Tài xế xe công nghệ cần được bảo vệ quyền lợi

Mô hình kinh tế chia sẻ hiện đang nổi lên như một hệ thống mới có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam các hoạt động kinh tế chia sẻ được biết đến trong thời gian gần đây với các đại diện như: Grab, Gojek... Các nền tảng này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tác động lớn đến thị trường lao động xã hội.

Tài xế chạy xe công nghệ Gojek.

Tài xế chạy xe công nghệ Gojek.

Mô hình kinh tế chia sẻ hiện đang nổi lên như một hệ thống mới có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam các hoạt động kinh tế chia sẻ được biết đến trong thời gian gần đây với các đại diện như: Grab, Gojek... Các nền tảng này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tác động lớn đến thị trường lao động xã hội.

Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp của người lao động tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, do Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 19-3.

Theo TS Nguyễn Đức Chính: Sau 6 năm xuất hiện tại Việt Nam, loại hình dịch vụ xe công nghệ đã thu hút một lượng lao động dồi dào, bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau từ đội ngũ tài xế chuyên nghiệp đến lao động phổ thông, công nhân, nhân viên văn phòng, người kinh doanh buôn bán, sinh viên... Họ tìm đến công việc chủ yếu vì cho rằng, bản thân tự chủ thời gian, ít bị ràng buộc trách nhiệm nhưng vẫn kiếm nguồn thu nhập cao và ổn định để cải thiện đời sống tốt hơn.

TS Chính cho rằng, hiện việc định danh mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa rõ ràng, thường được gọi là mối quan hệ “đối tác” nhưng quyền lợi và trách nhiệm không cân bằng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người lao động. Do đó, cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều tiết mối quan hệ hợp tác lao động này.

Bà Phùng Ngọc Bích, Phó Phòng lao động tiền lương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin: Tài xế xe công nghệ là một phần lao động phi chính thức (chiếm 45% tổng lượng lao động tại TP Hồ Chí Minh), công việc cũng bấp bênh, hầu hết không có trình độ. Do đó, bà Bích đề nghị thành phố nên đưa đối tượng chạy xe công nghệ vào nhóm HTX hoặc nghiệp đoàn để được bảo vệ quyền lợi chính đáng, đây cũng là giải pháp trong tầm tay và thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: Qua thực trạng và chính sách liên quan đến loại hình xe công nghệ, có thể thấy tài xế (đối tác) rất yếu thế trong mối quan hệ với các Công ty sở hữu công nghệ kết nối. Các công ty này hoàn toàn quyết định trong các chính sách về giá, trả thưởng, điều phối cuốc xe...; tài xế cá nhân được gọi là đối tác tuy nhiên không được các quyền thỏa thuận hoặc quyết định trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Từ thực trạng trên, đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp trong quản lý, cũng như về chính sách thuế để góp phần hài hòa về quyền lợi cho cá nhân tài xế xe công nghệ. Trong đó, đơn vị này kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước nên có quy định ủy quyền cho tổ chức có thể đăng ký mả số thuế cá nhân kinh doanh bằng danh sách (tương tự như người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công).

Ngoài ra mới đây, Cục thuế thành phố đã có văn bản kiến nghị Tổng Cục thuế về chính sách thuế cho các đối tượng cá nhân tham gia loại hình xe công nghệ như tăng mức doanh thu phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân từ 100 triệu lên 150 triệu đồng.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tai-xe-xe-cong-nghe-can-duoc-bao-ve-quyen-loi-639028/