Tài xế uống rượu bia bị phạt tù ở nhiều nước trên thế giới

Phần lớn các nước trên thế giới coi tài xế uống rượu bia là loại tội phạm, do đó áp dụng các hình phạt tiền và tù giam rất nặng.

Cảnh sát Đức kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Luneburg. Ở Đức, hàng ngàn người chết vì tai nạn liên quan đến tài xế say rượu mỗi năm

Cảnh sát Đức kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Luneburg. Ở Đức, hàng ngàn người chết vì tai nạn liên quan đến tài xế say rượu mỗi năm

Tại các nước châu Âu, nếu tài xế lái ô tô bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định cho phép, sẽ bị phạt tiền, cấm lái xe trong một khoảng thời gian (tùy vào quy định từng nước). Mức phạt có thể lên tới nhiều năm tù giam nếu tài xế uống rượu bia lái xe dẫn đến chết người.

Cụ thể, tại Vương quốc Anh, nếu bị phát hiện điều khiển phương tiện với nồng độ cồn quá mức cho phép, mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam kèm hình phạt tài chính lên tới 5.000 bảng Anh (hơn 148 triệu VND) và cấm lái xe trong vòng 1 năm.

Trong trường hợp tài xế uống rượu bia lái xe dẫn đến tai nạn nghiêm trọng gây chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn và phải trải qua một cuộc sát hạch khắt khe hơn bài kiểm tra lái tiêu chuẩn để có thể lấy lại bằng lái xe.

Còn tại Đức, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,5 mg/1 ml máu, người cầm lái sẽ bị phạt 500 euro (hơn 13 triệu VND) và cấm lái xe trong 1-3 tháng tiếp theo.

Ngoài ra, mức độ nghiêm khắc của hình phạt sẽ tăng dần lên cùng với số lần vi phạm và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị cấm lái suốt đời.

Một tài xế uống rượu khi lái xe. Nguồn: WiseGeek

Ở Scotland, giới chức nước này sẽ tịch thu xe, khi phát hiện lái xe với nồng độ cồn quá mức độ cho phép. Các xe bị tịch thu hoặc sẽ được cơ quan có liên quan bán đấu giá hoặc tiêu hủy. Quy định này được áp dụng từ năm 2009.

Đất nước Ba Lan áp dụng giới hạn 20 mg/100 ml máu đối với tài xế lái xe ô tô. Nếu bị phát hiệu lái xe ở mức nồng độ cồn giữa 20 -50 mg/100 ml, người lái sẽ bị phạt và tịch thu bằng.

Nếu tài xế bị xác định có nồng độ cồn ở trên mức 50 mg/100 ml, người cầm lái sẽ bị coi là tội phạm quốc gia, tịch thu bằng và có thể bị tù giam. Cảnh sát cũng có thể tịch thu phương tiện của tài xế vi phạm.

Thủ tục tòa án của Ba Lan cũng được đơn giản hóa cho phép cơ quan tư pháp có thể đưa ra mức phạt trong vòng 24 giờ. Việc thắt chặt các biện pháp kiểm tra trên đường kết hợp với thủ tục tòa án đơn giản đang là giải pháp cơ bản để xử lý vấn đề uống rượu bia quá mức khi lái xe tại quốc gia Đông Âu này.

Tài xế vừa lái xe vừa uống rượu, bia bị coi là tội phạm quốc gia ở nhiều nước trên thế giới

Còn đối với các quốc gia châu Á, vấn nạn này cũng được xử lý rất nghiêm khắc và bị truy tố trước cơ quan pháp luật.

Tại Đảo quốc Sư tử, say rượu lái xe sẽ bị phạt 5.000 SGD (tương đương gần 86 triệu VNĐ) kèm với 6 tháng tù. Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tới 1 triệu SGD (tương đương hơn 17 tỷ đồng) và 1 năm tù giam.

Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ giấy phép lái xe và phải chịu hình phạt đánh roi. Theo quy định hình phạt roi chỉ áp dụng đối với người phạm tội là nam giới, ở độ tuổi dưới 50.

Còn tại Nhật Bản, Luật Giao thông đường bộ năm 2007 quy định người cung cấp x echo người vừa uống rượu, người ngồi cùng xe và người cung cấp rượu cho tài xế lái xe đều bị xử phạt cùng nếu bị phát hiện. Các mức phạt sẽ được xét theo khung vi phạm quy định theo luật này.

Luật Say rượu lái xe sửa đổi của Thái Lan quy định, những tài xế nào đang lưu thông phương tiện trên đường, từ chối việc để Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn sẽ bị coi là say xỉn trong lúc lái xe và bị truy tố ra trước cơ quan pháp luật. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng và phải chịu án tù.

Hiện trường vụ tai nạn tối 21/10/2018 do tài xế say xỉn làm 1 người chết, 5 người bị thương

Tại Việt Nam, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các mức phạt liên quan đến hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia như sau:

Với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự

- Phạt tiền 2.000.000-3.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

- Phạt tiền 7.000.000-8.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

- Phạt tiền 16.000.000-18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe máy

- Phạt tiền 1.000.000-2.000.000 đồng với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

- Phạt tiền 3.000.000-4.000.000 đồng với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tai-xe-uong-ruou-bia-bi-phat-tu-o-nhieu-nuoc-tren-the-gioi-d407599.html