Tạm dừng giảng dạy giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo

Sở GD&ĐT Đồng Tháp vừa có văn bản yêu cầu Trưởng phòng phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác quản lý nâng cao đạo đức nhà giáo.

Ảnh minh họa/internet

Trong đó nhấn mạnh tăng cường kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần người học và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Thường xuyên phối hợp gửi tin, bài trên các kênh truyền thông về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nhà giáo, đồng thời vinh danh, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương tiêu biểu nhà giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh để lan tỏa trong toàn ngành và tại địa phương.

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở trong trường học; rà soát và bổ sung nội dung thực hiện đạo đức nhà giáo trong quy chế hoạt động của nhà trường; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm theo quy định.

Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nền nếp, kỷ cương trường học.

Đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.

Cán bộ quản lý, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên và người lao động vi phạm đạo đức.

Giáo viên, nhân viên, người lao động và người học phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với người học. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thầy”; luôn “tự soi”, “tự sửa”; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lập Phương

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tam-dung-giang-day-giao-vien-vi-pham-dao-duc-nha-giao-3951145-v.html