. Hiện, chúng tôi chia đàn heo ra gửi tại các hộ chăn nuôi và một số ít đang được xã đội nuôi. Nếu thời gian tới bà Lan không lên nhận thì chúng tôi sẽ lập thủ tục để bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, khu vực thửa đất của bà Lan được quy hoạch là đất tái định cư cho khu công nghiệp Thuận Yên. Tuy nhiên, dự án này treo suốt 10 năm nay. Thửa đất của bà Lan cũng nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch khai thác đất lẻ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bà Lan kể lại vụ việc

Chủ nhà khẳng định là chuồng heo

Trong khi chính quyền cho rằng công trình vi phạm là 1 căn nhà, bà Phan Thị Lan lại khẳng định: “Đó chỉ là cái chuồng nuôi heo của gia đình tôi có chiều dài khoảng 7m, chiều rộng 3m”.

Theo bà Lan, phần diện tích đất mà bà đang ở và khu vườn trồng cây lâu năm được mua lại của HTX vào đầu năm 2000. Vị trí xây dựng chuồng heo trước đây là một nhà kho đã có sẵn từ trước. Sau khi mua đất, bà Lan sản xuất phân bón vi sinh nên tận dụng nhà kho này làm nơi chứa sản phẩm. Đến năm 2009 thì bà Lan dừng sản xuất nên nhà kho bị bỏ trống.

“Cuối năm 2015, cơn lốc mạnh khiến 1 mảng tường nhà kho này bị sập. Lúc đó tôi bị cao huyết áp phải điều trị dài ngày ở bệnh viện nên chưa sửa chữa được. Cuối năm 2016, tôi xây lại mảng tường bị ngã. Tháng 5.2017, tôi thuê thợ xây thêm vách ngăn chia nhà kho thành 3 chuồng rồi mua 11 con heo với số tiền gần 4 triệu đồng và thả nuôi”, bà Lan nói.

“Mặc dù vậy chính quyền địa phương đến lập biên bản, yêu cầu xử phạt 6 triệu đồng vì cho rằng tôi xây nhà trái phép. Tôi cho rằng mình chỉ sửa lại cái nhà kho cũ có từ trước để chăn nuôi nên không đồng ý nộp phạt. Do vậy, họ đưa ra quyết định cưỡng chế”, bà Lan kể thêm.

Bà Lan khẳng định đây chỉ là chuồng nuôi heo

Người phụ nữ này cũng khẳng định rằng: “Tôi có căn nhà 2 tầng rất rộng lớn ngay gần cái kho khoảng 30m mà chỉ có 3 mẹ con ở. Nhà tôi ở không hết thì xây thêm cái nhà nữa làm gì. Tôi khẳng định tôi chỉ xây lại để chăn nuôi heo”.

Về việc chưa lên phường nhận lại heo, bà cho hay: “Chuồng heo của gia đình tôi họ đã đập thì nhận heo về tôi thả nuôi ở đâu. Chẳng lẽ tôi thả nuôi heo trong nhà mình. Số heo đó với giá thị trường bây giờ đã hơn 15 triệu đồng. Họ nuôi không biết có đảm bảo cho ăn đầy đủ hay không hay heo lại bị gầy ốm. Tôi chưa thấy ở đâu lại đập phá một cái chuồng heo một cách vô lý như ở đây. Họ phải đền bù và xây lại chuồng như cũ cho chúng tôi”.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Minh Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, hồ sơ, trình tự giải quyết, tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp bà Lan rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Việc siết chặt quản lý hiện trạng đất đai trong vùng quy hoạch là điều cần thiết để lập lại kỷ cương pháp luật.

“Vụ việc này cho thấy hệ thống chính trị các cấp chưa làm tốt công tác vận động, đối thoại, giải thích, vì thế bà Lan mới chưa thực sự ‘tâm phục’”, ông Nam nói.

Vân Đình - Thạch Châu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/tam-ky-cuong-che-chuong-heo-tam-giu-10-con-lon-cua-mot-ho-dan-67653.html