Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng

Đồng chí Trần Đăng Ninh (1910 - 1955), tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Với 45 tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục cho Đảng, cho dân, đồng chí đã tỏ rõ một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân.

Đồng chí Trần Đăng Ninh (1910 - 1955), tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Với 45 tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục cho Đảng, cho dân, đồng chí đã tỏ rõ một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân.

Thuở nhỏ, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Nguyễn Tuấn Đáng vẫn được theo học chữ Nho với một thầy đồ trong làng, sau đó học lớp tiểu học ở trường làng. Lớn lên, Nguyễn Tuấn Đáng xin gia đình cho ra Hà Nội để học nghề in và làm thợ tại Nhà in Lê Văn Tân.

Trong thời gian làm tại nhà in, Nguyễn Tuấn Đáng được giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào “ái hữu” của thợ thuyền và được cử vào Ban Chấp hành nghiệp đoàn bí mật của ngành in. Với những hoạt động tích cực, tháng 7-1936, đồng chí Nguyễn Tuấn Đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt trong chi bộ ngành in với tên mới là Trần Đăng Ninh.

Cuối năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí nổ ra mạnh mẽ. Trong vai thợ in của nhà in Lê Văn Tân, đồng chí Trần Đăng Ninh được phân công hoạt động bí mật, tham gia lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân các xí nghiệp; tổ chức các cuộc bãi thị của tiểu thương chợ Đồng Xuân, tiểu thương chợ Mơ; đấu tranh chống thuế cư trú ở Hà Nội..., góp phần tạo nên Cao trào cách mạng Dân chủ sôi nổi rộng khắp của nhân dân cả nước (thời kỳ 1936 - 1939). Đến giữa năm 1939, đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Ủy viên Thành ủy Hà Nội, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân; năm 1940, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.

Mật thám Pháp từ lâu đã theo dõi, phát hiện đồng chí Trần Đăng Ninh là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Bắc Kỳ - người trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân ở Hà Nội, nên chúng tổ chức truy lùng ráo riết. Trước tình hình đó, khi sự kiện cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra (ngày 27-9-1940), đồng chí Trần Đăng Ninh được cử về Bắc Sơn, cùng với đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, chỉ đạo phong trào cách mạng, thành lập Ủy ban cách mạng, thành lập Đội du kích Bắc Sơn, xây dựng Bắc Sơn trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên trong cả nước. Khi địch tiến hành khủng bố, đàn áp căn cứ Bắc Sơn, đồng chí Trần Đăng Ninh đã chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn rút vào rừng, tiếp tục thực hiện chiến tranh du kích ở Đình Cả, Tràng Xá (Thái Nguyên).

Cuối năm 1940, trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bị bắt, bị xử bắn. Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng, ngày 11-11-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phan Đăng Lưu... tham gia Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tổ chức tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị khẳng định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11-1939) là hoàn toàn đúng đắn. Hội nghị chỉ rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam lúc này là phát xít Nhật; quyết định duy trì và phát triển Đội du kích Bắc Sơn; củng cố căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai; hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tổ chức tại Pác Bó, Cao Bằng), đồng chí Trần Đăng Ninh được đề cử làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1941, do có kẻ chỉ điểm, đồng chí Trần Đăng Ninh bị mật thám bắt đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong nhà tù Hỏa Lò, kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, hành hạ dã man, hòng khai thác thông tin, nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết, danh dự của người đảng viên cộng sản. Tòa án thực dân kết án đồng chí 20 năm tù khổ sai. Cuối năm 1942, đồng chí bị chuyển lên nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí tích cực tham gia tổ chức hoạt động của chi bộ đảng bí mật trong nhà tù, tham gia tổ chức huấn luyện chính trị và quân sự cho anh em tù chính trị. Tháng 3-1943, đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu được chi bộ đảng trong nhà tù chỉ đạo vượt ngục. Đồng chí trở về hoạt động, tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chỉ đạo các địa phương tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Tháng 9-1943, đồng chí lại bị mật thám bắt, giam ở nhà giam Hưng Yên, sau đó đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 3-1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, bọn giám thị, gác ngục nhà tù đang hoang mang, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các đồng chí Đỗ Mười, Trần Tử Bình, Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc... và khoảng 100 tù nhân vượt ngục thành công.

Sau khi thoát khỏi nhà tù, đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa. Tháng 8-1945, đồng chí được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc; tham gia Đại hội Quốc dân Tân Trào (ngày 16 và 17-8-1945). Cách mạng Tháng Tám nổ ra, đồng chí Trần Đăng Ninh được phân công cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân giải phóng, tiến đánh tỉnh lỵ Thái Nguyên, rồi cùng đội Giải phóng quân bảo vệ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng vào công tác ở Trung Bộ và Nam Bộ, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đồng bào miền nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở ra bắc, trước âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ lên Việt Bắc xây dựng căn cứ địa. Trong đó, đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách “công tác đội”, chuẩn bị các cơ sở cho Trung ương và Chính phủ làm việc ở ngoại thành và sau này chuyển lên an toàn khu.

Đúng như nhận định của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947, đồng chí Trần Đăng Ninh được Trung ương cử giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng; đến tháng 12-1949, đồng chí kiêm chức Tổng Thanh tra phó, Ban Thanh tra Chính phủ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, cơ cấu tổ chức, bộ máy cán bộ của hai cơ quan này đã được xây dựng và hoạt động. Với phong cách làm việc sâu sát, đồng chí thường xuyên trực tiếp chỉ đạo các đoàn kiểm tra, thanh tra xử lý công việc, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề cấp thiết, quan trọng; trong đó nổi tiếng nhất là việc đồng chí chỉ đạo, xử lý vụ án “H.122”, phá tan âm mưu của cơ quan phòng nhì (mật thám Pháp), tung tin thất thiệt, nhằm gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ của ta, “giải oan” cho hàng trăm cán bộ, đảng viên bị nghi ngờ vô căn cứ, góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, gia tăng sức mạnh cho cuộc kháng chiến.

Với tài năng, đức độ và uy tín, từ năm 1950 - 1955, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (tức Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay) và nhiều trọng trách khác trong quân đội. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí Trần Đăng Ninh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí được Trung ương Đảng và Bác Hồ phân công chỉ đạo xây dựng lực lượng cung cấp cho quân đội, huy động và xây dựng lực lượng dân công phục vụ các chiến dịch: Tây Bắc (năm 1952); các chiến dịch Thượng Lào và đặc biệt là phục vụ, tiếp tế, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hòa bình lập lại ở miền bắc, đồng chí Trần Đăng Ninh về tiếp quản Hà Nội, chưa được bao lâu thì bị ốm nặng. Ngày 6-10-1955, đồng chí Trần Đăng Ninh vĩnh biệt đồng chí, đồng bào, đi về cõi vĩnh hằng. Với 45 tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục cho Đảng, cho dân, đồng chí đã tỏ rõ một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, tận tụy, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Tấm gương của đồng chí mãi tỏa sáng, cổ vũ tinh thần, ý chí của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm nên sức mạnh Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đồng thời hướng chúng ta noi theo, sống làm một người chân chính, tiếp tục tiến bước trên con đường xây dựng đất nước mạnh giàu, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần có những người như anh Trần Ðăng Ninh”(1).

PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG

(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

--------------------------------------------

(1) Đồng chí Trần Đăng Ninh với cách mạng Việt Nam, NXBCTQG.H.2014, tr. 21.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/tam-guong-dao-duc-cach-mang-sang-ngoi-nha-lanh-dao-tai-nang-cua-dang-619289/