Taliban: Lịch sử hình thành và phát triển

Taliban từng bị lực lượng do Mỹ hỗ trợ đánh bại vào năm 2001, nhưng nhóm vũ trang này hiện đã thành công trong việc tái chiếm quyền lực ở Afghanistan.

Lực lượng Taliban đã chiếm quyền kiểm soát Afghanistan chỉ trong 3 tháng. (Nguồn: AFP)

Lực lượng Taliban đã chiếm quyền kiểm soát Afghanistan chỉ trong 3 tháng. (Nguồn: AFP)

Ngày 16/8, Taliban tuyên bố đã giành chiến thắng và kết thúc chiến tranh ở Afghanistan. Lực lượng vũ trang này đã thành công trong việc kiểm soát thủ đô Kabul mà gần như không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Cuộc tổng tiến công do Taliban phát động trên khắp Afghanistan đã khiến thế giới ngỡ ngàng bởi cái kết chớp nhoáng.

Bắt đầu từ tháng Năm, Taliban tập trung chiếm các cửa khẩu biên giới, nắm quyền kiểm soát hoạt động giao thương. Sau đó, Taliban đã đánh chiếm các thủ phủ của 34 tỉnh và đến ngày 15/8 thì chiếm thành phố lớn cuối cùng, cô lập hoàn toàn thủ đô Kabul, mở đường cho cuộc chuyển giao quyền lực.

Taliban là ai?

Có rất nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc thật sự của Taliban, nhưng đa phần có một số điểm chung như sau. Tên gọi Taliban xuất phát từ từ “Talib” trong tiếng Pashto, có nghĩa là Học sinh.

Taliban có nguồn gốc từ những thanh niên Afghanistan học tại các trường Hồi giáo Sunni (gọi là madrassas) ở miền Bắc Pakistan, thuộc những gia đình người Pashtun tị nạn qua đây trong giai đoạn Liên Xô can thiệp quân sự những năm 1979-1989.

Đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô rút lui, Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn do nội chiến kéo dài. Năm 1994, Mullah Mohammed Omar, một mujahideen (chiến binh du kích Hồi giáo) từng giảng dạy tại một madrassa ở Pakistan, trở về Kandahar và thành lập phong trào Taliban để tìm cách chấm dứt chủ nghĩa lãnh chúa thông qua việc tuân thủ Đạo luật Sharia nghiêm ngặt hơn.

Hứa hẹn sẽ khôi phục trật tự và công lý ở Afghanistan, Taliban đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân và trỗi dậy mạnh mẽ. Lực lượng này cũng nhận được sự hỗ trợ của CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) và các cơ quan tình báo Pakistan.

Tháng 11/1994, Taliban chiếm được toàn bộ tỉnh Kandahar mà gần như không phải sử dụng đến nhiều bạo lực. Họ từ chối lời đề nghị của chính phủ Afghanistan khi đó về việc tham gia một chính phủ liên minh. Được trang bị xe tăng, vũ khí hạng nặng và tiền mặt để mua sự hỗ trợ của các chỉ huy địa phương, lực lượng này từng bước tiến lên đánh chiếm phía bắc.

Người dân Afghanistan khi đó ca ngợi những nỗ lực của Taliban khi đã giúp dẹp bỏ tham nhũng, hạn chế tình trạng vô luật pháp và bảo vệ sự yên bình...

Chỉ trong vòng hai năm, Taliban đã giành được quyền kiểm soát đối với hầu hết đất nước. Ngày 27/9/1996, với sự hỗ trợ quân sự của Pakistan và hỗ trợ tài chính từ Saudi Arabia, Taliban đã chiếm Kabul, lật đổ chính quyền của Tổng thống Burhanuddin Rabbani và thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Chế độ hà khắc

Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ Mỹ hi vọng Taliban sẽ có quan điểm tích cực và dân chủ. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn biến ngược lại.

Taliban đã ban hành các sắc lệnh mà theo cách họ giải thích là đi theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo như: đàn ông buộc phải nuôi râu, phụ nữ buộc phải mặc Burqa che phủ toàn bộ khuôn mặt và cơ thể. Các trường học dành cho nữ sinh bị đóng cửa. Các hình thức giải trí như âm nhạc, rạp chiếu phim, bóng đá... bị cấm.

Thời gian đó, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án và buộc tội Taliban vi phạm nhân quyền và vi phạm về tín ngưỡng.

Dù vướng phải nhiều chỉ trích, nhưng Taliban vẫn cố gắng để đạt được tính hợp pháp quốc tế bằng nhiều cách khác nhau như cử nhà ngoại giao đến Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tháng 11/1996, thủ lĩnh Taliban Mohammad Omar đã gửi một lá thư cho các đại diện của Mỹ và tuyên bố rằng: “Taliban rất coi trọng Mỹ, đánh giá cao sự giúp đỡ của Mỹ trong cuộc thánh chiến chống lại Liên Xô và muốn có quan hệ tốt với Mỹ”.

Tuy nhiên, những động thái đó không đem lại được mấy thành quả. Chỉ có duy nhất bốn quốc gia công nhận tính hợp pháp của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan là Pakistan, Saudi Arabia, Turkmenistan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Thay vào đó, đại đa số quốc gia khác cùng với Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Hồi giáo Afghanistan, lúc đó đang nắm giữ các tỉnh thuộc phía bắc Kabul, là chính phủ hợp pháp của quốc gia Nam Á này.

Đạo luật Sharia là hệ thống pháp luật của đạo Hồi. Nó có nguồn gốc từ cả kinh Koran và Fatwa (những quan điểm của các học giả Hồi giáo). Sharia theo nghĩa đen có nghĩa là "con đường mòn rõ ràng dẫn đến sự trong sạch". Đạo luật này được tạo ra nhằm mục đích giúp người Hồi giáo hiểu cách họ nên dẫn dắt mọi khía cạnh của cuộc sống, gồm cầu nguyện, ăn chay và quyên góp cho người nghèo, theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Mối liên hệ với al-Qaeda và sự sụp đổ

Đều vận hành theo luật Hồi giáo Sharia, hệ tư tưởng của Taliban tương tự al-Qaeda, tổ chức khủng bố đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương cho thế giới.

Do đó, trong khoảng thời gian dài, al-Qaeda lấy Afghanistan làm căn cứ địa. Năm 1998, thủ lĩnh của al-Qaeda là Osama Bin Laden bắt đầu nhận lời phỏng vấn của truyền thông nước ngoài từ khu lều trại ở miền nam nước này.

Năm 2001, sự chú ý của thế giới mới thực sự đổ dồn vào Taliban sau khi al-Qaeda thực hiện vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày 11/9.

Các phần tử khủng bố của al Qaeda đã bắt cóc bốn chiếc máy bay dân dụng và lái những chiếc máy bay này đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới, Lầu Năm Góc và một chiếc rơi xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Vụ khủng bố này đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Mỹ rất tức giận và tuyên bố khởi động một “cuộc chiến chống khủng bố” nhắm vào al Qaeda và Osama bin Laden, kẻ được chính quyền Taliban ở Afghanistan hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn. Ngày 7/10, Chiến dịch Tự do bền vững bắt đầu với các đợt ném bom vào các lực lượng của Taliban. Ngày 13/11, Kabul thất thủ. Ngày 7/12, lực lượng này để mất thành trì cuối cùng là Kandahar, đặt dấu chấm hết cho chế độ của Taliban.

Tình báo Mỹ từng dự đoán thủ đô Kabul có thể sụp đổ trong 90 ngày. Trên thực tế, sau chưa đầy 24 giờ phong tỏa Kabul, Taliban đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát thành phố, sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời đất nước.

Hồi sinh và tái chiến Afghanistan

Thủ lĩnh Taliban Mohammad Omar, và các nhân vật cấp cao khác, bao gồm cả Bin Laden buộc phải chạy trốn. Một số thủ lĩnh Taliban bỏ trốn sang Pakistan. Dưới sự bảo trợ của cơ quan an ninh Pakistan, Taliban dần xây dựng lại lực lượng và tiến hành nhiều chiến dịch nổi dậy nhằm giành lại chính quyền ở Afghanistan.

Năm 2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bắt đầu trực tiếp đàm phán hiệp ước hòa bình với Taliban - mà không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan.

Các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan giữa chính phủ và Taliban bắt đầu vào tháng 9/2020, nhưng sớm đình trệ.

Tháng 2/2020, Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử đặt ra hạn thời kéo dài 14 tháng để Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.

Trong lúc đó, các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan để chấm dứt chiến tranh thu được rất ít thành quả.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố vào tháng 4/2021 rằng Mỹ và NATO sẽ rút quân vào ngày 11/9/2021, các nhà phê bình đã lo lắng về tốc độ nhanh chóng của việc rút quân, sẽ khuyến khích Taliban “hành động” và dẫn đến việc Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, chính phủ Afghanistan sẽ không thể duy trì quyền lực của mình.

Và kịch bản không mong đợi đã đến, Taliban đã giành lại được quyền kiểm soát Afghanistan vào ngày 16/8 vừa qua, sau khi tiến vào thủ đô Kabul mà gần như không gặp phải bất cứ trở ngại gì.

Nhưng khác với khi nắm quyền quốc gia Nam Á này ở thế kỷ trước, Taliban đã đưa ra hàng loạt tuyên bố mang tính tích cực.

Cụ thể, lực lượng này tuyên bố “quá trình chuyển đổi được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”.

Taliban khẳng định sẽ làm mọi việc để đáp ứng những mong mỏi của người dân Afghanistan và phục vụ nhân dân thông qua nỗ lực giải quyết các vấn đề của họ, trong đó có những vấn đề như tôn trọng quyền lợi của phụ nữ và các sắc tộc thiểu số, cũng như quyền tự do biểu đạt...

Về đối ngoại, Taliban không muốn bị cô lập và đã thiết lập một số kênh liên lạc với các quốc gia bên ngoài. Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem cho hay: “Chúng tôi đề nghị tất cả các quốc gia và thực thể ngồi lại với chúng tôi để giải quyết mọi vấn đề”.

Sau 20 năm kể từ khi bị đánh bại và lật đổ, Taliban một lần nữa lên nắm quyền điều hành Afghanistan. Giờ đây, thế giới vẫn đang chờ đợi xem liệu Taliban có thực sự đem lại hòa bình, ổn định đến cho người dân như những lời hứa tốt đẹp mà lực lượng này đã đưa ra hay không.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/taliban-lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-155599.html