'Tâm huyết và sáng tạo là một hành trình không ngừng nghỉ…'

'Khi đã chọn bục giảng làm sự nghiệp của đời mình thì tâm huyết và sáng tạo phải là một hành trình không ngừng nghỉ trong mỗi nhà giáo', đó chính là tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa khi nói về sự nghiệp trồng người của mình.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp đánh trống khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh nguồn: Trường THPT Yên Hòa

Mỗi khi nhắc đến các em học sinh của mình, đôi mặt của vị hiệu trưởng có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý lại bừng sáng. “Quả thực, mỗi ngày nếu không đến trường, nếu không được nhìn thấy các gương mặt học trò thân quen của mình, tôi lại có cảm giác như đang thiếu vắng cái gì đó trong lòng. Còn khi bước chân tới trường, được trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh và đồng nghiệp, mọi âu lo, suy nghĩ của tôi dường như tan biến, cái cảm giác ấy như là “cá được gặp nước” – cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện, điều vị Hiệu trưởng đáng kính này luôn nhắc tới đó chính là học sinh. Với cô, các em học sinh là trung tâm trong môi trường giáo dục, là yêu cầu hàng đầu được đặt ra trong quá trình quản lý, giáo dục của nhà trường nơi cô công tác. “Nhưng gì làm được cho các con, tôi luôn cố gắng làm hết sức mình. Quá trình làm sẽ gặp không ít khó khăn, sai sót nhưng có được sự chia sẻ, hỗ trợ của các đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh thì tôi tin mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ”- cô Nhiếp bộc bạch.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. Ảnh nguồn: Trường THPT Yên Hòa

Cô luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh? Muốn làm được điều này thì yêu cầu đối với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên phải nâng cao. Song muốn người giáo viên tâm huyết với công việc của mình, làm việc đạt hiệu quả cao thì câu chuyện đời sống, thu nhập cho người giáo viên cần phải được đảm bảo cũng như phải động viên, khuyến khích được mọi người cùng vào cuộc... Hay là thế nào để giúp trường có được cơ sở vật chất khang trang phục vụ tốt cho công tác dạy và học của nhà trường… là những đau đáu của cô khi ở cương vị người quản lý.

Chính vì thế, khi tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, mọi người đều có chung cảm nhận về một người tâm huyết với nghề đến mức say mê. Bởi có tâm huyết cô mới mạnh dạn có nhiều đổi mới trong công tác quản lý và dạy học. Dám nghĩ và dám đương đầu với những khó khăn trong ngành giáo dục bằng sự nhạy cảm của bản thân cũng như khả năng “truyền lửa” đam mê, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” cho các đồng nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp luôn tâm niệm: “Ăn đi trước, lội nước đi sau”, nghĩa là người tiếp bước sẽ tránh được những vấp váp của người đi trước. Chính vì vậy mà tại ngôi trường của cô luôn đi đầu thí điểm những mô hình giáo dục mới nên thường gặp nhiều gian nan. Bởi với cô việc rèn luyện con người “vì lợi ích trăm năm” không bao giờ là nhẹ nhàng, và sự nghiệp trồng người luôn là khó khăn nhất.

Từ khi chính thức chuyển công tác về làm hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), cùng với sự nỗ lực của bản thân và đăc biệt là nhận được sự đồng thuận ủng hộ của Hội đồng giáo dục nhà trường, hội cha mẹ học sinh và của các học sinh trường Yên Hòa, thành quả sau hơn 1 năm của nhà trường đã sớm đơm hoa kết trái. Đến nay, 100% hệ thống các lớp học, phòng học chức năng, của nhà trường được trang bị đầy đủ máy chiếu, màn chiếu, điều hòa, có cây nước uống sạch đạt chuẩn cũng như cổng trường, sân khấu nhà trường được chỉnh trang bằng thực hiện công tác xã hội hóa đạt hiệu quả; hệ thống tiêu chí thi đua để học sinh thực hiện nề nếp và tạo tâm lý tốt cho học sinh khi đến trường; khuyến khích giáo viên thiết kế lại các tiết học trong sách giáo khoa thành các bài học theo chủ đề và tổ chức dạy các chuyên đề đó theo hình thức trải nghiệm sáng tạo…

Không chỉ gương mẫu trong công tác quản lý, cô Nhiếp vẫn luôn trăn trở, việc tìm tòi, sáng tạo trong nghiệp vụ chuyên môn của một nhà giáo như việc thường xuyên cập nhật khiến thức mới về giáo dục, nắm bắt tâm lý của học sinh, kịp thời chia sẻ với học sinh những khó khăn, vướng mắc mà các em gặp phải. Để từ đó, cô cho ra đời những chuyên đề giảng dạy như: “ Phương pháp học và làm bài cấp THPT dành cho học sinh lớp 10. Còn đối với học sinh khối 11, cô lại có bài chuyên đề: “Thay thái độ, đổi tương lai” hay “Tâm thế chủ động đón phương án thi mới” dành cho học sinh lớp 12…

Với cô Nhiếp, học sinh luôn là trung tâm. Vì vậy, cô luôn cố gắng tạo cơ hội, tạo sân chơi để học sinh được học, được trải nghiệm những giá trị sống và kỹ năng sống cần thiết. Ngoài ra, với việc đa dạng hóa các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, thành lập các câu lạc bộ có sự hỗ trợ của giáo viên, cô và nhà trường còn mời các chuyên gia về chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh của mình…Đối với đồng nghiệp, cô luôn tìm cách nhen lửa cho những tư duy đổi mới sáng tạo qua việc động viên, khích lệ kịp thời những sáng kiến mới của cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường để công tác dạy và học đạt được hiệu quả cao nhất...

Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, từ năm 2000 đến 2016 cô Nguyễn Thị Nhiếp luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Được bằng Sáng kiến sáng tạo Thủ đô năm 2010; Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2013; Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ 2012; Bằng khen của UBND TP năm 2008, 2010,2013; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT năm 2016… và nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác vì những thành tích trong quá trình dạy học của mình.

T.An

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tam-huyet-va-sang-tao-la-mot-hanh-trinh-khong-ngung-nghi-83200.html