'TALKSHOW: YEU 0 DAU' - Kỹ năng giúp các đôi trẻ 'né' bạo lực

Bạo lực giữa các cặp đôi đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn, các bạn trẻ cần phải trang bị những kỹ năng bình tĩnh xử lý tình huống, giải quyết khúc mắc và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu.

Nhóm Y.Change và vở kịch "Nếu là tôi". (Ảnh: Minh Đức/Vietnam+)

Bạo lực giữa các cặp đôi đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn, vì vậy các bạn trẻ cần phải trang bị những kỹ năng bình tĩnh xử lý tình huống, giải quyết khúc mắc và tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu.

Đây là thông điệp được đưa ra tại buổi trò chuyện “TALKSHOW: YEU 0 DAU” do Y.Change một nhóm các bạn trẻ hành động vì bình đẳng giới tổ chức ngày 7/11 với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

Y.Change là một nhóm các bạn trẻ Việt Nam vào năm 2014, 2015 đã tiến hành thực hiện một nghiên cứu qua mạng về bạo lực cặp đôi. Đối tượng tham gia là 569 bạn nữ ở lứa tuổi từ 18-30. Có 6 dạng bạo lực: Bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực qua công nghệ thông tin, bạo lực tình dục, đeo bám sau khi chia tay.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng gần 59% người được hỏi đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thân thể hoặc tinh thần, thậm chí hơn 6% trong số đó đã từng muốn tự tử.

Phụ nữ có xu hướng chịu bạo lực thể xác nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai giới đều chịu bạo lực về tinh thần, không có sự chênh lệch quá nhiều.

Bạn Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng nhóm Y.Change cho rằng, bạo lực giữa các cặp đôi trong giới trẻ đang trở thành đề tài nóng hổi trên truyền thông trong thời gian gần đây. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa từng có một nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này. Các nghiên cứu hiện nay thường chỉ tập trung vào bạo lực thể xác và bạo lực tình dục, có nghĩa là các hình thức bạo lực khác không liên quan đến thân thể vẫn chưa được ghi nhận và được nghiên cứu đầy đủ.

Điểm mới của buổi trò chuyện là các vở kịch tương tác “Nếu là tôi”, các bạn trẻ sẽ hóa thân vào một trong các nhân vật trong vở kịch để giải quyết những vấn đề, tình huống được các thành viên Y.Change đặt ra. Vở kịch đã truyền tải thông điệp làm thế nào để giải quyết vấn đề bằng sự bình tĩnh, nói rõ lý lẽ chứ không phải dùng hành động, bạo lực để giải quyết các vấn đề.

Tại buổi trò chuyện, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan UN Women tại Việt Nam đã cảm ơn các thành viên trong Y.Change và nhấn mạnh UN Women sẽ tiếp tục hỗ trợ Y. Change tiến hành một nghiên cứu khác về bạo lực hẹn hò.

Đây là một phần trong hoạt động của các nhóm tổ chức xã hội nhằm giám sát việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW (Ủy ban Giám sát việc thực hiện Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ) dành cho Việt Nam./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/talkshow-yeu-0-dau-ky-nang-giup-cac-doi-tre-ne-bao-luc/414722.vnp