Tài xế xe khách kể lại vụ va chạm với xe cứu hỏa khiến một cảnh sát tử vong

'Thời điểm đó trời mưa và đường trơn, trên xe có khoảng 40 hành khách, nếu tôi đánh lái tránh xe cứu hỏa thì có thể sẽ gây ra tai nạn liên hoàn và chắc chắn số lượng người thương vong sẽ nhiều hơn', tài xế xe khách trong vụ va chạm lý giải.

“Tôi đã nghĩ đến việc đánh lái để tránh xe cứu hỏa…”

Sau nhiều ngày xảy ra sự việc, anh Đỗ Hùng Mạnh (38 tuổi) - tài xế điều khiển chiếc xe khách giường nằm tuyến Hà Nội – Thanh Hóa va chạm với xe cứu hỏa ở cao tốc Pháp Vân khiến một chiến sỹ Cảnh sát PCCC tử vong và 10 người bị thương phải nhập viện cấp cứu lần đầu lên tiếng.

Anh Mạnh cho biết, đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi ấy sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong tích tắc.

Từ ngày xảy ra vụ tai nạn, anh Mạnh cũng đã nhận được nhiều câu hỏi của mọi người: Tại sao không đánh lái để tránh va chạm xảy ra? Theo lý giải của anh Mạnh, anh phát hiện ra chiếc xe cứu hỏa ở khoảng cách rất gần, trong đầu anh cũng đã nghĩ đến chuyện đánh lái để tránh va chạm.

Vụ tai nạn diễn ra quá nhanh và hậu quả vô cùng đau đớn. Ảnh: PV

Tuy nhiên, thời điểm đó trời mưa và đường trơn, trên xe có khoảng 40 hành khách, nếu đánh lái xe có thể sẽ bị lật và gây nguy hiểm cho rất nhiều người và các phương tiện đang lưu thông cùng chiều, vì thế anh Mạnh không dám đánh lái.

“Hôm đó là cuối tuần, lưu lượng người tham gia giao thông đông, các xe khác cũng chở đông người, nếu tôi đánh lái tránh xe cứu hỏa thì có thể sẽ gây ra vụ tai nạn liên hoàn và chắc chắn số lượng người thương vong sẽ nhiều hơn”, anh Mạnh lý giải.

Theo thông tin từ Công an huyện Thường Tín, ngay sau khi xảy ra vụ việc, các phương tiện trong vụ tai nạn đã được chuyển về kho bãi của huyện. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định được khi xảy ra va chạm, xe khách đi với tốc độ 87 km/giờ, so với tốc độ tối đa của cao tốc này là 100 km/giờ.

Do đường trơn và nhiều phương tiện lưu thông nên anh Mạnh đã không đánh lái.

Được biết, tài xế xe khách đã theo nghề lái xe được 14 năm và lái xe khách tuyến Thanh Hóa – Hà Nội đã 8 năm nay, mỗi ngày 2 lượt. “Dù có kinh nghiệm lái xe, nhưng chưa bao giờ tôi gặp tình huống như hôm xảy ra tai nạn. Thật sự, tai nạn đến quá bất ngờ, không ai mong muốn điều đó xảy ra.

Tôi chắc chắn bất cứ tài xế nào ở trong tình huống của tôi cũng khó xử lý, khó tránh được vụ tai nạn. Mình chỉ dựa vào kinh nghiệm, xử lý sao cho ít thương vong nhất...”, anh Mạnh chia sẻ thêm.

Lời kể nhân chứng

Có mặt tại khu vực xảy ra vụ tai nạn nói trên, nhiều người dân chứng kiến vẫn chưa hết rùng mình khi kể lại.

Anh Từ Việt Thắng, làm nghề xe ôm ngay ngã 3 cầu vượt Thường Tín cho biết, anh được chứng kiến toàn bộ sự việc. Lúc đó gần 17h chiều (ngày 18/3), trời có mưa phùn, anh đang đứng bắt khách như mọi ngày thì nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát cứu hỏa.

Anh Từ Việt Thắng, người chứng kiến toàn bộ sự việc.

Quay lại, anhThắng nhìn thấy có hai xe cứu hỏa, một xe đang đứng trong trạm thu phí, một xe chạy thẳng ra ngã 3. Sau đó, xe này dừng lại khoảng chục giây rồi lao thẳng ra đường cao tốc theo hướng ngược chiều. Đúng lúc này, chiếc xe khách lao tới rồi hai xe va chạm.

“Sau khi va chạm, hoảng quá nên tôi và một người chạy xe ôm nữa vòng xe chạy vào phía bên trong cất xe rồi mới chạy ra xem tình hình thế nào. Lúc đấy, thấy hai xe bị nát phần đầu, nhiều tiếng la hét rất thương tâm”, người xe ôm nhớ lại.

Còn chị Nguyễn Thị Hà, bán trà đá ngay gần hiện trường vụ tai nạn cho biết, nhiều năm bán hàng tại khu vực này, đây là lần đầu tiên chị chứng kiến vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy.

Khu vực xảy ra vụ tai nạn.

Chị Hà băn khoăn việc xe cứu hỏa đi ngược chiều trong khi ngoài đường cao tốc đang có rất nhiều phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh.

Hơn nữa, thời điểm đó, trời có mưa phùn, đường trơn trượt, tầm nhìn hạn chế nên các phương tiện khác sẽ rất khó xử lý tình huống nếu có xe đi ngược chiều.

“Sự việc diễn ra nhanh lắm, chỉ vài chục giây thôi. Sau khi hai xe va chạm, tôi cùng vài người nữa chạy ra, nghe tiếng la hét inh ỏi của nhiều người trên xe khách. Chúng tôi ngay lập tức lên xe đưa những người này vào nơi an toàn”, chị Hà kể.

Người phụ nữ bán nước chưa hết rùng mình khi kể lại vụ va chạm giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc.

Cũng theo người phụ nữ này, thời điểm xảy ra vụ việc, trên xe khách có rất nhiều người. Có vài người bị thương nặng, còn lại chủ yếu bị xây xước nhẹ. Hiện trường đến 12h đêm mới giải quyết xong.

“Bán hàng nhiều năm ở khu vực này, chứng kiến nhiều vụ tai nạn và cũng tham gia cứu nhiều người nhưng tôi thấy vụ này vẫn nghiêm trọng nhất. Tôi không phán xét ai đúng ai sai vì đó là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Đồng ý là xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp nhưng theo tôi, yếu tố an toàn phải được được ưu tiên số một”, chị Hà chia sẻ thêm.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tai-xe-xe-khach-ke-lai-vu-va-cham-voi-xe-cuu-hoa-khien-mot-canh-sat-tu-vong-20180321000836154.htm