Tam giác quyền lực Mỹ-Trung-Nga (Kỳ cuối): Nhìn về tương lai

Động lực cạnh tranh 3 chiều giữa Mỹ-Trung-Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa tạo ra cơ hội, song cũng mang tới nhiều thách thức đối với các nước vừa và nhỏ.

Tam giác Mỹ-Trung-Nga đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện, đóng vai trò chi phối cục diện thế giới nhiều năm tới (Ảnh minh họa. Nguồn: smh.com.au)

Tam giác Mỹ-Trung-Nga đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện, đóng vai trò chi phối cục diện thế giới nhiều năm tới (Ảnh minh họa. Nguồn: smh.com.au)

Nhìn về tương lai: Hằng số và biến số

Trong bối cảnh toàn cầu hóa bền vững, cùng chênh lệch quyền lực ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc so với Nga, cấu trúc hiện đại của “tam giác” Mỹ-Trung-Nga sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới.

Mỹ và Trung Quốc, vượt trội về tổng lực và bị hạn chế trong một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài, sẽ đóng vai trò là “hằng số”. Trong khi đó, Nga sẽ là “biến số” khi không tìm cách đối đầu với hai nước kia, mà là sử dụng đòn bẩy và thao túng cán cân quyền lực để có lợi cho mình.

Trong tương lai, khi tập trung nguồn lực cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ sẽ cố gắng ổn định quan hệ với Nga và giữ cho quan hệ Trung-Nga ở mức có thể kiểm soát được. Qua đó, Washington muốn đảm bảo rằng “biến số” Moscow không làm đảo lộn cán cân quyền lực tổng thể trong cấu trúc quan hệ “tam giác”, cũng như trên quy mô toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, khả năng ông Joe Biden sẽ tới thăm Moscow trong tương lai gần là khó xảy ra. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tại châu Âu trong tháng 6 là cơ hội để Washington đưa ra các điều khoản rõ ràng. Qua đó, Mỹ tiếp cận với Nga sao cho tránh bị các đồng minh châu Âu xa lánh hay đảo ngược bất kỳ thông điệp tổng thể nào của các bên.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa bền vững, cùng chênh lệch quyền lực ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc so với Nga, cấu trúc hiện đại của “tam giác” Mỹ-Trung-Nga sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới.

Tương tự, Trung Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên cạnh tranh với Mỹ trong khi tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với Nga. Bắc Kinh sẽ lấy mối quan hệ có vẻ thân thiết giữa lãnh đạo hai bên làm đòn bẩy để tìm kiếm thêm lợi ích song phương, phối hợp nỗ lực chống lại Mỹ trên các diễn đàn đa phương.

Thậm chí, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể đưa ra các động lực kinh tế hấp dẫn để thu hút Nga xích lại gần quỹ đạo của mình.

Mặt khác, Bắc Kinh sẽ không tìm cách đối đầu với Washington và có khả năng theo đuổi hợp tác về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống dịch Covid-19 hoặc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đối với Nga, điều cốt yếu là duy trì vị trí trong “tam giác” mặc dù có sự kém cạnh hơn về kinh tế. Điều đó có nghĩa là tiếp tục tận dụng vai trò “biến thiên” của mình trong các tương tác 3 chiều, cam kết với Bắc Kinh và Washington để có được những nhượng bộ từ cả hai bên.

Tuy nhiên, lòng tự hào dân tộc của Nga, cùng với sự thiếu sự tin cậy chiến lược nghiêm trọng với Mỹ và Trung Quốc, sẽ tiếp tục hạn chế phạm vi hợp tác trong tương lai, đặc biệt khi nó liên quan đến các khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga như Trung Á hoặc Đông Âu.

Tác động toàn cầu và khu vực

Nói chung, động lực cạnh tranh 3 chiều giữa các cường quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa tạo ra cơ hội và thách thức đối với các nước vừa và nhỏ trên thế giới.

Nếu được kiểm soát hợp lý và có xu hướng dễ dự đoán hơn, cùng đối đầu hạn chế, tam giác này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi: Khi ấy, các nước bên ngoài có thể đồng thời theo đuổi hợp tác với mỗi “cạnh” mà không cần phải lo lắng vì sợ kích động các “cạnh” còn lại.

Nga là “biến số” mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tranh thủ. (Ảnh minh họa. Nguồn: RT)

Tuy nhiên, nếu căng thẳng leo thang và những lời hô hào gần đây về cái gọi là cuộc chiến giữa “dân chủ và độc tài” tiếp tục diễn ra, nó có thể phá vỡ bản chất cốt lõi của tam giác. Khi cạnh tranh thành một trận chiến ý thức hệ, các nước khác sẽ bị ép buộc phải chọn bên. Toàn cầu hóa nhiều khả năng sẽ ngăn chặn được kết quả không mong muốn này, song không nên xem nhẹ các rủi ro.

Trong số các khu vực, châu Âu và Trung Đông sẽ tiếp tục có tầm quan trọng đáng kể đối với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Nga và Mỹ. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên như một sân khấu chính của cạnh tranh nước lớn, nhất là khi chuyển dịch kinh tế và quân sự từ Tây sang Đông ngày càng rõ nét.

Cần nhớ rằng trong suốt chiều dài lịch sử, phần lớn các nước khu vực đã quen với việc trở thành một phần của xung các đột vũ trang giữa những cường quốc, hoặc trong một số trường hợp, là chống lại các cường quốc toàn cầu.

Mặc dù có lợi ích riêng, nhưng các quốc gia đều có chung ưu tiên là duy trì hòa bình. Vì vậy, ngay cả khi cạnh tranh nước lớn dẫn đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thịnh vượng hơn, nó không nên bị đánh đổi bằng ổn định và an ninh khu vực.

Động lực cạnh tranh 3 chiều giữa các cường quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa tạo ra cơ hội và thách thức đối với các nước vừa và nhỏ trên thế giới.

Do đó, “tam giác” quyền lực trên cần phải hoạt động đồng bộ với lợi ích khu vực, tôn trọng các cơ chế khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và coi các nước là đối tác thực sự cùng có lợi, thay vì con cờ địa chính trị. Qua đó, Mỹ-Trung-Nga sẽ đóng góp hơn nữa vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực.

Nếu tam giác này có thể cạnh tranh trong kiềm chế, xung đột nhưng vẫn chấp nhận lợi ích hợp pháp của nhau, tranh giành ảnh hưởng song vẫn tạo điều kiện cho hợp tác chung, kịch bản về hòa hợp quyền lực hoàn toàn có thể xảy ra và là điều mà các nhà lãnh đạo khu vực, thế giới đều muốn thấy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tam-giac-quyen-luc-my-trung-nga-ky-cuoi-nhin-ve-tuong-lai-147509.html