Tam giác mạch - Mùa hoa 'hồn nhiên' của núi rừng Tây Bắc

Hằng năm, khi những đợt gió lạnh đầu tiên tràn về cũng chính là lúc du khách rủ nhau kéo đến Hà Giang để ngắm nhìn vẻ đẹp của biển hoa tam giác mạch – nét đặc trưng quyến rũ của vùng cao nguyên đá.

Chỉ còn vài ngày nữa, lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang lần 3 sẽ chính thức bắt đầu, đúng ngày 24/11. Nhưng từ trước đó nửa tháng, những cung đường đèo Hà Giang đã nhộn nhịp du khách tới để chiêm ngưỡng một mùa hoa kỳ lạ của núi rừng vào thời điểm cuối năm.

Dọc theo đường đèo, hoa tam giác mạch đang nở rộ rực rỡ như những dải lụa hồng uốn lượn mềm mại. Chẳng biết từ bao giờ, loài hoa này lại được người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như những du khách trong và ngoài nước gọi bằng cái tên mộc mạc thân thương “hoa của đá”.

Ít ai biết được rằng, “đặc sản” hoa tam giác mạch Hà Giang có 2 mùa vụ. Vụ đầu tiên diễn ra vào khoảng tháng 4 đến tháng 5, khi đó hoa thường có màu trắng. Vụ chính bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12, lúc hoa đã chuyển sang màu hồng tím rất đẹp.

Sức sống kỳ diệu của loài hoa này khi mọc đan xen qua những núi đá gồ ghề đã làm nên một nét đặc trưng riêng có của Hà Giang.

Rất nhiều du khách đến tham quan và lưu lại những khoảnh khắc tươi đẹp bên hoa tam giác mạch.

Du khách người Pháp trong đoàn của chúng tôi nói rằng: “Tôi đã rất ngạc nhiên bởi phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời với nhiều màu sắc và vẻ đẹp nguyên sơ ở một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Con người nơi đây đã mang cho tôi rất nhiều niềm vui! Cảm ơn các bạn rất nhiều!”.

Từ khi du lịch Hà Giang phát triển, người dân nơi đây đã biết làm kinh tế nhờ những mùa hoa tam giác mạch. Kể từ năm 2015, lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang được tổ chức thường niên, đến nay là năm thứ ba.

Ngoài các trảng hoa mọc dại, ngày nay, bà con Hà Giang đã biết trồng, tạo hình cho những luống tam giác mạch nhằm thu hút du lịch, tạo điểm cho du khách ghé thăm, ngắm cảnh và “check-in sống ảo”.

Trước đây vì hoa mọc dại, trùm kín lối đi nên rất khó khăn cho việc du khách chụp được những tấm ảnh đẹp giữa “biển” hoa nên họ đành phải giẫm đạp lên hoa để vào trong. Nhưng từ khi tam giác mạch được trồng có quy hoạch theo từng luống, có đường đi, du khách có thể dễ dàng di chuyển sâu vào bên trong chụp ảnh. Nhờ đó, những hình ảnh xấu xí trước đây như chen lấn, giẫm đạp hoa... đã không còn.

Một người dân Hà Giang cho biết: “Hoa tam giác mạch bây giờ trồng theo luống thế này, không bị khách du lịch giẫm lên nữa. Có lỡ dẫm vào cũng không lo, vì sau vụ hoa tàn, chúng tôi lại lấy hạt hoa gieo trồng lại để vụ sau hoa mới nở ra đẹp, tươi hơn”.

Không chỉ chăm chút cho những vườn hoa, đồi hoa tam giác mạch, các chủ vườn bây giờ cũng biết kết tam giác mạch thành vòng hoa đội đầu hoặc những bó hoa nhỏ xinh bán với giá 20.000 đồng để du khách có thể mua làm kỉ niệm hoặc làm phụ kiện khi chụp ảnh.

Vẻ đẹp của hoa cứ thế lan tỏa khắp vùng cao nguyên đá, trải dài đến tận bản làng cuối cùng của cực bắc Tổ quốc – Lô Lô Chải. Có dịp theo chân những bông hoa tam giác mạch đến đây, du khách ắt hẳn “chẳng muốn rời chân đi”. Nơi đây mang đậm bản sắc của người dân tộc Lô Lô, với những ngôi nhà trình tường, những căn bếp có khói đen, bám bụi. Người Lô Lô ngày nay vẫn quan niệm rằng, nơi nào có hoa tam giác mạch thì ở đó là quê hương của họ.

Quanh bản Lô Lô Chải luôn lấp ló những bóng hoa tam giác mạch nhỏ xinh. Hoa tam giác mạch ở đây cũng được trồng theo luống hay trên thửa ruộng bậc thang hoặc đơn giản chỉ là trong chậu cây nhỏ bày trong sân nhà.

Du lịch đang ngày càng phát triển kéo theo những thay đổi ở bản Lô Lô Chải. Giữa những ngôi nhà trình tường cũ kỹ là một số ngôi nhà gạch hiện đại mọc lên. Vẻ ban sơ nơi bản làng của người dân tộc cũng dần phai nhòa. Nhưng đó cũng là một sự thay đổi tất yếu mà người dân nơi đây mong mỏi. Họ cũng mơ về một cuộc sống tiện nghi, hiện đại chứ không phải những ngôi nhà lá, nhà tranh thơ mộng như trong thơ ca nhưng thực tế lại đầy khó khăn, túng thiếu và nghèo đói.

Tôi hỏi chị Tuyên - dân tộc Lô Lô, người mới mạnh dạn vay vốn để sửa sang lại nhà cửa: “Du lịch làm thay đổi bản sắc dân tộc của làng như thế chị có buồn không?”. Chị lại cười rất tươi, rạng rỡ và hạnh phúc nói rằng: “Không buồn đâu, có nhiều người đến đây thì vui lắm, nhất là vào thứ 5 đến thứ 7, thứ 3 và thứ 4 thì ít người hơn. Nhà trước đây là nhà đất, bếp củi, giờ sửa lại có nước nóng mà tắm, có bếp ga mà dùng, vui chứ sao buồn”.

Kể ra, du lịch phát triển cũng kéo theo nhiều điều hay ho, thú vị. Trước đây, tam giác mạch chỉ là một mùa hoa dại, ít được để ý đến, thì ngày nay nó lại được cả người miền ngược lẫn người miền xuôi mong chờ. Người miền xuôi mong được tới để chiêm ngưỡng, tận hưởng sự trong lành, vẻ đẹp “hồn nhiên” của một mùa hoa giữa núi rừng. Người miền ngược lại mong mùa hoa vì nó sẽ đem theo nhiều du khách tới, để họ có thể tranh thủ buôn bán, kiếm tiền lo cho gia đình, cũng như sắm sửa một cái Tết tươm tất hơn khi năm mới đang đến gần.

Trong câu chuyện chóng vánh với người bạn Pháp cùng đoàn du lịch tới Lô Lô Chải, tôi hỏi đâu là nơi nghèo nhất mà bạn từng đi qua? Bạn nữ người Pháp trả lời rằng: “Có lẽ là nơi này (Lô Lô Chải – pv). Ở nơi khác, tôi còn thấy có người giàu, người nghèo nhưng ở đây chỉ thấy mỗi người nghèo thôi”.

Câu trả lời ấy đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về vùng đất trước đây chỉ biết nương tựa, sống nhờ vào những thửa ruộng bậc thang để kiếm sinh kế. Có lẽ vì nghèo, lại cách biệt với thế giới hiện đại mà họ sống rất hồn nhiên, hạnh phúc vì không biết mình nghèo khổ, túng thiếu cỡ nào. Sự so sánh hơn – kém mới là thứ khiến người ta khổ sở nhất. Những người dân vùng cao, họ sẽ vẫn là chính họ, họ đẹp trong chính tâm hồn, đơn sơ, mộc mạc như chính những bông hoa tam giác mạch dịu dàng.

Trang Đàm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/tam-giac-mach-mua-hoa-hon-nhien-cua-nui-rung-tay-bac-79065.html