Tấm gương làm kinh tế giỏi

Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Lỳ Hà Tư (trong ảnh), người dân tộc Hà Nhì ở bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) đã không ngừng học hỏi, từng bước khẳng định những nỗ lực của bản thân trong việc phát triển mô hình vườn - rừng, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Anh là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, Lỳ Hà Tư (trong ảnh), người dân tộc Hà Nhì ở bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) đã không ngừng học hỏi, từng bước khẳng định những nỗ lực của bản thân trong việc phát triển mô hình vườn - rừng, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Anh là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Đón chúng tôi ở con đường nhỏ đầu bản Tá Sú Lình, anh Lỳ Hà Tư dẫn chúng tôi đi thăm vườn sa nhân và khu rừng khoanh nuôi. Vừa đi, anh Tư vừa kể về cuộc sống người Hà Nhì trên biên giới cực tây của Tổ quốc để chúng tôi hiểu hơn tình đoàn kết, sự kiên trì, vượt khó của cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu. Chỉ tay về triền đồi bạt ngàn cây sa nhân, anh Lỳ Hà Tư phấn khởi cho biết: “Năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Ðảng ủy, UBND xã Sín Thầu phổ biến; được cán bộ khuyến nông xã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn đăng ký mua cây sa nhân giống về trồng trên diện tích 2 ha. Sau năm đầu chăm sóc, theo dõi, nhận thấy tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng tốt, tôi đã bàn với vợ vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua cây sa nhân giống trồng trên triền đồi. Ðến nay, sau ba năm vỡ đất trồng cây, gia đình tôi đã có 8 ha cây sa nhân; gần 2 ha trồng từ năm 2018 đã cho thu hoạch rải rác”. Anh Tư nhẩm tính, với giá sa nhân hiện nay trên thị trường từ 70 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg thì chỉ sau hai mùa thu hoạch gia đình anh sẽ trả hết nợ vay ngân hàng, vụ thứ ba sẽ cho khoản thu để tích lũy giúp gia đình tái đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác.

Ngoài trồng sa nhân, anh Lỳ Hà Tư còn nhận chăm sóc, bảo vệ 5 ha rừng, mỗi năm, ngoài nguồn thu từ tận dụng lâm sản phụ trong rừng (măng tre, cành cây khô làm chất đốt), gia đình anh Tư còn được chi trả gần 30 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Chỉ tay về chiếc xe máy dựng ngay ngắn ở góc nhà, anh Tư vui vẻ khoe: “Từ tiền công chăm sóc rừng năm ngoái tôi mua được xe máy và một cái ti-vi nữa”.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sín Thầu đã được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình; các bản ở Sín Thầu được đầu tư đường bê-tông giúp đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, đời sống người Hà Nhì cũng từng bước đổi thay. “Từ nguồn hỗ trợ của chương trình 135 và chương trình 30a, gia đình mình đã được hỗ trợ con giống; được dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Sau mỗi lần được học, bản thân mình đã hiểu để phát triển kinh tế gia đình thì người nông dân phải chăm chỉ học tập kiến thức kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và quan trọng nhất là phải có ý chí thoát nghèo thay vì suy nghĩ ỷ lại như trước”, anh Tư chia sẻ.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, từ một hộ khó khăn của xã, đến nay, gia đình anh Lỳ Hà Tư đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Biểu dương ý chí vươn lên của anh Lỳ Hà Tư, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mý Lế nhận xét: Với kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, anh Lỳ Hà Tư còn chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và hỗ trợ nhiều gia đình trong xã về cây, con giống. Ngoài ra, anh Tư cũng tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra đường biên, mốc giới; vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Sín Thầu góp sức cùng bộ đội biên phòng bảo vệ rừng, bảo vệ từng đường biên, cột mốc, giữ gìn khu vực biên cương Tổ quốc luôn vững vàng, bình yên.

Bài và ảnh: Lê Lan

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/tam-guong-lam-kinh-te-gioi-626586/