Tam Khúc Chúa: 51 năm trị vì gây dựng nền độc lập

Cùng nhìn lại để hình dung bối cảnh đất nước ta trong khoảng thời gian 1000 năm chống lại Bắc thuộc, trước thời Tam Khúc Chúa.

Tượng thờ Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ

Tượng thờ Tiên Chúa Khúc Thừa Dụ

Khởi từ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, rồi tới Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế đã và dần hình thành ‘’Ý thức giành quyền độc lập, tự chủ’’. Và đến khởi nghĩa của 3 anh em họ Phùng (766 – 791), đứng đầu là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, là người mở đầu xu thế Việt hóa tầng lớp lãnh đạo đất nước. (Theo Lịch sử Việt Nam, Vũ Duy Miên chủ biên T.1, Sđd tr.378).

Khoảng đời Nguyên Hòa, nhà Đường (806 – 820), nhà Đường áp dụng chính sách ‘’dùng người Việt trị người Việt’’, sử dụng một bộ phận quan lại và quân lính người Việt trong chính quyền đô hộ.

Nhưng do tác động của phong trào tự chủ trong nhân dân, nên số quan lại và binh lính này ngày càng bị phân hóa sâu sắc. Thêm nữa, nhà Đường dùng một tôn thất là Lý Tượng Cổ làm Đô Hộ An Nam, y là kẻ tàn bạo, hung hãn, vơ vét của cải, tiền bạc của nhân dân Giao Châu.

Điều đó đã dẫn tới cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh, vị Thứ sử Hoan Châu. Cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh (819 – 820) tuy chưa đi tới thắng lợi trọn vẹn, song nó là sự tiếp nối và khơi dậy tinh thần độc lập tự chủ lớn lao của người Việt trong cuộc đấu tranh chống Hán hóa và Bắc thuộc. (Theo Lịch sử Việt Nam, Vũ Duy Miên chủ biên, T.1, Sđd tr.379 – 381)

Sách ‘’Tiến trình lịch sử Việt Nam” đã đưa ra nhận định: ‘’Nhìn chung, phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của nhà Đường nổ ra khắp mọi nơi, miền xuôi cũng như miền núi, từ miền Bắc đến Hoành Sơn, có tính chất phổ biến và tương đối liên tục suốt 3 thế kỷ. Phong trào mang tính chất quần chúng bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, quân sỹ, hào trưởng và quan lại yêu nước.’’

‘’Những cuộc khởi nghĩa lớn ở địa phương đều đưa đến việc xây dựng căn cứ chống giặc, đánh đổ chính quyền của bọn đô hộ ở địa phương, giành chính quyền ở từng nơi, từng bộ phận. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh vào tận sào huyệt của kẻ thù ở Tống Bình’’. (Theo Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, Sđd tr.57).

Hồn thiêng sông núi Đại Việt khởi từ đây bất tử

Chắc chắn rằng, Tam Khúc Chúa cũng kế thừa những phương pháp này, như xây dựng căn cứ địa chiến lược, kêu gọi và tổ chức lực lượng là các hào trưởng, quan lại người Việt, quân sỹ để giành chính quyền từng phần, từng nơi, tiến tới sào huyệt cuối cùng của bọn đô hộ là Tống Bình.

Sách “Đại Nam Dật Sử” viết: “ Nước Nam ta thuộc với Tàu lần thứ năm, về cuối đời Đường, đã nảy cái mầm tự trị, tức là chuyện ba đời họ Khúc, tuy chưa xưng đế xưng vương, nhưng cũng đã biết chia trong nước làm từng lộ từng phủ, đặt chức lệnh trưởng, và làm sổ hộ tịch, biên tên làng quán, quy mô thật là đáng làm gương cho đời sau.’’

‘’Từ bấy giờ trở đi đến đời Đinh thống nhất nước Đại Cồ Việt, hơn 60 năm ấy (906 – 967), dân Nam đã thoát khỏi vòng lao lung của người Tàu. (Theo Đại Nam Dật Sử, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Nxb Khoa học xã hội, Sđd tr.137).

Khâm định Việt Sử tiền biên (quyển 5, tờ 14a – 14b) chép rằng: “Họ Khúc quê ở châu Hồng, đời đời là họ lớn vùng ấy. Khúc Thừa Dụ là người khoan hòa yêu người, được chúng suy tôn. Nhân lúc loạn Thừa Dụ là thổ hào tự xưng Tiết Độ Sứ, rồi sai người xin mệnh lệnh với nhà Đường. Năm thứ 3 hiệu Thiên Hựu (906) đời Đường Chiêu Tuyên, mùa xuân tháng giêng, vua Đường nhân thăng Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ là Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình Chương Sự.’’

Năm sau (907), Thừa Dụ mất, sử chép là ‘’Khúc Tiên Chúa”. Con là Khúc Hiệu (Hạo) nối ngôi: Ấy là Khúc Trung Chúa. Khúc Hiệu nhờ được nghiệp trước, mới giữ La Thành, xưng Tiết Độ Sứ, định trong nước làm từng xứ, lộ, phủ, châu và xã, đặt chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng, chia đều thuế ruộng, làm nhẹ việc quan, lập sổ hộ tịch, biên chép họ tên, làng quán, người giáp trưởng trông nom. Chính sách khoan dân mà giản dị, dân thường nhờ ơn có sức nghỉ ngơi mà “sống lại” (Theo Khâm Định Việt Sử tiền biên, quyển 5, tờ 15b và Ngự Chế Việt Sử tổng vịnh, quyển 1 tờ 14b).

Trong năm Đinh Sửu (917), Khúc Hiệu sai con là Thừa Mỹ sang nhà Hán (Nam Hán) để kết tình giao hiếu, tiếng là tỏ tình giao hảo, thực là để dòm xem hư thực (Khâm Định tiền biên, quyển 5, tờ 15b; Đại Việt Sử Ký toàn thư, quyển 5, tờ 17b). Cũng năm ấy, Khúc Hiệu (Hạo) mất, con là Thừa Mỹ nối nghiệp.

Đến năm Kỷ Mão (919), Thừa Mỹ sai sứ sang xin tiết việt ở nhà Lương, vua Lương nhân cho thống hạt 12 châu ở nước Nam (Theo Khâm Định Tiền Biên, quyển 5, tờ 16a; Đại Việt Sử Ký, quyển 7, tờ 1b và Toàn Thư, quyển 5 tờ 17b).

Hán chúa là Lưu Nham nghe tiếng Thừa Mỹ nhận tiết việt của nhà Lương, giận lắm.

Đến năm Quý Mão (923), Lưu Nham (vua Nam Hán) sai tướng giỏi Lý Khắc Chính đem quân đánh Giao Châu, bắt được Thừa Mỹ đem về, cho tướng là Lý Tiến thay Lý Khắc Chính giữ châu.

Lúc ấy có Dương Diên Nghệ, người Ái Châu là cựu tướng của Khúc Hiệu (Hạo) họp quân chúng đánh đuổi Khắc Chính, Khắc Chính bị thua, chạy về nhà Hán.

Tinh thần các vị Anh hùng lập quốc như vầng dương mãi sáng

Hán chúa ý muốn chiêu dụ, giả cách cho Diên Nghệ tước vị, cho Lý Tiến làm thứ sử châu Giao, cùng Khắc Chính giữ thành ấy, bảo các quan tả hữu rằng: “Dân Giao chỉ hay làm loạn, chỉ có thể ràng buộc mà thôi” (Theo Khâm Định Tiền Biên, quyển 5, tờ 16a, 16b; Đại Việt Sử Ký quyển 7, tờ 1 và Toàn Thư, quyển 5, tờ 18a).

Kể theo năm ở sử chép, thì họ Khúc ba đời được 17 năm: Từ năm 906 vua Đường thăng Thừa Dụ chức Đồng Bình Chương Sự đến năm 923 Thừa Mỹ bị bắt…

Mà Đại Việt Sử Ký Tiền Biên (quyển 7, tờ 2a) lại chép rằng: Họ Khúc ba đời, từ năm Canh Tý (880) đến năm Canh Dần (930) cộng 51 năm.

Xét kỹ ra thì Đại Việt Sử Ký Tiền Biên cũng chép có lý, vì năm Canh Tý (880), Hoàng Việt Giáp Tý (quyển thượng trang 320) có chép rằng: “Nam Chiếu hãm phủ đô hộ, Tiết Độ Sứ nhà Đường là Tăng Cổn chạy về châu Ung, thổ hào là Khúc Thừa Dụ vào giữ phủ thành, xưng Tiết Độ Sứ”.

Lại khảo sát sử ta, sử Tàu đều chép năm 906, vua Đường thăng Thừa Dụ chức Đồng Bình Chương Sự, thì chính là năm 906 mới được phong… nếu không thì từ năm 880 đến năm 906, ai cai trị dân Nam trong 26 năm ấy?

Còn đến năm 923, tuy Thừa Mỹ bị bắt, sau lại được tha, mà sách chép đến năm 930, Dương Diên Nghệ mới xưng Tiết Độ Sứ, suy đoán có lẽ dân còn theo Hậu Chúa Khúc Thừa Mỹ mãi đến năm ấy (930) cho nên dân gọi Thừa Dụ là tiên chủ, Thừa Hiệu (Hạo) là trung chủ, Thừa Mỹ là hậu chủ. Vậy thì kết luận họ Khúc được trường trị 51 năm là phải.

51 năm trường trị của Tam Khúc Chúa là khoảng thời gian lịch sử quan trọng và nhiều ý nghĩa, giúp ta hình dung cả về bản chất khôn khéo trong chính trị, khoan hòa trong trị nước, mưu lược trong cách tổ chức quân đội, xây dựng căn cứ, hành chính hóa đất nước để quản lý dân cư, thuế má… nhằm tạo sức mạnh lâu dài cho cuộc trung hưng đất nước từ đó về sau.

Đó là tầm nhìn rất xa mà lịch sử đã chọn trao cho họ Khúc. Và ngẫm kỹ mới thấy tầm vóc lớn lao của Tam Khúc Chúa.

(còn tiếp…)

Hàn Thủy Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/tam-khuc-chua-51-nam-tri-vi-gay-dung-nen-doc-lap-3399902/