Tài xế ô tô bỏ chạy sau khi đâm xe máy bốc cháy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy là một hành vi rất đáng lên án, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm.

Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã xác định chủ sở hữu chiếc xe ô tô liên quan đến vụ TNGT trên đường Nguyễn Trãi xảy ra rạng sáng qua (4/3) khiến chiếc xe máy bốc cháy, làm 2 người bị thương.

Theo đó, cơ quan CSĐT đã triệu tập chủ sở hữu của chiếc xe ô tô liên quan đến trụ sở để phối hợp điều tra, làm rõ.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 0h30 ngày 4/3, anh N.Đ.H (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển xe máy Liberty chở chị H.T.T (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) di chuyển trên đường Nguyễn Trãi hướng Hà Đông. Khi đến đầu hầm chui Nguyễn Trãi thì bị xe ô tô nhãn hiệu Volvo, BKS 30E 850.xx đâm mạnh phía sau.

Sau vụ va chạm, chiếc xe máy Liberty do anh H điều khiển bị đổ ra đường, rồi dẫn đến cháy rụi hoàn toàn. Cả anh H và chị T bị thương sau vụ tai nạn.

Trong quá trình xác minh, điều tra, Công an quận Thanh Xuân đã phát hiện chiếc xe ô tô gây tai nạn đang đỗ cuối đường Nguyễn Văn Lộc, thuộc quận Hà Đông. Sau khi tra cứu trong hệ thống dữ liệu và xác minh, cơ quan công an đã xác định được tài xế gây ra vụ tai nạn nói trên.

"Lực lượng chức năng sẽ làm rõ cả quá trình trước khi gây tai nạn tài xế ô tô có sử dụng rượu bia hay không", chỉ huy Công an quận Thanh Xuân cho biết thêm.

Hiện trường vụ việc.

Hiện trường vụ việc.

Bàn về tính pháp lý của vụ việc trên, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: "Hành vi gây tai nạn giao thông, không cứu giúp người bị nạn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, tài xế điều khiển chiếc ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Theo luật sư Lực, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, xác định lỗi của các bên và hậu quả xảy ra để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Trường hợp có căn cứ cho thấy người lái xe ô tô đã có lỗi thiếu chú ý quan sát hoặc không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông nhưng đã bỏ chạy, không cấp cứu người bị nạn, người này sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp thương tích của hai nạn nhân này cộng tổng từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 trở lên và xác định người lái xe ô tô có lỗi, người tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cùng với đó, tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Do đó, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tài xế sẽ đối mặt với hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù. Đồng thời, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại.

Xe máy Liberty cháy rụi sau va chạm với ô tô trên đường Nguyễn Trãi.

Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào thiệt hại thực tế xảy ra đối với các bị hại. Ngoài ra thiệt hại ở đây còn bao gồm thiệt hại về tài sản là trị giá chiếc xe và tài sản đã bị cháy. Trong trường hợp số tài sản bị cháy từ 100.000.000 đồng, hậu quả được xác định là nghiêm trọng và là căn cứ để xử lý hình sự.

Trường hợp hậu quả chưa được xác định là đến mức nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản chưa đến 100.000.000 đồng hoặc thương tích của hai nạn nhân tổng cộng chưa đến 61 %, tài xế ô tô không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm giao thông. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Việc xử phạt hành chính sẽ căn cứ theo quy định của luật giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau: "Khoản 17, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe thực hiện hành vi "Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn" cũng quy định, với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.

"Vụ việc gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy là một hành vi rất đáng lên án. Bởi việc cứu giúp kịp thời người bị nạn có thể giảm bớt được hậu quả thiệt hại, phù hợp với đạo đức xã hội và trách nhiệm pháp lý. Nếu người gây ra tai nạn, nguy hiểm, việc giúp đỡ còn là trách nhiệm pháp lý. Trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại đến sức khỏe của người khác nhưng lại không giúp đỡ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức chế tài nghiêm khắc", Giám đốc Công ty luật TNHH LSX chia sẻ.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tai-xe-o-to-bo-chay-sau-khi-dam-xe-may-boc-chay-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-20210305112059369.htm