Tạm 'khóa' đề xuất tăng học phí ở đại học công lập tự chủ tài chính

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ để các trường đại học công lập xây dựng giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân trên đầu người, để học phí không trở thành gánh nặng của người học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với 25 trường đại học công lập tự chủ tài chính đã cho thấy hàng loạt sai phạm, từ công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo đến thu chi tài chính.

Tuyển sinh sai quy định

Theo Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán cho thấy, một số trường đại học thực hiện việc tuyển sinh chưa đảm bảo quy định hiện hành như xác định chỉ tiêu, thực hiện tuyển sinh vượt năng lực đào tạo về giảng viên cơ hữu, điều kiện cơ sở vật chất. Một số trường không xác định chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên kết đào tạo quốc tế trong xác định chỉ tiêu đào tạo, hoặc sử dụng cơ sở vật chất đi thuê để xác định điều kiện cơ sở vật chất khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tại nhiều cơ sở đào tạo mở mã ngành đào tạo mới nhưng chưa chú trọng khảo sát tính cấp thiết của việc mở mã ngành dẫn đến số lượng tuyển sinh của một số ngành này đạt kết quả thấp, nhiều ngành không tuyển sinh được. Giai đoạn 2016-2018 tại 9/25 trường được kiểm toán cho thấy có 22 ngành mở mới số lượng tuyển sinh rất thấp, không thu hút được sinh viên theo học.

Bên cạnh đó, nhiều trường được kiểm toán còn sai sót trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra và tăng gánh nặng học phí của người học như xây dựng chương trình tiếng Anh không đủ số tín chỉ hoặc không có môn tiếng Anh trong chương trình đào tạo, chưa tương xứng với chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định điều kiện xét tốt nghiệp của các trường.

Để đủ điều kiện tốt nghiệp thì người học phải trả thêm chi phí để đủ điều kiện đầu ra về tiếng Anh. Điều này chưa đúng với tinh thần của chính sách tự chủ mà Đảng, Chính phủ đã ban hành. Tại một số trường, số tín chỉ của các môn học điều kiện (Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng) không được xét trong tổng số tín chỉ toàn khóa khi xác định đơn giá một tín chỉ là không đúng quy định, dẫn đến người học phải trả thêm chi phí học giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng gần 56,8 tỷ đồng.

Tại một số trường còn tình trạng thực hiện liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước khi điều kiện về cơ sở vật chất chưa được đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, giáo trình chưa tự xây dựng, giảng viên giảng dạy không bảo đảm, học viên chưa đủ điều kiện đầu vào... Cá biệt, có tình trạng nhiều học viên không được công nhận bằng tốt nghiệp từ các chương trình liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Chưa chú trọng chất lượng

Báo cáo của kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy một trường đại học công lập tự chủ tài chính chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Chi phí đổi mới, cải tiến chương trình, đề cương môn học, xây dựng giáo trình chỉ chiếm 0,34% tổng chi thường xuyên của các đơn vị. Việc đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo mới chủ yếu điều chỉnh một số tín chỉ môn học phù hợp với thực tế đào tạo, cập nhật đề cương môn học, giảm bớt số tín chỉ các môn học đại cương, tăng tín chỉ tiếng Anh hoặc tăng giảm số tín chỉ các môn học tự chọn.

Một số trường xây dựng chương trình tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế tuy nhiên gặp nhiều trở ngại và không đem lại hiệu quả. Có 18/23 trường được kiểm toán thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đổi mới chương trình đào tạo, 5 trường còn lại vẫn sử dụng chương trình đào tạo từ nhiều năm trước, chỉ cập nhật, điều chỉnh đề cương môn học, xây dựng giáo trình. Chủ yếu các trường đang quan tâm đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chưa chú trọng trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Bên cạnh những tồn tại, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận những nỗ lực của các trường trong việc điều chỉnh công tác thu, chi trong bối cảnh bị cắt giảm chi ngân sách thường xuyên. Tỷ lệ chi cho con người tăng từ 49% lên 55% trong tổng cơ cấu chi, tỷ lệ chi nghiệp vụ chuyên môn tăng từ 39% lên 43%, các khoản chi khác được cắt giảm từ 12% còn 2%. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp nhiều trường đại học công lập chủ động tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị còn bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại trên các khía cạnh như công tác ban hành, hướng dẫn thực hiện các văn bản về cơ chế tự chủ tài chính; việc thực hiện phân bổ, giao dự toán của cơ quan chủ quản; cơ cấu chi từ nguồn học phí.

Báo cáo của kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy một trường đại học công lập tự chủ tài chính chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Chi phí đổi mới, cải tiến chương trình, đề cương môn học, xây dựng giáo trình chỉ chiếm 0,34% tổng chi thường xuyên của các đơn vị.

Tuyết Mai

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/tam-khoa-de-xuat-tang-hoc-phi-o-dai-hoc-cong-lap-tu-chu-tai-chinh-185176.html