Tam hợp khi trồng cây trong nhà phố

'Gia đình tôi vốn thích trồng cây cối trong nhà, dù nhà mình dạng căn phố nhỏ nhưng từ trên mái đến ban công, sân sau, giếng trời đều trồng rất nhiều cây. Có người tới chơi nói rằng coi chừng sai phong thủy, và vợ chồng tôi mạng thổ trồng cây nhiều sẽ bị mộc khắc. Xin quý báo giải thích vấn đề này nên hiểu ra sao, và có nguyên tắc phong thủy nào cho việc trồng cây trong nhà hay không?' - Lê Thùy Dương, đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Cây cối trong nhà phố không nên trồng dày đặc mà nên chọn lọc những cây dễ chăm sóc và chịu các điều kiện khắc nghiệt...

Cây cối trong nhà phố không nên trồng dày đặc mà nên chọn lọc những cây dễ chăm sóc và chịu các điều kiện khắc nghiệt...

Trồng cây trong sân sau, giếng trời hoặc ban công, thậm chí là cả một khoảng vườn trên mái hiện nay không còn xa lạ với cư dân đô thị vốn luôn cần khoảng xanh. Nhưng chọn lựa chủng loại cây nào và cách thức trồng, đặt để cây xanh sao cho phù hợp, an toàn và sinh lợi về phong thủy thì không nhà nào giống nhà nào.

Nguyên tắc cơ bản của phong thủy là xem xét các sự vật, vấn đề dưới góc độ cân bằng âm dương, hài hòa ngũ hành và hợp với các quy luật trong quan hệ thiên - địa - nhân, tạm gọi là “tam hợp” dưới đây:

Hợp thiên: Là yếu tố thời điểm tương ứng với phương hướng sinh vượng hay bại tuyệt, cát hay hung của ngôi nhà và cây cối trong ngôi nhà đó. Cây cối cũng thay đổi tươi tắn hay héo úa tùy tiết khí, và đem lại sinh khí theo mùa trong năm. Ví dụ như mùa xuân thuộc mộc thì lợi cho các cây cối có hình dáng màu sắc tương ứng thuộc bộ ba liên hoàn xanh lá (mộc), đỏ (hỏa) và vàng (thổ). Trong khi đó mùa đông thuộc thủy, tính hàn và âm nhiều thì hợp với trưng bày non bộ tiểu cảnh có mặt nước, sỏi đá trong nhóm màu sắc trắng (kim) đen (thủy) và xanh lá cây (mộc).

Mùa nào sẽ ứng với cây cảnh và cách thức trồng cũng như chăm sóc phù hợp, nên nhiều nhà vào mùa hè cây cối sum suê mát mẻ nhưng vào mùa đông nếu để vậy thì sẽ thấy ẩm thấp tối tăm, âm thịnh dương suy nếu không biết cách tỉa bớt cây lá.

Theo nghiên cứu của GS.TS Ngô Quang Đê thì cây cối được phân chia âm dương, ngũ hành tương ứng với mùa và hương sắc, nếu khéo kết hợp với không gian và thời điểm thì sinh vượng, hài hòa phong thủy.

Ví dụ như cây Thiết Mộc Lan, tính chất âm thiên dương, hành thổ, hợp với các mệnh khôn, cấn, càn và đoài, không kén đất, dễ trồng trong chậu, có thể xanh tốt tại nơi có bóng râm như ban công, sân trong, có khả năng khử lọc một số khí độc hại như CO. Còn cây hoa giấy tính dương, hành hỏa, ra hoa quanh năm, ít cần chăm sóc, có thể trồng trên ban công, bồn hoa...

Hợp địa: Mỗi phương hướng, khu vực, địa thế sẽ có tính chất khác nhau, như hướng tây và tây nam nắng gắt, hướng đông bắc và bắc thì nhiều râm mát, hướng nam và đông nam nắng tốt nhưng có gió thổi đưa lá rụng vào nhà nhiều... nên cần cân nhắc loại cây phù hợp. Xét về ngũ hành hợp phương vị thì các hướng đông và đông nam nên trồng cây thiên về hành mộc + hỏa, hướng bắc trồng cây hành thủy, hướng tây và tây bắc trồng cây hành kim + thổ, hướng nam chuộng các cây hành hỏa, còn trung cung và 2 hướng tây nam, đông bắc hợp các cây hành thổ + hỏa.

Sơ đồ ngũ hành hợp phương vị.

Vị trí nhà và cấu trúc sẵn có (như ban công, sân thượng dài rộng ra sao) cũng nên xem xét để tránh cây cối trở thành “cục nợ” khiến gia chủ phải dọn dẹp chăm sóc vất vả. Cần xác định rõ tính chất trồng cây trong điều kiện nhà phố không thể như trồng tại nhà vườn rộng rãi được, nên chọn những loại cây chịu nhiều khô hạn, bóng râm và ít rụng lá.

Tránh trồng cây quá rậm hoặc pha tạp nhiều thứ cây gây rối mắt và khó chăm sóc tốt. Các nghệ nhân có kinh nghiệm khuyên cây trồng trên mái chỉ nên chọn những loại đơn giản như cau, dừa cảnh, hoa mười giờ, lan chi, tùng bách tán… nếu được đặt trong chậu phù hợp, khéo léo bố trí thì sẽ có sự đồng bộ và tính thẩm mỹ tốt.

Về màu sắc, chọn cây hoa lá nên cân nhắc tương quan với không gian nhằm bổ sung, tạo sự tương hòa với màu sắc hình dáng ngôi nhà, ví dụ cây lá màu sẫm nổi bật bên nhà màu sáng, hay nhà vốn sơn phết ốp lát đậm màu thì nên bổ sung cây có màu tươi sáng để cân bằng lại. Tránh đặt vào nội thất các loại cây có gai nhọn như xương rồng. Khi dùng ở bên ngoài thì xương rồng giúp bảo vệ, giảm hung khí, nhưng dùng trong nội thất nó có thể gây ra va chạm và thiếu sự mềm mại, nhu hòa. Cũng nên tránh các loại cây gai nhọn, cây dáng mềm rũ hoặc hoa mỏng mảnh dễ rụng.

Hợp nhân: Ngay cả khi chọn được cây cối và thiết kế đẹp mắt thì không phải ngôi nhà nào cũng duy trì được khoảng vườn trên mái, bởi mỗi nhà mỗi cảnh, nếu thời gian chăm sóc ít ỏi sẽ khiến cây cối xơ xác, đọng nước, thấm dột... dễ xảy ra.

Do đó, tiêu chuẩn thứ 3 “hợp người” nên tính tới là hoàn cảnh từng gia đình, khả năng chăm sóc, cơ cấu sinh hoạt có thường sử dụng vườn hay chỉ trồng cây cho… vui. Cũng cần bố trí khoảng tập thể dục hoặc lối đi lại, chỗ ngồi nghỉ như một bộ bàn ghế cắm thêm cây dù… sẽ giúp thưởng thức trọn vẹn hơn không gian xanh nơi tổ ấm của mình.

Riêng đối với việc thiết kế - thi công - chăm sóc vườn trên mái ra sao sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật hỗ trợ tương xứng mà nếu thiếu xác định từ đầu sẽ dễ gây tốn kém, thậm chí khiến vườn trên mái trở thành “cục nợ” về sau.

Cây cối hợp mệnh về bát quái và ngũ hành cũng nên lưu ý, nếu nhà trồng cây quá lệch về một màu, một hình dáng hay một chủng loại nào thì đều gây nên tính thừa trong ngũ hành, lấn áp các hành khác và mất hài hòa tổng thể. Nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn sinh.

Cụ thể trường hợp nêu trên, gia chủ có mệnh thổ thì không phải cứ trồng cây sẽ khắc mệnh, mà quan hệ ngũ hành mộc khắc thổ nghĩa là cây cối được lợi từ đất, nếu mệnh thổ biết chọn lọc trồng cây gì, quý hồ tinh bất quý hồ đa, bố trí ra sao cho thưa thoáng dễ chịu, chọn các loại cây có tính thổ như mai chiếu thủy, ngũ gia bì, sanh, hoặc tính hỏa như sứ đỏ, đỗ quyên, bông giấy thì tương hợp, hài hòa.

Các hướng tốt và tương sinh hành thổ như đông bắc, tây nam hoặc tây sẽ thích hợp đặt cây cối để gia tăng sinh khí.

Một số loại cây, hoa nhỏ giản dị nhưng khi được phối kết khéo léo sẽ đem lại hiệu quả cao về thẩm mỹ và môi trường.

Bài: KTS Hà Anh Tuấn

Ảnh: Khánh Phương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tam-hop-khi-trong-cay-trong-nha-pho-18595.html