Tạm biệt TT - biểu tượng của Audi suốt 2 thập kỷ

Sau 2 thập kỷ tồn tại, TT không chỉ mang hào quang trở lại với hãng xe Đức mà còn trở thành mẫu xe thể thao biểu tượng của Audi.

Bước sang năm 2020, cái tên TT sẽ không còn xuất hiện trong danh sách xe của Audi. Hãng xe Đức sẽ khai tử TT kể từ năm nay để nhường chỗ cho mẫu xe thể thao chạy điện mới. Sau 21 năm tồn tại, TT đã hoàn thành sứ mệnh khi trở thành mẫu xe thể thao biểu tượng của Audi. Ảnh: Autoevolution.

Bước sang năm 2020, cái tên TT sẽ không còn xuất hiện trong danh sách xe của Audi. Hãng xe Đức sẽ khai tử TT kể từ năm nay để nhường chỗ cho mẫu xe thể thao chạy điện mới. Sau 21 năm tồn tại, TT đã hoàn thành sứ mệnh khi trở thành mẫu xe thể thao biểu tượng của Audi. Ảnh: Autoevolution.

Mùa xuân năm 1994, hai nhà thiết kế Freeman Thomas và J Mays đã phác thảo một chiếc coupe với đường nét sắc sảo, dựa trên cảm hứng ''Thiết kế đáp ứng công năng'' của trường phái thiết kế Bauhaus nổi tiếng ở Đức. Một năm sau, chiếc xe ý tưởng Audi TT Concept ra mắt tại triển lãm Frankfurt Motor Show 1995. Hai nhà thiết kế kể trên phác thảo phần ngoại thất, còn nội thất do Hartmut Warkuss, Peter Schreyer, Martin Smith và Romulus Rost đảm nhiệm. Ảnh: Motor Authority.

Tên gọi TT bắt nguồn từ chữ viết tắt của Tourist Trophy - giải đua thường niên tại hòn đảo Isle of Man. Ở đầu thập niên 1950, NSU - một trong những công ty sáp nhập vào để thành lập Audi đã giành chiến thắng cuộc đua thường niên Tourist Trophy. Kể từ đó, ký tự ''TT'' gắn liền với những mẫu xe của hãng này. Gần 50 năm sau, cái tên TT được gắn cho mẫu xe mà sau này đã tạo nên ngã rẽ quyết định cho Audi. Ảnh: Wikimedia Commons.

Phản ứng khá tốt từ công chúng đã khuyến khích hãng xe Đức lên dây chuyền sản xuất mẫu xe thể thao này. Tuy nhiên, trước khi sản xuất, Audi vén màn thêm phiên bản mui trần hiệu suất cao - chiếc TT S Roadster tại triển lãm Tokyo 1995. Với việc ra mắt mẫu concept này, Audi đã giới thiệu thêm 2 khái niệm: xe hiệu suất cao ''S'' và bản mui trần Roadster cho chiếc TT. TT S Roadster Concept sở hữu động cơ tăng áp 4 xy-lanh đã được tinh chỉnh cho ra công suất 225 mã lực chỉ tại 5.900 vòng/phút. Ảnh: Car Pixel.

Ba năm sau khi mẫu concept ra đời, chiếc Audi TT bản thương mại chính thức đến tay khách hàng với đôi chút thay đổi về thiết kế. Ở phiên bản 1998, Audi TT chỉ có sẵn trong thân xe coupe và được trang bị động cơ tăng áp 1.8L cho công suất từ 180 đến 225 mã lực. Ảnh: Autoevolution.

Tương tự phiên bản concept, bản mui trần của Audi TT ra mắt sau bản coupe một năm tại triển lãm Geneva 1999. Thiết kế của Audi TT Roadster 1999 được giữ nguyên từ bản concept ra mắt cách đó 4 năm. Ảnh: Autoevolution.

Sau khi gây tiếng vang, Audi TT gặp rắc rối với hệ thống vận hành khi ở tốc độ cao. Các vụ tai nạn trên cao tốc liên tiếp xảy ra với những chiếc TT đã khiến hãng xe Đức phải làm điều gì đó. Năm 2000, Audi bổ sung hệ thống cân bằng điện tử ESP và cánh gió rời phía sau cho TT. Đồng thời, Audi cũng triệu hồi những chiếc TT sản xuất trước năm 2000 để khắc phục các vấn đề này. Ảnh: MOMENTcar.

Năm 2003, Audi loại bỏ động cơ tăng áp trên TT và thay bằng động cơ hút khí tự nhiên V6 3.2L cho công suất 250 mã lực. Năm 2004, Audi TT bản coupe và bản mui trần đều được tùy chọn thêm hộp số DSG. Ảnh: Motorious.

Năm 2005, Audi ra mắt mẫu TT Quattro Sport phiên bản giới hạn 800 chiếc (kế hoạch ban đầu là 1.000 chiếc). TT Quattro Sport được trang bị động cơ tăng áp 1.8L tương tự đời 1999 nhưng mạnh hơn, cho ra công suất 240 mã lực, giúp xe tăng tốc 0-100 km/h trong 5,9 giây. Để giảm cân nặng cho bản thể thao này, Audi đã tháo bỏ hàng ghế sau, hệ thống điều hòa không khí tự động và bánh xe dự phòng. Ảnh: Daily Car News.

Trước khi kết thúc vòng đời của TT thế hệ đầu tiên, Audi đã kịp tung ra bản concept ''nhá hàng'' cho thế hệ mới vào năm 2005. Chiếc TT Shooting Brake Concept có thiết kế mềm mại hơn, theo đuổi xu hướng thiết kế lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, Audi cũng biến chiếc TT trở nên thực dụng hơn với phần sau kiểu wagon. Thực tế, Audi TT thế hệ thứ 2 đã được áp dụng ý tưởng này khi mở rộng không gian phía sau. Ảnh: Motor1.

Bên cạnh những thành công, Audi TT thế hệ đầu tiên cũng dính đôi chút rắc rối với 2 vụ kiện tụng tại Mỹ. Năm 2007, văn phòng luật sư Robert L. Starr đã đệ đơn kiện tập đoàn Volkswagen vì động cơ tăng áp 1.8L trên Audi TT bị hỏng quá sớm. Một năm sau đó, những chiếc Audi TT đời 2000-2004 và TT S đời 2005 bị cáo buộc dính lỗi bảng đồng hồ. Ảnh: Auto Trader.

Tháng 8/2004, Audi công bố kế hoạch ra mắt chiếc TT thế hệ thứ hai. Hai năm sau, Audi TT thế hệ thứ hai hoàn toàn mới chính thức ra mắt thông qua mạng Internet. Audi TT mới được xây dụng trên nền tảng chiếc Shooting Brake Concept ra mắt năm 2005, tuy nhiên vẫn giữ lại phần mui xe và vòm bánh xe của thế hệ đầu tiên. Audi TT thế hệ thứ hai sử dụng các tấm thân xe làm từ nhôm, trong khi phần thân sau làm từ thép để cân bằng tỷ lệ khối lượng trước/sau. Ảnh: Autocar.

Audi đã mang mô hình trưng bày TT Clubsport quattro Concept đến triển lãm Portschach am Worthersee (Áo) năm 2008. Với kiểu thân xe Speedster, TT Clubsport quattro Concept được kỳ vọng sẽ mở ra một phiên bản mới cho Audi TT, khi đó chỉ có bản coupe và mui trần. Chiếc TT Clubsport quattro Concept được trang bị động cơ 2.0 TFSI tinh chỉnh cho ra công suất 296 mã lực. Ảnh: Wheelsage.

Cuối cùng, Audi cũng mở rộng dòng sản phẩm của TT nhưng không phải với phiên bản thay đổi thân xe Speedster mà là phiên bản hiệu suất cao RS. Ra mắt tại triển lãm Geneva Auto Show 2009, Audi TT RS có cả phiên bản coupe và mui trần, đi kèm động cơ tăng áp I5 2.5L. Động cơ này cho ra sức mạnh 335 mã lực và mô-men xoắn 450 Nm. Nguyên nhân ra đời của TT RS là tăng sức cạnh tranh với 2 đối thủ đồng hương Mercedes-Benz (AMG) và BMW (Motorsport). Ảnh: Wheelsage.

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập phân nhánh Quattro gmbH, Audi giới thiệu chiếc 2.7T Quattro gmbH Concept vào năm 2013. Dù khi đó, Audi TT đang ở thế hệ thứ 2 nhưng hãng xe Đức lại lựa chọn chiếc TT thế hệ đầu tiên để thực hiện dự án này. Mang thân xác của TT nhưng toàn bộ ''hồn'' của 2.7T Quattro gmbH Concept đều lấy từ chiếc RS4 Avant đời 2001. Các phần này bao gồm động cơ Bi-Turbo V6 2.7L, hệ truyền động, trục bánh xe, vi sai phía sau, phanh và vành xe. Ảnh: Gunter Stachon.

Tương tự năm 2005, Audi chuẩn bị kết thúc vòng đời của TT thế hệ thứ hai bằng phiên bản concept mang tên Allroad Shooting Brake. Khác với bản Shooting Brake Concept 2005 trong hình hài wagon, Allroad Shooting Brake 2014 được xây dựng trong kiểu dáng SUV. Trong khi bản Shooting Brake Concept được áp dụng một số chi tiết cho TT thế hệ tiếp theo thì Allroad Shooting Brake chỉ là cuộc dạo chơi của Audi. Ảnh: Top Speed.

Cũng trong năm 2014, Audi trình làng một phiên bản thuần SUV của TT mang tên TT Offroad Concept tại triển lãm Auto China. Audi TT Offroad sử dụng công nghệ hybrid, bao gồm động cơ xăng 2.0L TFSI kết hợp với 2 động cơ điện đặt ở 2 trục bánh xe cho ra tổng công suất 408 mã lực và mô-men xoắn 650 Nm. Ảnh: Audi.

Ra mắt tại triển lãm Geneva 2014, Audi TT thế hệ thứ ba vẫn giữ được ngôn ngữ của thế hệ đàn anh nhưng được nâng cấp theo hướng hiện đại hóa, kiểu dáng trở nên hầm hố như thế hệ đầu tiên. Audi TT thế hệ mới được xây dụng trên khung gầm dạng khối MQB của Volkswagen, có hai phiên bản động cơ là xăng TFSI và diesel TDI. Ảnh: Top Speed.

Cũng tại triển lãm Portschach am Worthersee, một lần nữa Audi trở thành ngôi sao với bản concept TT Clubsport Turbo. Được lấy cảm hứng từ xe đua Audi 90 IMSA GTO, TT Clubsport Turbo sở hữu động cơ 5 xy-lanh 2.5L được độ lại, cho ra công suất lên đến 600 mã lực. Mẫu concept này còn gây ấn tượng bởi bộ bodykit xe đua hầm hố như cánh gió sau cỡ lớn, vòm bánh xe mở rộng và hốc gió mới. Ảnh: Motor Authority.

Để kỷ niệm 20 năm ra đời của TT, Audi đã tung ra bản 20 Years Edition, giới hạn 999 chiếc. Audi TT 20 Years Edition có nội thất bọc da nâu moccasin và chỉ khâu tương phản nhau, tương tự nội thất của chiếc TT Concept ra mắt năm 1995. Ảnh: Motor Authority.

Sau phiên bản ''20 Years Edition'', Audi TT có thêm một phiên bản đặc biệt là chiếc Quantum Gray Edition. Bên cạnh việc là phiên bản đặc biệt, Quantum Gray Edition còn có giá trị rất đặc biệt khi là những chiếc Audi TT cuối cùng được xuất xưởng. Audi sẽ mở đợt đặt hàng trực tuyến cho 99 chiếc Quantum Gray Edition từ ngày 5/6. Ảnh: Motor1.

Sau 2 thập kỷ tồn tại, Audi TT đã hoàn thành sứ mệnh của mình - đưa Audi trở lại hào quang và trở thành chiếc xe thể thao biểu tượng của hãng xe Đức. Tuy nhiên, hào quang nào rồi cũng sẽ tàn lụi và Audi TT cũng không tránh khỏi quy luật đó. Kỷ nguyên của động cơ đốt trong nói chung và của Audi TT nói riêng đã sắp khép lại để nhường chỗ cho xe điện. Chào tạm biệt, TT! Ảnh: Autoevolution.

Thượng Tâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tam-biet-tt-bieu-tuong-cua-audi-suot-2-thap-ky-post951950.html