Tài xế Trung Quốc bất ngờ có nồng độ cồn vượt giới hạn vì ăn sầu riêng

Sầu riêng nổi tiếng với mùi hăng, nhưng có vẻ như nó còn có thể mang đến những rắc rối hi hữu như bất ngờ làm tăng nồng độ cồn trong máu nếu kiểm tra qua hơi thở.

Cảnh sát Trung Quốc xác nhận việc ăn sầu riêng có thể làm tăng nồng độ cồn khi kiểm tra qua hơi thở. Ảnh: Pear Video

Cảnh sát Trung Quốc xác nhận việc ăn sầu riêng có thể làm tăng nồng độ cồn khi kiểm tra qua hơi thở. Ảnh: Pear Video

Sầu riêng là một trong những loại trái cây có nguồn gốc Đông Nam Á được yêu thích ở nhiều nước trên thế giới nhưng có mùi khá “nặng” nên một số người không thể ăn được.

Tuy nhiên, một tình huống hi hữu đã xảy ra khi người đàn ông ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô, hôm 17/4 bị cảnh sát chặn lại vì nghi ngờ sử dụng đồ uống có cồn trước khi điều khiển ôtô. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn trong hơi thở của người này vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tài xế phủ nhận mình đã uống rượu.

"Tôi chỉ ăn sầu riêng", tài xế này giải thích.

Một cuộc xét nghiệm máu sau đó xác nhận không có cồn trong cơ thể của tài xế, theo BBC. Cuối cùng, cảnh sát địa phương quyết định ăn sầu riêng để kiểm tra độ chính xác của máy đo nồng độ cồn. Trang web Pear Video sau đó đã phát sóng cảnh thử nghiệm và chứng minh tài xế không nói dối.

Nồng độ cồn trong máu hợp pháp của Trung Quốc khi lái xe là 0,02% (khoảng 20 miligam trên 100 ml), thấp hơn giới hạn pháp lý của Úc là 0,05%. Điều bất ngờ là viên cảnh sát tham gia thử nghiệm bị phát hiện có nồng độ cồn khoảng 0,36 sau khi ăn sầu riêng.

Sầu riêng là “thủ phạm” của nhiều “tai nạn” khó tin. Hồi năm 2018, quả sầu riêng thối rữa tại trường đại học ở Melbourne, nước Úc đã làm dấy lên lo ngại về một vụ rò rỉ khí gas và dẫn đến một cuộc di tản. Sáu tháng trước, một chiếc máy bay của Indonesia đã phải hạ cánh sau khi hành khách phàn nàn về mùi của sầu riêng.

Trước đó, hồi năm 2014, lính cứu hỏa đã được triệu tập đến một bệnh viện ở Úc trong bối cảnh lo ngại rò rỉ khí gas, nhưng một lần nữa, sầu riêng lại là thủ phạm.

Một số loại đồ ăn được cho là có khả năng tác động đến nồng độ cồn trong cơ thể khi kiểm tra qua hơi thở. Đầu năm 2019, một video lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy tài xế xe tải ở Tây Úc đã bị ghi nhận nồng độ cồn 0,28% sau khi cắn một miếng bánh mì nóng. Mặc dù vậy, một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng khả năng này là không thể.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo ABC.net)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/tai-xe-trung-quoc-bat-ngo-co-nong-do-con-vuot-gioi-han-vi-an-sau-rieng-a273509.html