Tài xế vướng lao lý vì giúp cháu bé: Nhiều băn khoăn!

Trước việc tài xế giúp cháu bé giữa đường rồi bị xử tù, luật sư cho rằng đây là nguyên nhân của việc nhiều người gặp nạn sẽ không được giúp.

Dư luận đang xôn xao về vụ việc một tài xế thấy cháu bé khóc giữa đường rồi dừng xe đưa bế cháu nhỏ lên xe vướng lao lý. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Nguyễn Ngọc Dũng (30 tuổi, ngụ P.Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được TAND tỉnh Đắk Lắk giảm án từ 2 năm tù xuống còn 15 tháng tù giam về tội danh “giữ người trái pháp luật” .

Bình luận trước vụ việc này, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng sẽ không thể buộc tội anh Dũng trong khi còn nhiều vấn đề chưa làm rõ. TAND cấp phúc thẩm cần phải xem xét chính xác vấn đề cấu thành tội phạm trong các yếu tố từ ý thức chủ quan rằng liệu anh có bắt cóc cháu không, hành vi khách quan là có phải anh Dũng tìm cách nào đem trả cháu về với gia đình hay không?

Ở đây, động cơ bắt cóc cháu bé của anh Dũng là không có. Nếu phân tích ra thì anh Dũng không có ý định bắt cóc nhằm chiếm đoạt, vì vậy TAND cấp phúc thẩm phải xem xét một cách rất chu đáo về vấn đề này.

Hơn nữa trong một vụ án khi lời khai còn nhiều mâu thuẫn thì không thể nào kết luận hoặc quy kết tội cho người khác được.

Cụ thể, trong vụ án này, anh Nguyễn Văn Hải (CSGT), người đã ra lệnh dừng xe anh Dũng hôm 18/3/2018 cho rằng khi đang làm nhiệm vụ cùng đồng đội, anh nhận được lệnh của chỉ huy phải chặn xe anh Dũng do có việc bắt cháu lên xe. Khi phát hiện ra chiếc xe nói trên đang chạy với tốc độ 40 - 50 km/h, anh đã ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra thì tài xế mới giảm tốc độ, dừng xe.

Tuy nhiên chị Võ Thị Minh Anh (hành khách trên xe hôm xảy ra vụ việc) khai: “Khi bế cháu lên xe, Dũng đã lau mặt, dỗ cho cháu bé không khóc và cho cháu ngủ. Khi đến gần trạm CSGT, tài xế đã chủ động giảm tốc độ, tấp vào lề đường trước khi CSGT ra tín hiệu”.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng vẫn khẳng định việc cứu cháu bé của mình là vô tội

Anh Nguyễn Ngọc Dũng vẫn khẳng định việc cứu cháu bé của mình là vô tội

Theo luật sư Hướng: "Nếu trong trường hợp lời khai hai bên có nhiều mâu thuẫn chưa làm sáng tỏ sẽ mở lại điều tra cho khách quan. Theo đó, sẽ hủy bản án và trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này".

Bày tỏ quan điểm trước sự việc này, luật sư Nguyễn Bá Ngọc cho rằng trong xã hội hiện nay không thiếu trường hợp làm ơn mắc oán. Trường hợp này, không loại trừ khả năng tài xế làm phúc bị tội dù về mặt pháp lý, hành vi giữ 1 đứa trẻ thì pháp luật cho rằng đó là hành vi bắt giữ người trái phép.

Trong vụ việc này, tài xế sẽ phải chứng minh trong cấp phúc thẩm về việc chở đứa bé đi là cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, việc chứng minh sẽ rất phức tạp.

Ở Bắc Giang cũng từng có trường hợp một người đi đường gặp một vụ tai nạn, thậm chí cứu người ta đưa vào bệnh viện nhưng sau đó người này bị người mình cứu đổ rằng chính là người húc vào xe máy của họ làm họ gãy chân. Thậm chí, họ còn kiện lại người đã cứu giúp mình vào viện.

Luật sư Ngọc nhìn nhận: "Cần xem xét cho thấu tình đạt lý hoặc nhờ cơ quan điều tra xen xét rõ hành vi của người đó. Tài xế gặp trường hợp trên nên làm là phải đưa cháu bé đến cơ quan nơi công an gần nhất hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý việc cháu bé bị lạc người thân.

Thứ hai, khi lời khai mâu thuẫn thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm tìm hiểu rõ. Nếu cơ quan chức năng chỉ làm qua loa thì sẽ thiệt cho tài xế.

Từ vụ việc này đặt ra vấn đề bản thân người Việt Nam không ít người gặp người tai nạn không giúp là vì vậy bởi gặp tình huống đó họ thường cân nhắc đó có phải là cái bẫy hay không?.

Trở lại với trường hợp của tài xế Dũng, hành vi giữ cháu bé được TAND quy theo đúng pháp luật để xử lý. Tòa án họ khẳng định chỉ xem xét đánh giá hành vi bắt giữ người không thuộc thẩm quyền của anh là vi phạm pháp luật. Hơn nữa trước lời khai mâu thuẫn giữa CSGT và tài xế, nhân chứng thì cơ quan tố tụng nên phải làm thủ tục đối chất xem ai nói đúng và ai nói sai".

Theo luật sư Ngọc, đây là bài học cho riêng tài xế này và cho nhiều người khác. Trong vụ việc này ý định ý định của tài xế là tốt nhưng ý định tốt hay không cũng phải làm đúng theo pháp luật.

Trong một diễn biến liên quan, khi bị tuyên án, tài xế Dũng cho biết anh không biết cháu bé nhà ở đâu, thậm chí khi gửi lại cho người bên đường thì không ai nhận vì cháu bé lạ. Vì vậy anh quyết định đưa cháu lên xe đến trạm CSGT gần nhất để gửi lại cho chắc chắn. Anh khẳng định xe anh chạy đường dài, có nhiều khách trên xe chứng kiến, có số điện thoại nên anh hoàn toàn không có ý định xấu trong vụ việc này.

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/tai-xe-vuong-lao-ly-vi-giup-chau-be-nhieu-ban-khoan-3375541/