Tấm gương người trí thức cách mạng

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Một đời trung kiên, cống hiến

Thuộc thế hệ những cán bộ cốt cán kế cận đầu tiên của cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc (cùng thời với các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng...). Nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân là tấm gương sáng về con đường giác ngộ, hoạt động, phát triển từ thực tiễn cách mạng để rồi trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước và Bộ ngành…

Trong các năm, từ năm 1935-1939, ông tham gia hoạt động cách mạng trong công nhân ngành in và trong Liên đoàn Công nhân lao động Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương sau đó tham gia Thành ủy Hà Nội.

Từ năm 1940 đến tháng 8/1943, ông bị đế quốc Pháp bắt giam tại Nhà tù Hà Đông, Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và Nhà tù Sơn La. Đây là những năm tháng thử thách kiên cường của người chiến sĩ cách mạng như ông. Không khuất phục đòn roi kẻ thù, cuối năm 1943, ông trốn khỏi Nhà tù Sơn La trở về Hà Nội, được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách Công vận Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia Xứ ủy và sau đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Cũng trong thời gian này, ông được giao phụ trách, Tổng Biên tập báo Lao Động. Ông là Tổng Biên tập thứ hai của Báo Lao Động, sau đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Sau Hội nghị quốc dân Tân Trào, ông được cử về Hà Nội chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tháng 8/1945, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Kỳ. Giữa năm 1946, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội.

Từ năm 1947 đến năm 1951, ông làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây) rồi làm Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận rồi làm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính. Cuối năm 1955, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện; Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tiếp đó, năm 1960, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng; được phân công làm Phó Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương.

Trong các năm 1967 đến năm 1974, ông được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội; năm 1968 kiêm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương; đến năm 1974 kiêm thêm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Với uy tín của mình, trong bối cảnh mới của đất nước, năm 1975, ông tham gia Trung ương cục Miền Nam, là Ủy viên Ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Miền Nam, Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cục. Từ năm 1977 đến năm 1988, ông giữ vai trò Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; năm 1981 kiêm Hiệu trưởng Trường Quản lý Kinh tế Trung ương.

Năm 1989, ông được điều động về công tác tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, chuyên trách công tác nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội. Ông là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Mười tám tuổi được giác ngộ và đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng tự học, trải qua những bước thăng trầm của phong trào, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Trân được giao trên 10 nhiệm vụ công tác khác nhau và ở vai trò nào ông cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. Những câu chuyện về ông, về những năm tháng hoạt động cách mạng, năm tháng lãnh đạo chi ủy Đảng trong lao tù, năm tháng mở rộng ngoại giao, năm tháng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bằng tư tưởng luôn luôn đổi mới… với người trong cuộc, với những ai may mắn được gần ông, được làm việc cùng ông hãy còn nguyên giá trị.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện thông tin KHKT và quản lý kinh tế (Viện Chiến lược và chính sách công nghiệp) kể, một lần ở Việt Bắc, Bác Hồ nói với cán bộ Trung ương: “Về tiết kiệm, giản dị, siêng năng, mẫn cán, cán bộ các chú phải học ở chú Trân”. Còn cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có lần cũng nhận xét: “Ở đất nước này, những người như đồng chí Trân mà không tin tưởng thì còn tin vào ai được nữa”. “Trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Trân đã kinh qua nhiều chức vụ, nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng nét nổi bật của đồng chí là con người nhận làm bất cứ việc gì đều hết sức tận tụy, trung thành nhằm mang lại lợi ích cho Đảng, cho dân. Đồng chí là con người luôn khiêm tốn, năng động, giản dị, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh...” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh nhận định.

Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Người con mang dấu ấn Hà Nội

Quê ông ở Bắc Ninh song ông lại có cơ duyên được học và trưởng thành gắn bó nhiều năm với mảnh đất Thủ đô. Chính môi trường lao động của giai cấp công nhân Hà Nội đã nuôi dưỡng và nhen lên ngọn lửa cách mạng trong người chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trân. Trong ánh sáng của Đảng, của cách mạng, của tri thức, ông đã nỗ lực đấu tranh, kiên cường vượt qua lao khổ của nhà tù, khó khăn của cách mạng, kiên trì cùng Hà Nội, cùng cả nước làm nên cuộc cách mạng mùa Thu tháng Tám tươi đẹp; làm nên những năm tháng Thủ đô vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chi viện cho chiến trường miền Nam;…

Hai lần ông đảm trách vai trò Bí thư Thành ủy Hà Nội (những năm 1946 và từ năm 1967-1974) đều trong những thời điểm gian khó, giao thời, có tính bước ngoặt của cách mạng. Trước niềm tin của Đảng, ông đã lãnh đạo chính quyền non trẻ Thủ đô những ngày tháng sau độc lập; những năm tháng chống Mỹ thắng lợi góp nên bản Anh hùng ca của Hà Nội sau này.

Nhiều thế hệ qua, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân luôn là người lãnh đạo tiền bối đáng kính, là tấm gương để lớp lớp cán bộ các cấp noi theo học tập. Sinh thời, có dịp đến thăm hỏi, chúc mừng ông, cán bộ Thành phố lại có dịp được tiếp xúc, học hỏi ở nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội tác phong gần gũi, giản dị, chân tình và khí chất của người cộng sản lúc nào cũng dành trọn trái tim, khối óc vì sự đi lên của Thủ đô, đất nước. Trước Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ Thành phố, ở vào tuổi gần 90, ông đã gửi bài góp ý vào Báo cáo chính trị tới 8 nội dung. Bằng tư duy sắc bén, tầm nhìn xa, những ý kiến của đồng chí như về đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, giảm hội họp, bớt giấy tờ... đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

Trân trọng công lao, đóng góp của ông, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã viết: “Nhìn lại cuộc đời hơn một thế kỷ của đồng chí Nguyễn Văn Trân, chúng ta vừa cảm phục, vừa trân trọng, yêu mến một người cộng sản chân chính, suốt đời một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó rất nhiều trọng trách, đương đầu với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng con người đồng chí luôn ánh lên tấm lòng kiên trung, bất khuất, giữ bản lĩnh vững vàng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ; tác phong công tác khoa học, tư duy nhạy bén, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân; luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Gắn bó với Hà Nội, gắn bó với phong trào công nhân, phong trào cách mạng Thủ đô, luôn trăn trở dõi doi theo sự phát triển của Thủ đô, thường xuyên tham gia, đóng góp nhiều ý kiến quý báu… vì vậy trong ông như một pho sử sống chứa đựng cả một thời kỳ nhiều dấu mốc quan trọng của Hà Nội. Mấy mùa Thu trước, trong có nắng của mùa Thu Hà Nội, thật xúc động có dịp tiếp xúc ông khi ông ở tuổi 100, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn nhớ như in về mùa Thu không quên, về Hà Nội rực đỏ màu cờ...

Vậy là, ở những thời khắc chiến tranh dữ dội, khốc liệt, thử thách bản lĩnh và sức mạnh của cả đất nước, mùa Đông năm 1946 và mùa Đông năm 1972, thì chính ông, chứ không ai khác, được tín nhiệm trao trọng trách trước toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Hôm nay, thêm một mùa Đông – mùa Đông người con mang những dấu ấn của Hà Nội Anh hùng Nguyễn Văn Trân đã ra đi về thế giới người hiền. Đây là sự mất mát lớn của Thủ đô. Nhưng tấm gương đạo đức cách mạng của ông sẽ sống mãi trong lòng cán bộ và nhân dân Hà Nội.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông, Ban Chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân với nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.

Xin vĩnh biệt ông, nhà trí thức, người chiến sĩ cách mạng thời đại Hồ Chí Minh kiên trung, nhiệt huyết và sáng tạo.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân Nguyễn Văn Trân, sinh ngày 15/1/1917; quê quán: xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Quá trình hoạt động: tham gia hoạt động cách mạng năm 1935; vào Đảng năm 1935; nguyên: Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III; Bí thư Trung ương Đảng khóa III; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Trong suốt thời gian hoạt động và công tác, ông đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Huân chương chống Pháp hạng Nhất; Huân chương chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huy hiệu Lê Nin và nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương khác của trong và ngoài nước.

Bảo Lâm

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tam-guong-nguoi-tri-thuc-cach-mang-d2059892.html