Tam giác chính trị Mỹ-Nga-Trung biến đổi thế nào dưới thời Trump?

Sau khi ông Donald Trump thắng cử, quan hệ Nga – Mỹ có dấu hiệu sẽ ấm dần lên. Câu hỏi đặt ra là “băng tan” Moscow – Washington ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Nga – Trung Quốc?

Trong con mắt của nhiều người, Nga, Trung Quốc và Mỹ đang hình thành nên một “tam giác chính trị”. Thời gian qua, quốc tế đã chứng kiến quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây ngày càng căng thẳng do những mâu thuẫn và bất đồng chính kiến cũng như lợi ích liên quan tới vấn đề Ukraine và Syria.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại là kiểu quan hệ vừa hợp tác, vừa kiềm chế lẫn nhau. Washington một mặt tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, mặt khác lại muốn kiềm chế sự nổi lên của Bắc Kinh như một thế lực quân sự mới, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11 vừa qua, mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và Nga đang có dấu hiệu ấm dần lên bởi ông Trump là người từng nhiều lần khen ngợi Nga và tỏ ý muốn hợp tác với Nga trong tương lai.

Trong cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã thừa nhận rằng quan hệ Mỹ - Nga đang xấu đi nhiều và nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục “một mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài” giữa hai nước.

Điều này có khiến không khí giữa Nga và Trung Quốc trở nên ảm đạm hơn?

Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc nhận định, sự cải thiện trong quan hệ Nga – Mỹ không gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, bởi đơn thuần đó chỉ là quá trình giảm căng thẳng giữa hai nước.

Ngoài ra, tờ báo này khẳng định “quan hệ gần gũi Moscow – Bắc Kinh được xác định bởi nhiều yếu tố, được hình thành trong thời gian dài và mang lợi lợi ích chiến lược ổn định cho cả hai nước”.

Có thể thấy, truyền thông Trung Quốc đang tự trấn an với mối quan hệ nồng ấm “tiềm tàng” giữa Nga và Mỹ dưới chính quyền ông Donald Trump. Tuy nhiên, những nhận định trên không phải hoàn toàn không có căn cứ, bởi Nga – Mỹ không thể dễ dàng “phá rào” chỉ trong một sớm một chiều sau nhiều rạn nứt sâu sắc.

Theo nhận định của giáo sư Luo Yingjie tại Đại học Quan hệ Quốc tế (Trung Quốc), ông Trump sẽ phải đối phó với nhiều thách thức khi muốn đưa Mỹ xích lại gần Nga hơn.

“Mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay, và sẽ cần thời gian để hồi phục. Kể từ khủng hoảng Ukraine năm 2014, Mỹ cùng các nước phương Tây khác đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, và Nga cũng đã có những biện pháp đối phó. Xung đột giữa Nga và Mỹ cũng là một vấn đề rất khó giải quyết”, giáo sư nói.

Ngoài ra, “xung đột cấu trúc” giữa Moscow và Washington sẽ rất khó được dàn xếp ổn thỏa. Trong một thời gian dài, “kiềm chế Nga” là một trong những chính sách đối ngoại chủ đạo của Mỹ. Theo giáo sư Yingjie, Mỹ đã cố gắng lấn át Nga để giành vị thế siêu cường bằng mọi giá.

Vì thế, “ngay cả một Tổng thống Mỹ dành sự yêu thích đặc biệt cho Nga cũng không thể dễ dàng giải quyết căng thẳng giữa hai nước”, học giả nói.

Trong khi đó, tờ Nhân dân khẳng định, sự phát triển của quan hệ Trung – Nga là “một quá trình tích cực vô giá đối với Moscow”. Do đó, tờ báo khẳng định “Nga sẽ không hi sinh quan hệ Nga – Trung để phát triển quan hệ Nga – Mỹ”.

Tuy nhiên, đưa ra khẳng định trên trong thời điểm này vẫn là quá sớm khi ông Trump vẫn chưa dứt khoát về các chính sách và mối quan hệ giữa Mỹ và các cường quốc như Nga và Trung Quốc sau khi ông nhậm chức. Vì thế, hiện tại, cả Nga và Trung Quốc vẫn đang thận trọng “thăm dò” những động thái của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump để đưa ra những bước đi thích hợp.

Chỉ có một điều chắc chắn là, chính phủ Trung Quốc và Nga lúc này đều muốn “gần gũi” hơn với chính quyền Tổng thống đắc cử Trump.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tam-giac-chinh-tri-my-nga-trung-bien-doi-the-nao-duoi-thoi-trump-a306820.html