Tạm giam mẹ cháu bé 1 tuổi bị bạo hành có trái luật?

Vụ việc cháu bé 1 tuổi bị bạo hành dã man đang gây bất bình trong dư luận. Ở một góc độ khác, nhiều người đặt nghi vấn, việc mẹ cháu bé bị tạm giam khi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có phạm luật?

Cháu bé với những vết bầm tím khắp người. (Ảnh cắt từ clip) Nguồn: Giadinh.net

“Chu kỳ sinh nở - phạm tội" dày đặc của bà mẹ 5 con...

Mới đây, việc Đinh Lan Hương (SN 1983, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - mẹ cháu T.A) bị Cơ quan CSĐT, Công an quận Hai Bà Trưng ra lệnh tạm giam về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý đã có những ý kiến trái chiều. Có người bảo, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bà mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được tại ngoại, và đây là chế định nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, với riêng trường hợp Đinh Lan Hương lại khác.

Theo hồ sơ điều tra, Hương thể hiện mình là đối tượng nhờn luật, liên tiếp phạm tội với nhiều địa điểm khác nhau. Hương sinh nhiều con nhưng không hề có ý định nuôi dưỡng.

Cụ thể, hồi năm 2003, Hương kết hôn và có 3 con chung. Đến năm 2012, Hương chia tay chồng, 3 đứa bé được chăm sóc tại nhà ông bà ngoại ở quận Đống Đa, Hà Nội. Không lâu sau, người mẹ này sinh nở thêm 1 con với người đàn ông thứ hai.

Từ giai đoạn 2015 - 2016, Hương liên tiếp "dạt nhà", rồi liên quan đến nhiều vụ mua bán trái phép chất ma tuý, nhưng được tại ngoại bởi một chế định nhân đạo của luật pháp: Đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Tháng 8.2016, Hương sinh cháu T.A (cháu bị bạo hành). Tuy vậy, khi rốn cháu bé còn chưa khô, người mẹ có “truyền thống” sinh nở rồi phạm tội lại sinh nở tiếp, thể hiện sự vô tâm khi giao cháu T.A cho một người khác nuôi.

Đến tháng 7.2017, Hương bị cơ quan công an bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, trong khi đang là bị án của một bản án hồi cuối năm 2016 với cùng tội danh.

Tạm giam là phù hợp luật định

Căn cứ hồ sơ điều tra, các chuyên gia pháp lý nhận định, việc tạm giam Đinh Lan Hương là một việc làm cần thiết, ít nhất là việc ngăn chặn “người mẹ sinh nở” này tiếp tục phạm tội.

Thực tế cho thấy, Hương thể hiện không có chỗ ở ổn định. Tại các thời điểm phạm tội, bị cơ quan công an bắt giữ, Hương không hề nuôi con. Khi thì giao các con cho người nhà, khi khác lại uỷ quyền cho một người khác.

Cũng theo nguyện vọng cá nhân, nếu phải thi hành án, Hương không muốn con trai mình sẽ vào trại giam và cũng không muốn gửi con đến Trung tâm bảo trợ xã hội. Vì vậy, Hương đã tiến hành các thủ tục trao quyền nuôi cháu T.A cho chị Vũ Thị Kim.

Tổng hợp các tình tiết trên, luật sư Hà Đăng - Trưởng văn phòng luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - nhận định, việc cơ quan tố tụng thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Lan Hương là cần thiết, đúng luật.

Luật sư Đăng dẫn chứng, ở Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự đã nêu rõ, trường hợp bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, nhưng nếu tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam.

“Chế định nuôi con dưới 36 tháng tuổi là một câu chuyện văn minh, nhân đạo khi lập pháp, lập hiến, tuy nhiên, cũng cần xem xét cụ thể ở từng tình huống, tránh việc một số đối tượng lợi dụng để liên tiếp vi phạm pháp luật” - luật sư Đăng nói thêm.

Bảo Thắng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/tam-giam-me-chau-be-1-tuoi-bi-bao-hanh-co-trai-luat-690402.bld