Tâm huyết bảo tồn di sản quê hương

Trong ngày người dân địa phương đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), ông Âu Xuân Kiên (trong ảnh) là người vui mừng nhất. Bởi ông có mấy chục năm gắn bó với di tích và là người trực tiếp phối hợp các nhà khoa học xây dựng hồ sơ công nhận di sản cho lễ hội đình Trường Lâm.

Quá trình xây dựng hồ sơ công nhận di sản lễ hội đình Trường Lâm trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Khi bảo vệ trước Hội đồng khoa học của thành phố Hà Nội, ông Âu Xuân Kiên được đại diện cho người dân làng Trường Lâm trả lời câu hỏi của các nhà khoa học. Nhận một câu hỏi khó từ nhà khoa học có tiếng: "Trường Lâm ở gần Lệ Mật, điệu múa lột rắn chắc là bị ảnh hưởng từ múa giảo long nổi tiếng ở Lệ Mật", ông Kiên trình bày rành mạch những giá trị của lễ hội Trường Lâm, nhất là màn múa "lột rắn". Việc thuyết trình diễn ra suôn sẻ, các nhà khoa học đều ủng hộ. Cuối năm 2017, lễ hội đình Trường Lâm chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Âu Xuân Kiên sinh năm 1947 ở làng Trường Lâm (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên). Vốn say mê lịch sử từ thời trẻ, cho nên khi đình - chùa Trường Lâm được công nhận là Di tích cấp quốc gia đầu những năm 1990, được cử làm đại diện cho họ Âu tham gia vào các hoạt động của di tích, ông Âu Xuân Kiên bắt đầu tìm hiểu về lịch sử, về giá trị của đình - chùa, về văn hóa truyền thống cũng như cụm di tích Trường Lâm. Ông Kiên tìm mua nhiều cuốn sách văn hóa, lịch sử. Trong căn nhà xây dựng từ thời Pháp, ông Kiên dành tầng hai vừa làm phòng thờ, vừa làm nơi đọc sách.

Xuất thân là một công nhân, nhưng nhờ chịu khó mày mò nghiên cứu, ông tự trang bị cho mình kiến thức khá sâu rộng. Ðến năm 2004, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban quản lý di tích đình - chùa Trường Lâm. Những lần đình Trường Lâm được tu bổ, nhất là dịp tu bổ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Kiên luôn đưa ra những ý kiến xác đáng. Một chi tiết nhỏ như khi làm chân cột ở hậu cung ngôi đình, ông Kiên đã yêu cầu thợ không được đổ bê-tông dưới chân cột, mà phải để nền đất, rồi mới đặt viên đá kê chân cột lên. Nhiều người không hiểu, đã bảo làm như vậy phiền phức. Sau này, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền về tham quan, phải đợi Phó Giáo sư giải thích việc đó tuy nhỏ, nhưng bảo đảm kết nối "thiên - địa - nhân", mọi người mới hiểu ý nghĩa. Trước đình có hàng muỗm chạy ngang, dự án tu bổ đề xuất chặt bỏ hàng muỗm, trồng mới hàng muỗm dọc hai bên lối vào đình. Ông Kiên đề nghị hàng muỗm hàng chục năm tuổi, gắn bó với người dân, không nên chặt bỏ. Với hai hàng cây chạy dọc lối vào, ông đề nghị không nên trồng cây kích thước lớn, thay vào đó, trồng hai hàng ngâu sẽ không làm ảnh hưởng tới không gian tổ chức lễ hội. Các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn đều nhất trí với đề xuất của ông Âu Xuân Kiên và chỉnh sửa thiết kế để ngôi đình có
diện mạo sau tu bổ như hiện nay.

Cùng với việc gìn giữ di tích, người dân làng Trường Lâm rất chú ý đến khôi phục lễ hội. Trong 269 địa phương thờ Linh Lang đại vương, duy nhất đình Trường Lâm có điệu múa lột rắn rất có giá trị. Nhưng nhiều cụ cao niên không đồng ý cho đem đi nơi khác biểu diễn, vì đó là nghi thức thiêng. Ông Kiên phải giải thích về việc đưa đi biểu diễn sẽ có tác dụng lớn trong quảng bá giá trị di sản. Mỗi lần đi diễn, ông và Ban Quản lý di tích đều làm lễ xin phép Thành hoàng. Nhờ thế, điệu múa lột rắn được trình diễn tại Vườn hoa Lý Thái Tổ đúng dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được cộng đồng biết đến, giá trị di sản được khẳng định.

Nhiều năm được bầu làm Bí thư Chi bộ tổ 2, ông Âu Xuân Kiên được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt - việc tốt" năm 2016. Ông chia sẻ: "Làm công tác bảo tồn di sản ở địa phương phải có tâm. Có tâm thì mới kiên trì đối thoại với người dân, mới tìm thấy niềm vui khi tìm hiểu kiến thức để phục vụ cho công việc của mình".

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38456902-tam-huyet-bao-ton-di-san-que-huong.html