Tâm huyết với nghề làm đàn Ðào Xá

Làng Ðào Xá (xã Ðông Lỗ, huyện Ứng Hòa) từng vang danh thiên hạ với nghề làm đàn có lịch sử hơn hai thế kỷ. Nhưng cái tên 'làng đàn Ðào Xá' đã không còn trên 'bản đồ văn hóa' nếu không có nghệ nhân Ðào Văn Soạn. Chính ông, trong những tháng năm khó khăn nhất vẫn kiên nhẫn giữ nghề. Tài hoa, cùng tình yêu với nghề đã giúp ông thành 'đệ nhất đàn' ở Hà Nội.

Cách đây hơn 200 năm, những người nông dân vốn quen với cấy cày ở Ðào Xá bắt đầu biết đến nghề làm đàn. Tổ nghề làm đàn là cụ Ðào Xuân Lan. Thời cực thịnh, có đến hơn 50 hộ ở Ðào Xá làm đàn. Cây đàn Ðào Xá phục vụ tao nhân mặc khách, kép đàn Thăng Long - Hà Nội, rồi vào cả cung đình Huế.

Cứ thấy người lạ hỏi thăm đường về làng Ðào Xá, y như rằng người dân sẽ hỏi lại: "Tìm nhà ông Soạn chứ gì?". Ðến nhà nghệ nhân Ðào Văn Soạn, từ cổng đã nghe tiếng đục chí chát. Ở tuổi gần 80, ông Soạn vẫn tinh tường trong từng đường cưa, nhát đục. Không ai không khâm phục sự dẻo dai và chính xác trong công việc của ông. Gia đình ông đã có nhiều đời liên tục nối nhau gắn bó với nghiệp làm đàn. Có điều, khi nghệ nhân Ðào Văn Soạn lớn lên thì đất nước trải qua chiến tranh. Mãi tới năm 1973, ông mới bắt tay vào học làm đàn. Nhờ có "gien" cho nên chàng trai rất nhanh "ngấm" những kỹ thuật làm đàn do người cha truyền dạy, nhất là các loại đàn dân tộc như đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn tam thập lục… Người Ðào Xá làm đàn, nhưng không phải ai cũng biết chơi. Song, hầu như ai cũng nghe tiếng "tính tang" khi các bác "phó thợ" thử đàn từ thuở bé. Và đấy là lý do khiến người ta gắn bó, người ta thấy niềm vui, thấy xốn xang khi cây đàn do chính bàn tay mình làm ra, lên dây, rồi đưa những ngón tay trên dây để thử, được thấy nụ cười những nghệ nhân, nghệ sĩ khi tìm được cây đàn ưng ý.

Ðể có được một cây đàn cho những cung bậc âm thanh thăng trầm như ý, là cả một kỳ công. Công đoạn đầu tiên, bắt đầu từ chọn nguyên liệu. Tốt nhất là thứ gỗ trắc và gỗ vông. Gỗ trắc đắt tiền, nhưng không phải trắc nào cũng được. Ðó phải là thứ gỗ già câng, thớ gỗ như quánh lại. Sau khi mua về, phải để vài năm cho khô kiệt mới có thể bắt đầu chế tác. Gỗ trắc được làm khung, còn mặt đàn làm bằng gỗ vông. Công thức làm đàn thì cơ bản ai cũng giống nhau: Pha gỗ, chắp ghép, bịt da, đánh bóng…, kích thước đàn cũng được làm theo quy chuẩn. Nhưng tiếng đàn đánh lên, mỗi người thợ làm ra một khác là bởi kinh nghiệm trong từng công đoạn và kinh nghiệm thẩm âm. Cái nghề ban đầu chỉ là kiếm cơm, song càng làm, ông Soạn càng thêm gắn bó. Chỉ mỏng dày thêm một vài nhát bào, chỉ một vết ghép quá căng hay quá lỏng cũng cho những âm thanh khác nhau. Ðó là thứ không dễ có được và người thợ chỉ gom được những kinh nghiệm chế tác cẩn trọng và cả những thất bại qua năm tháng. Những năm 1970-1980, các gia đình làm đàn ở Ðào Xá lần lượt bỏ nghề bởi đàn làm ra không có người mua. Sự say mê là thứ đã giúp nghệ nhân Ðào Văn Soạn gắn bó với nghề làm đàn cho dù gia đình gặp không ít khó khăn về kinh tế.

Sang những năm 1990, kinh tế đất nước bắt đầu phát triển, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được quan tâm. Các môn nghệ thuật truyền thống hồi sinh, từ tuồng, chèo, cho đến hát xẩm, hát văn và biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Nhiều người lúng túng không biết mua nhạc cụ dân tộc ở đâu. Rất may, Ðào Xá vẫn còn có nghệ nhân họ Ðào. Một số người làng tìm đến nghệ nhân Ðào Văn Soạn để học nghề. Ðến giờ, nghệ nhân đã dạy miễn phí cho nhiều học viên. Cả làng, hiện giờ có khoảng 10 gia đình làm đàn, có những người thợ tuổi 8x nhưng đã khá thông thạo nghề làm đàn. Con trai nghệ nhân đã nối nghiệp cha, thành người thợ khéo. Xưởng đàn của hai cha con ông Soạn là địa chỉ quen thuộc của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống có tiếng.

Nếu không kiên trì, chịu khó và sáng tạo thì không theo được nghề. Vì nghề này đòi hỏi phải tỉ mỉ. Nếu không biết thẩm âm thì cũng khó thành công. Cây đàn làm ra phải có thanh, có sắc, âm thanh phải hay, hình thức đẹp mới đạt yêu cầu", nghệ nhân Ðào Văn Soạn cho biết. Khi trò chuyện với ông Soạn, điều ai cũng ngạc nhiên là người nghệ nhân này chưa từng qua lớp đào tạo nào về nhạc lý. Dẫu vậy, ông có tài "thẩm âm" tuyệt vời, dù là đàn bầu, đàn nguyệt hay đàn đáy… Ðó là bằng chứng cho sự gắn bó, cho tình yêu với nghề cổ truyền. Nếu có một nghề nào vừa có cái "phàm", lại vừa rất "thanh", thì đó chính là nghề làm đàn, khi những người thợ mộc chất phác lại góp phần vào sự phát triển của một loại hình nghệ thuật, góp phần đem đến những âm thanh làm đẹp cho đời. Và không ai phủ nhận, nghệ nhân Ðào Văn Soạn là ông thợ mộc "thanh" nhất trong số đó.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38413102-tam-huyet-voi-nghe-lam-dan-%C3%B0ao-xa.html