Tam giác quyền lực mới thách thức Mỹ ở Trung Đông

Nga, Trung Quốc và Iran đều 'không ưa' Mỹ nhưng một liên minh giữa 3 nước này liệu có đủ để thách thức Mỹ ở Trung Đông?

Nga, Trung Quốc và Iran đều “không ưa” Mỹ nhưng một liên minh giữa 3 nước này liệu có đủ để thách thức Mỹ ở Trung Đông?

Cuộc tập trận 3 bên "Vành đai an ninh trên biển" giữa Iran, Trung Quốc và Nga tại Biển Oman và Ấn Độ Dương vào những ngày cuối cùng của năm 2019 đã đánh dấu sự khởi đầu của những thay đổi tại Trung Đông trong những thập kỷ tới. Đó liệu có phải là dấu chấm hết cho tầm ảnh hưởng và sự kiểm soát của Mỹ ở Trung Đông?

Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đã xây dựng được ảnh hưởng đáng kể và trở thành một "đối thủ xứng tầm" của Mỹ ở Trung Đông. Trung Quốc mặc dù không hứng thú với việc can thiệp quân sự vào khu vực nhưng Bắc Kinh cũng bắt đầu cử các đội tàu nhỏ tới với lý do là nhằm bảo vệ các tàu thương mại khỏi mối đe dọa từ cướp biển. Iran rõ ràng là một quốc gia chiếm ưu thế về địa chiến lược và quân sự ở Trung Đông với lực lượng quân đội hùng mạnh và kho vũ khí "đáng gờm".

Tàu khu trục lớp Neustrashimyy của Hải quân Nga Yaroslav Mudry tại Chabahar trên vịnh Oman trong cuộc tập trận hải quân chung Nga - Trung Quốc - Iran. Nguồn: Iranian Army office/AFP

Cán cân quyền lực ở Trung Đông bị tác động mạnh mẽ bởi mối quan hệ chiến lược giữa 3 quốc gia đều có "hiềm khích" với Mỹ này.

Ngày 27/12/2019, Nga, Trung Quốc và Iran đã tiến hành tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman. Đây là lần đầu tiên Iran tổ chức tập trận chung với Nga và Trung Quốc với quy mô như vậy kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo này ra đời năm 1979.

Tehran muốn thách thức chính sách "sức ép tối đa" của Mỹ và gửi một thông điệp tới thế giới rằng nước này đang tăng cường khả năng quân sự ngay giữa những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của Mỹ và cũng đồng nghĩa rằng Iran muốn thể hiện rằng chính sách cô lập nước này của Mỹ không hề hiệu quả.

Không những không hiệu quả, chiến lược "sức ép tối đa" của Mỹ còn đẩy nhanh quá trình hình thành liên minh giữa Iran, Trung Quốc và Nga (cả 3 đều chịu ảnh hưởng bởi các đòn kinh tế của Mỹ). Cuộc tập trận hải quân Nga - Trung Quốc - Iran nằm ngoài sự hợp tác quân sự thông thường, diễn ra tại tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới và có vai trò chiến lược với Mỹ khi mà 18,5 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày.

(bản đồ): Số lượng các thùng dầu đi qua các eo biển trên thế giới (tính theo triệu thùng/ngày) dựa trên dữ liệu năm 2016. Nguồn: EIA, Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ

Bất kỳ cuộc tập trận hải quân chung nào đều là một bước tiến đáng kể trong sự hợp tác chiến lược giữa các nước tham gia song ngoài an ninh hàng hải, Nga, Trung Quốc và Iran trong liên minh "mới nổi" này còn có một lợi ích chung rõ ràng, đó là chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Chỉ huy Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi đã nhận định rằng cuộc tập trận này sẽ "gửi một thông điệp tới thế giới" và điều đó cho thấy "3 nước trên đã đạt tới dấu mốc chiến lược về quan hệ".

Trong khi đó, nhân chuyến thăm ngày 31/12 của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định Bắc Kinh và Tehran nên sát cánh với nhau chống lại "chủ nghĩa đa phương và sự bắt nạt".

"Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), từ bỏ cam kết quốc tế và nỗ lực gây sức ép tối đa lên Iran là những nguyên nhân gây nên tình trạng căng thẳng gia tăng về vấn đề hạt nhân Iran", ông Vương Nghị khẳng định.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran tới Trung Quốc là chuyến thăm thứ 4 chỉ trong năm 2019 và diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc, Nga và Iran khép lại cuộc tập trận hải quân chung ở phía bắc Ấn Độ Dương và vịnh Oman. Cuộc tập trận này là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Nga và Trung Quốc đang nỗ lực cho liên minh này giữa lúc cả 3 đều chịu sức ép từ phía Mỹ.

Cuộc tập trận hải quân của Nga - Iran và Trung Quốc diễn ra sau thông báo của Tổng thống Trump rằng sẽ tăng cường 14.000 binh lính trong khu vực, gấp đôi số lượng quân Mỹ triển khai ở Trung Đông. Washington đã gọi cuộc tập trận này là một hành động khiêu khích khi Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly khẳng định: "Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục thể hiện những hành động khiêu khích như vậy ở đây... và tôi nghĩ họ sẽ tìm kiếm mọi cơ hội để làm vậy".

Lầu Năm Góc. Nguồn: Reuters

Cuộc tập trận này đã được Mỹ giám sát chặt chẽ trong khi người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Robertson khẳng định sẽ "tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh của chúng tôi để đảm bảo tự do hàng hải và dòng chảy thương mại trong vùng biển quốc tế". Nói cách khác, Washington muốn nhắc nhở Nga, Iran và Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện hải quân tại đây.

Tuy nhiên, Mỹ dường như khá “đơn độc” trong “cuộc chiến” chống lại Iran, cả trên mặt trận ngoại giao, kinh tế hay quân sự. Trước đó, hồi cuối tháng 7/2019, Mỹ đã kêu gọi các nước EU, trong đó có Pháp và Đức cùng với Anh "kề vai sát cánh" khi Iran vừa ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng "chưa từng có tiền lệ" với Nga.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Đức cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã "chính thức yêu cầu Đức tham gia cùng với Pháp và Anh nhằm đảm bảo an ninh trên Eo biển Hormuz và chống lại các hành động của Iran".

Rõ ràng, ngoài tư cách là đồng mình của Mỹ, 3 nước Đức, Pháp và Anh cũng là một phần trong thỏa thuận hạt nhân Iran mà Washington đã rút khỏi. Do đó, cũng dễ hiểu khi 3 nước này "không dại gì" mà đứng về một phía và để phía còn lại "trút cơn thịnh nộ".

Giữ vai trò trung lập nhất có thể để cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Iran là ưu tiên hàng đầu của EU. Đức đã thẳng thừng từ chối yêu cầu tham gia Liên minh Hải quân quốc tế của Mỹ để tuần tra và đảm bảo tự do hàng hải tại vùng Vịnh. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thậm chí đã gọi chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ là một "sai lầm" và khẳng định sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề Iran "thông qua ngoại giao".

Tại Trung Đông, ngoài Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, Mỹ không có quan hệ đối tác chiến lược hay liên minh nào đủ lớn mạnh để đối trọng với tam giác Nga - Iran - Trung Quốc trong khu vực. Israel dù ngả về phương Tây song cách xa về mặt địa lý so với các nước vùng Vịnh nên không thể đóng góp đáng kể gì về mặt chiến lược cho Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh với Mỹ và NATO nhưng Ankara ngày càng rời xa quỹ đạo của Mỹ sau một loạt những bất đồng không thể hóa giải. Nước này thậm chí còn tìm thấy tiếng nói chung với Nga trong nhiều vấn đề và đang tăng cường hợp tác với Moscow.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln lớp Nimitz của Mỹ trên eo biển Gibraltar ngày 13/4/2019. Nguồn: Reuters

Cuộc tập trận chung Nga - Iran - Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019 diễn ra ngay tại trung tâm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ. Đây không phải là cuộc tập trận mang tính chiến lược bởi về cơ bản, Trung Quốc và Nga chưa tiến vào các cảng của Iran. Cũng không có trở ngại chung nào mà 3 nước phải đối mặt trong vùng biển này. Mục đích của các cuộc tập trận chỉ nhằm gửi một thông điệp chung tới Mỹ. Thông điệp ấy là khoảnh khắc đơn cực của Mỹ cũng như vai trò "cảnh sát thế giới" của Washington đã đến hồi kết.

Mỹ có thể đối phó với từng quốc gia riêng rẽ nhưng liên minh Nga - Iran - Trung Quốc dường như chưa từng nằm trong chính sách của Washington.

Tập trận hải quân Nga - Iran - Trung Quốc không phải là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, và thậm chí cũng không phải là một cuộc tập trận hùng hậu về lực lượng hay số lượng các vũ khí. Tuy nhiên, ở tại thành phố cảng Chabahar, phía đông nam Iran, 3 nước này đã gửi thế giới những thông điệp khác nhau.

Hình ảnh thành phố cảng Chabahar của Iran cách Eo biển Hormuz 300 km về phía đông ngày 17/1/2012. Nguồn: Reuters

Iran không giấu diếm về những tham vọng của mình. Nước này muốn "kết thân" với Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, cũng như tăng cường ảnh hưởng trong khu vực trước sức ép từ phía Mỹ. Iran còn thúc đẩy các hoạt động ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Oman và những quốc gia khác. Tehran muốn chứng tỏ rằng nước này có nhiều sự lựa chọn khác nhau thay vì biện pháp duy nhất như của Mỹ là trừng phạt. Cùng lúc, Iran cũng tiếp tục giảm các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Hải quân Iran có thể chưa phải một "đối thủ xứng tầm" của Mỹ song mục đích của Tehran đằng sau cuộc tập trận này là, Iran muốn thể hiện rằng nước này có thể đối phó với Washington và biết cách để tạo thế cân bằng với tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Sự hiện diện hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương từ năm 2009 chưa phải là lâu dài song nước này đã mở rộng đáng kể cả về lực lượng và ảnh hưởng trong 1 thập kỷ qua. Hiện nay, Bắc Kinh đang tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với Iran bởi nước này có thể sẽ là một nhân tố quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong khi tham gia vào sự hợp tác đa phương với Nga và Iran có thể "dọn đường" cho vai trò chiến lược lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực - điều có thể đe dọa đến tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau trong một buổi lễ ký kết ở điện Kremlin tại Moscow ngày 4/7/2017. Nguồn: AFP

Gần đây, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã đề xuất một hướng tiếp cận đa phương nhằm giữ ổn định về an ninh tại vịnh Ba Tư, trong đó hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc và Nga có cách tiếp cận mang tính thực dụng với khu vực này. Bắc Kinh và Moscow không ngả về bất kỳ phía nào trong những tranh cãi ở vịnh Ba Tư, đồng thời bán vũ khí cho các nước đối thủ của Iran trong khi vẫn tập trận với Tehran. Nếu như Nga tăng cường vai trò và ảnh hưởng khu vực thông qua việc dàn xếp về an ninh thì Trung Quốc dùng kinh tế để thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khu vực.

Việc Trung Quốc và Nga duy trì quan hệ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) không phải là điều gì bí mật nữa khi Bắc Kinh mở một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Saudi Arabia và Moscow tiếp tục các hợp đồng vũ khí với Riyadh sau chuyến thăm Nga năm 2017 của vua Salman. Cả 2 nước này cũng ký những hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn với UAE.

Rõ ràng, giữa lúc không có một lực lượng nào kiềm chế những xung đột có thể bùng phát thành chiến tranh giữa Mỹ và Iran thì một sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông là vô cùng cần thiết. Trong quan hệ quốc tế, cân bằng quyền lực là một trong những cách thức quan trọng để ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo an ninh. Do đó, dù đều có những toan tính của riêng mình nhưng liên minh Nga - Trung Quốc - Iran ở một khía cạnh nào đó có thể đem đến những đóng góp tích cực với “vành đai an ninh trên biển” ở Trung Đông./.

Cuộc tập trận hải quân chung Nga - Trung Quốc - Iran ngày 27/12 tại Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. Nguồn: Reuters.

Tác giả: Kiều Anh | Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tam-giac-quyen-luc-moi-thach-thuc-my-o-trung-dong-996454.vov