Tấm gương tốt đời, đẹp đạo

Là người có gần 40 năm tu hành, Ðại đức Thích Thanh Phương được người dân thôn Phú Thị (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) mến mộ bởi những việc làm, hành động của ông thể hiện rõ tư tưởng 'hòa quang đồng trần' của Phật giáo Việt Nam. Ông đã tích cực vận động người dân địa phương bảo tồn văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục mê tín; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Ðại đức Thích Thanh Phương (thứ hai từ phải sang) trao quà tặng hộ nghèo tại chùa Vân, huyện Tam Ðảo (Vĩnh Phúc).

Ðại đức Thích Thanh Phương (thứ hai từ phải sang) trao quà tặng hộ nghèo tại chùa Vân, huyện Tam Ðảo (Vĩnh Phúc).

Là người có gần 40 năm tu hành, Ðại đức Thích Thanh Phương được người dân thôn Phú Thị (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) mến mộ bởi những việc làm, hành động của ông thể hiện rõ tư tưởng “hòa quang đồng trần” của Phật giáo Việt Nam. Ông đã tích cực vận động người dân địa phương bảo tồn văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục mê tín; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Thôn Phú Thị (làng Sủi) là vùng quê có lịch sử lâu đời. Nơi đây có chùa Sủi, tên chữ là Ðại Dương Sùng Phúc tự, một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Phú Thụy còn là quê hương của nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát. Ðại đức Thích Thanh Phương thường bảo rằng, ông là người may mắn được gắn bó với vùng đất này suốt từ năm 1992 đến nay. Tuy nhiên, những vùng quê giàu truyền thống văn hóa thường tồn tại những tập tục, sinh hoạt văn hóa cũ, không phù hợp cuộc sống hiện đại. Ðiển hình như việc tổ chức ăn uống trong đám tang kéo dài nhiều ngày, việc gọi hồn, nhập mộ, rồi đốt vàng mã còn phổ biến… Trước thực tế ấy, Ðại đức Thích Thanh Phương đã khéo léo gắn việc tuyên truyền giáo lý nhà Phật với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, phân biệt việc làm nào là cổ hủ, là mê tín. Thầy Phương luôn khẳng định, tục đốt vàng mã chính là mê tín dị đoan, vừa tốn tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyên bảo mọi người khi gia đình có người qua đời không nên bày đặt các thủ tục rườm rà, gây lãng phí, phiền phức tới gia đình và cộng đồng. Nhờ những nỗ lực của đại đức, trong những năm gần đây, tất cả các đám tang trong thôn đã thực hiện theo hình thức hỏa táng; các hủ tục lạc hậu về tang ma, cưới hỏi đã cơ bản được khắc phục; người dân đến chùa không đốt vàng mã, nhiều người đã giảm việc đốt vàng mã tại gia đình. Ðối với công tác gìn giữ văn hóa, thầy Phương luôn nhắc nhở các Phật tử rằng Phú Thị là quê hương danh nhân Cao Bá Quát, là mảnh đất sản sinh ra nhiều vị tiến sĩ được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để người dân động viên con cháu chăm lo học tập. Năm 2016, khi xã Phú Thị triển khai xây dựng cổng Tam quan quần thể di tích đình - đền - chùa Sủi và Nhà tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát, thầy Phương đã cùng các phật tử ủng hộ gần 200 triệu đồng.

Ðến nay, qua gần 40 năm tu hành, thầy Phương vẫn luôn tâm niệm, một người tu hành tốt là phải biết gắn việc đạo với việc đời, mọi việc làm cho đạo phải đồng thời giúp ích cho đời. Các bài thuyết pháp về đạo Phật của thầy đều dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân địa phương và phật tử xa gần cùng hiểu đúng về đạo lý làm người và đạo pháp nhà Phật là luôn đồng hành cùng dân tộc. Cùng với việc vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, Ðại đức Thích Thanh Phương còn là người chủ trì nhiều chương trình từ thiện như: Trao quà, tặng áo ấm cho đồng bào vùng cao, vùng bị thiên tai bão lụt; thực hiện bếp ăn tình thương hằng tháng với 200 suất ăn miễn phí dành cho người nghèo tại các bệnh viện:Tâm thần Sài Ðồng (huyện Gia Lâm), Ða khoa huyện Tam Ðảo (tỉnh Vĩnh Phúc) và Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang. Với thôn Phú Thị, nơi có chùa trụ trì, ngoài việc thăm hỏi, tặng quà nhiều gia đình có công, các cụ cao tuổi và các hộ khó khăn nhân dịp đón Tết Nguyên đán, Lễ Vu lan, hằng tháng, thầy Phương còn tổ chức các buổi khám bệnh miễn phí cho nhân dân địa phương tại chùa. Mỗi năm thầy dành từ 30 đến 50 suất quà để tặng cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, đồng thời ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam”, quỹ “Chữ thập đỏ”, quỹ “Khuyến học” của huyện trên dưới 50 triệu đồng. Năm 2016, thầy đã nhận xây tặng một nhà đại đoàn kết trị giá 40 triệu đồng cho một hộ dân có khó khăn về nhà ở tại thôn. Hằng năm, vào dịp hè, thầy Phương tổ chức các khóa tu dành cho giới trẻ, giúp các em học sinh hiểu thêm về đạo hiếu, về việc sống có ích cho xã hội…

Với những đóng góp tích cực cho việc đạo, việc đời, Ðại đức Thích Thanh Phương đã được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng kỷ niệm chương, được Thành hội Phật giáo Hà Nội tuyên dương, được UBND huyện Gia Lâm trao tặng danh hiệu Người tốt - Việc tốt.

Bài và ảnh: LIÊN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40336102-tam-guong-tot-doi-dep-dao.html