Tấm Huy chương vàng 'quý hơn vàng' của bóng bàn Việt Nam

10 năm sau ngày bộ đôi Đinh Quang Linh – Đoàn Kiến Quốc đăng quang tại nội dung đôi nam ở SEA Games 25 năm 2009, bóng bàn Việt Nam mới lại lên ngôi vô địch nội dung này bằng chiến thắng mang đậm dấu ấn bản lĩnh, đẳng cấp của đôi Nguyễn Anh Tú – Đoàn Bá Tuấn Anh trong trận chung kết vào chiều 7-12.

Chưa kết thúc SEA Games 30 nhưng đến lúc này đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lửa thử vàng

Hành trình đi đến ngôi vô địch của bộ đôi Nguyễn Anh Tú – Đoàn Bá Tuấn Anh thực sự không hề dễ dàng. Nếu phải kể đến trận đấu khó khăn nhất của bộ đôi này có lẽ phải là trận tứ kết với bộ đôi P.Yanapong – P.Pattaratorn (Thái Lan). Ở đó, Anh Tú – Tuấn Anh đã phải lội ngược dòng để tạo nên chiến thắng kịch tính 3-2 (7-11, 11-7, 9-11, 12-10, 11-9). Trong đó, chiến thắng ở hai séc đấu cuối của các tay vợt Việt Nam đều sít sao, làm thót tim người xem. Chính trận đấu đó đã mở ra cơ hội đến trận chung kết cho các tay vợt Việt Nam dù ở bán kết là bộ đôi tay vợt Malaysia. Thực tế, các tay vợt Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu khi vượt qua bộ đôi Malaysia với tỉ số 3-1 ở bán kết.

Trong khi đó, bộ đôi tay vợt Singapore J.Chua – Y.Pang đều không quá tầm với của Anh Tú – Tuấn Anh. Cũng vì thế, các tay vợt Việt Nam mới tự tin nhập cuộc để sớm dẫn 2-0 (11-7, 12-10). Kể cả khi Anh Tú – Tuấn Anh bị thua ở séc 3 với tỉ số 10-12 thì người ta vẫn tin vào một chiến thắng của hai tay vợt Việt Nam ở séc 4. Đến lúc này, những pha giao bóng cũng như cài bóng hiểm hóc của Đoàn Bá Tuấn Anh, những pha giật bóng ở cự ly trung bình của Nguyễn Anh Tú liên tục phát huy hiệu quả. Còn bộ đôi tay vợt Singapore lại không thể hiện được khả năng, trong khi tâm lý lại nặng nề. Rõ nhất là trường hợp tay vợt Y.Pang liên tục đánh hỏng những quả trái sở trường cũng như những cú giật phải dù không bị đẩy vào thế khó. Các tay vợt Việt Nam cũng nhận thấy điều này khi liên tục khoét vào vị trí của Y.Pang ngay từ những pha giao bóng. Cũng vì thế, bộ đôi Anh Tú – Tuấn Anh thắng chóng vánh 11-4 để mang về ngôi vô địch cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam.

Đó là tấm HCV đầu tiên của bóng bàn Việt Nam ở nội dung đôi nam tại đấu trường SEA Games sau 10 năm chờ đợi. Tấm HCV ấy cũng chấm dứt mạch vô địch 3 kỳ SEA Games liên tiếp ở nội dung đôi nam của bóng bàn Singapore. Năm nay, bóng bàn nam Singapore, do cựu tay vợt nổi tiếng Gao Ning dẫn dắt vẫn đặt mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games nội dung đôi nam. Nhưng rõ ràng, sự trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm thi đấu quốc tế của bộ đôi Anh Tú – Tuấn Anh dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Trung Quốc Dư Chí Quốc đã khiến mục tiêu của bóng bàn Singapore không thể thành hiện thực.

Tất nhiên, cũng phải kể thêm rằng, ở SEA Games 29 trong hành trình đến ngôi vô địch nội dung đồng đội nam cũng có dấu ấn mạnh mẽ của các tay vợt đánh đôi. Khi ấy, bước ngoặt của trận chung kết giữa Việt Nam với Singapore diễn ra ở trận đấu đôi có sự góp mặt của Đinh Quang Linh – Đoàn Bá Tuấn Anh. Chính chiến thắng của bộ đôi này đã tạo đà để đội tuyển Việt Nam giành chiến thắ

Bộ đôi Anh Tú (bìa trái) – Tuấn Anh (bìa phải) giúp bóng bàn Việt Nam vượt chỉ tiêu ở SEA Games 30.

Bộ đôi Anh Tú (bìa trái) – Tuấn Anh (bìa phải) giúp bóng bàn Việt Nam vượt chỉ tiêu ở SEA Games 30.

ng chung cuộc, đồng thời lần đầu lên ngôi vô địch SEA Games ở nội dung đồng đội nam.

Hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu

Trước SEA Games 30, không chuyên gia hay huấn luyện viên nào ở Việt Nam dám chắc bóng bàn Việt Nam có thể giành HCV tại SEA Games 30. Tại đây, nội dung đồng đội không có trong chương trình thi đấu. Thay vì 7 nội dung như nhiều kỳ SEA Games trước thì môn bóng bàn chỉ còn 4 nội dung (đôi nam, đôi nữ, đơn nam, đơn nữ). Như thế, bóng bàn Việt Nam không có cơ hội bảo vệ ngôi vô địch đồng đội. Nội dung đôi nam được xem là nội dung có nhiều cơ hội nhất để đưa bóng bàn Việt Nam đến ngôi vô địch. Dù sao, bóng bàn Việt Nam từng lên ngôi vô địch ở nội dung này ở SEA Games cách đây 10 năm và cũng đã chứng tỏ được trình độ ở Đông Nam Á trong thời gian gần đây. Nhưng sự góp mặt của các tay vợt Thái Lan, Singapore – được đầu tư nhiều hơn hẳn các tay vợt Việt Nam đã khiến những nhà quản lý, Ban huấn luyện chỉ dè dặt đặt chỉ tiêu giành HCB ở SEA Games 30.

Thậm chí, thời gian đầu trong quá trình tập huấn tại Hà Nội của đội tuyển quốc gia cũng không thực sự như ý khi nhiều tay vợt tập trung muộn, giờ giấc sinh hoạt không ổn định, từng khiến chuyên gia người Trung Quốc Dư Chí Quốc tỏ rõ sự không hài lòng. Phải đến khi chế độ sinh hoạt của đội đi vào nền nếp, trong đó rõ nhất là các tay vợt không dùng điện thoại ngay sau mỗi buổi tập hay quãng nghỉ giữa buổi tập, rồi chuyến đi tập huấn ở Trung Quốc có hiệu quả thì cơ hội giành HCV SEA Games 30 mới mở rộng hơn. Sau chuyến đi tập huấn tại Trung Quốc của đội tuyển cùng việc nắm bắt thông tin từ những đội tuyển khác, chuyên gia Dư Chí Quốc đã tin rằng đội tuyển có khoảng 75-80% giành 1 HCV ở SEA Games 30. Cuối cùng, dự báo cũng thành hiện thực. Mức lương hơn 5.000 USD/ tháng (kể cả thuế, chi phí khác) dành cho vị chuyên gia nổi tiếng bóng bàn Trung Quốc này là hoàn toàn xứng đáng. Rõ ràng, trong tấm HCV nội dung đôi nam của đội tuyển bóng bàn Việt Nam có không ít dấu ấn của vị chuyên gia này.

Tấm HCV này cũng cho thấy tiềm năng lớn của bóng bàn Việt Nam. Vấn đề là tiềm năng đó cần được khai thác đúng cách, trong đó phải chú trọng khâu tổ chức đội tuyển, để có thể hướng đến những mục tiêu lớn hơn ở các kỳ SEA Games tiếp theo, trong đó có SEA Games 31 năm 2021 ỏ Việt Nam.

Ngày đáng quên của bóng bàn Singapore

Trong ngày 7-12, ngoài việc thất bại ở chung kết đôi nam bóng bàn thì bóng bàn Singapore còn nhận thất bại ở nội dung đôi nữ. Cả hai đôi vợt của Singapore đều thất bại ở bán kết khiến chung kết nội dung này là cuộc đấu nội bộ của bóng bàn Thái Lan. Như thế, bóng bàn Singapore chỉ có thể giành tối đa 2 HCV ở SEA Games 30, không thể chiếm thế áp đảo như ở các kỳ SEA Games trước. (Minh Hà)

Minh Khuê

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/tam-huy-chuong-vang-quy-hon-vang-cua-bong-ban-viet-nam-573121/