Tâm huyết xây dựng các mô hình hoạt động thiết thực

Kinh tế gia đình của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Quỳnh Nga, nhân viên tổng đài Đại đội 13 (Tiểu đoàn 86, Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc) từ chỉ đủ trang trải cuộc sống, đã vươn lên khá giả, vì hiện nay ngoài tiền lương của vợ chồng, đàn lợn và đàn gia cầm còn mang đến một khoản thu nhập hơn 70 triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Sự bứt phá này xuất phát từ phong trào tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình của Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132. Phong trào được triển khai 5 năm qua, bằng hình thức góp vốn xoay vòng cho chị em hội viên vay để đầu tư chăn nuôi, trồng rau, trồng cây ăn quả... nhằm tăng thu nhập hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống... Theo chị Nga: "Trước đây tôi cứ nghĩ vợ chồng đều là bộ đội, nhà lại đi thuê thì thời gian và điều kiện đâu mà làm kinh tế. Nhưng được chị em trong hội động viên và cho vay vốn nên vợ chồng tôi quyết tâm làm. Khi làm thì vất vả, nhưng có thêm thu nhập giải quyết được nhiều công việc trong cuộc sống".

 Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132 trao quần áo tặng người dân xã Ia Rong.

Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132 trao quần áo tặng người dân xã Ia Rong.

Thiếu tá QNCN Trần Thị Bé, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132 cho biết: "Thực ra số tiền không lớn, mỗi chị em trong hội chỉ được vay khoảng 10 triệu đồng làm vốn, nhưng là nguồn động viên để xây dựng quyết tâm, động lực cho hội viên phát triển kinh tế gia đình. Trong các buổi sinh hoạt hội và tổ phụ nữ, chị em tập trung phân tích hoàn cảnh, khả năng của từng gia đình rồi đóng góp phương pháp, cách làm phù hợp".

Ngoài phong trào tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132 còn triển khai nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa như: "Chị em phụ nữ nói không với rác thải nhựa" và thu gom ve chai trong đơn vị, vừa gây quỹ hoạt động, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp chị em phụ nữ và các cháu học sinh nghèo người dân tộc thiểu số xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vươn lên trong cuộc sống. Đây là địa phương Lữ đoàn 132 nhận hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và với vai trò của hội phụ nữ cơ sở, chị em đã quyên góp hàng nghìn bộ áo quần, đôi giày dép qua sử dụng, cặp sách, vở học sinh... để tặng người dân và các cháu học sinh nghèo. Hội hướng dẫn phụ nữ địa phương kiến thức, kỹ năng chăm sóc gia đình, chồng con, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, "nói không" với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Hội phụ nữ cơ sở Lữ đoàn 132 nuôi heo đất góp vốn.

Hội cũng thường xuyên cử cán bộ, hội viên đến thăm hỏi, tặng quà và chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chơn, ở phường Nam Dương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Mẹ Chơn là một trong hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng đơn vị nhận phụ dưỡng suốt đời (một mẹ đã mất đầu năm 2019). Chị Trần Thị Bé trải lòng: "Mỗi lần đến thăm các mẹ, chúng tôi như được trở về với cội nguồn và ấn tượng nhất là các mẹ dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn nhớ hầu hết tên của chị em. Giờ chỉ còn mẹ Chơn, ai cũng mong mẹ sống khỏe, sống lâu để đơn vị được chăm sóc, phụ dưỡng". Còn chúng tôi rất ấn tượng với điều kiện của một đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ phân tán trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nhưng hoạt động của hội phụ nữ cơ sở rất nền nếp, hiệu quả. Kinh nghiệm được rút ra chính là sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn; cán bộ hội tâm huyết, trách nhiệm; xây dựng các mô hình, phong trào hoạt động thiết thực với nhiệm vụ và cuộc sống hằng ngày của hội viên, tránh hô hào, phô trương hình thức...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tam-huyet-xay-dung-cac-mo-hinh-hoat-dong-thiet-thuc-605832