Tài xế ngủ gục vì chạy quá giờ: khó quản lý

tài xế bị cấm cầm vô lăng quá bốn giờ liên tục nhưng thực tế không phải thế.

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam khiến 13 người tử vong được xác định do tài xế mệt mỏi, ngủ gật do lái xe liên tục 12 tiếng. Đây được coi như hồi chuông cảnh tỉnh đối với các tài xế, chủ xe và cơ quan quản lý nhà nước: Cần làm gì khi ngày càng có nhiều vụ tai nạn do tài xế ngủ gật?

Vắt kiệt sức lực tài xế

Anh Nguyễn Văn Đức, tài xế một hãng xe có tiếng chuyên chạy tuyến Sài Gòn-Nha Trang, cho biết: “Phải đến khi làm tài xế đường dài thì tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của cái nghề này, bởi chẳng biết mình sẽ buồn ngủ lúc nào nữa. Doanh nghiệp nào cũng muốn khai thác xe tối đa nên tài xế và xe hầu như luôn lênh đênh trên đường cả ngày lẫn đêm. Chính vì thế đã có nhiều tài xế suýt ngủ gục khi lái xe, phải dùng bò húc, cà phê đậm đặc hay chất kích thích để chống chọi cơn buồn ngủ”.

Anh Đức nói thêm, hiện tất cả hãng đều lắp đặt hộp đen trên xe chạy đường dài. Nhưng ít đơn vị dùng nó để giám sát, buộc tài xế tuân thủ tốc độ, không được lái xe quá bốn tiếng liên tục như quy định. Thay vào đó, hãng dùng hộp đen để kiểm soát vị trí, quãng đường xe chạy xem tài xế có ăn gian lộ trình để kiếm chênh lệch xăng dầu không…

“Tôi thấy hãng tôi làm đúng quy định nên rất ít khi xảy ra tai nạn. Cụ thể, ban điều hành của công ty luôn giám sát hộp đen, camera, chỉ cần thấy tài xế có biểu hiện lái xe loạng choạng là sẽ gọi điện thoại nhắc nhở ngay. Mỗi tài xế cũng có thẻ từ để ban điều hành giám sát giờ giấc lái xe. Thật sự khi lái xe khách, thời gian liên tục bốn tiếng là an toàn nhất. Khi lái liên tục 6-7 tiếng là mắt tôi hoa lên, chân mỏi nhừ, phản xạ chậm hẳn” - anh Đức nói.

Trong khi đó, anh Đào Tuyển, tài xế xe du lịch 16 chỗ, cho biết anh là chủ của một chiếc xe hợp đồng. Với các chặng đường dài, đa số khách hàng đều muốn đi đêm để tiết kiệm thời gian. “Nhiều khi tôi lái từ sáng, chạy miết tới 19 giờ thì về ngủ được chút xíu, đến 23 giờ lại dậy chạy tiếp. Dọc đường buồn ngủ phải tự tát vô mặt cho tỉnh. Hộp đen trên xe tôi gắn loại giá rẻ, xe có chạy cả chục tiếng cũng chả thấy nó báo động gì” - anh Tuyển cho hay.

Hiện trường vụ xe rước dâu gặp tai nạn ở Quảng Nam. Ảnh: HN

Ông Quách Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Tuyết Hon, lý giải về nguyên nhân thường xuyên xảy ra tai nạn: “Đó là do nhiều hãng xe nhận tài xế không có kinh nghiệm, ép tài xế chạy quá nhiều dẫn tới kiệt sức. Hộp đen thì lắp để đối phó với cơ quan kiểm tra chứ không có người thường xuyên giám sát, kiểm tra tài xế”.

Hộp đen còn quá nguội

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận định: Việt Nam đã có quy định lắp hộp đen trên xe khách đường dài nhưng hầu như chỉ đến khi xảy ra tai nạn thì dữ liệu từ hộp đen mới được mang ra để phục vụ điều tra. Hoặc định kỳ một thời gian, ngành giao thông đi kiểm tra các hãng và căn cứ dữ liệu từ hộp đen trên xe để xử phạt số lần chạy quá tốc độ. Như vậy, hộp đen ở Việt Nam chủ yếu được dùng để phạt nguội, trong khi ở nhiều nước hộp đen phải luôn kết nối với lực lượng tuần tra giao thông để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn khi xe/tài xế có sự cố.

“Điều 65 Luật Giao thông đường bộ quy định thời gian làm việc của tài xế ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá bốn giờ. Nhưng hộp đen ở nước ta chỉ mang tính chất định vị, đối phó. Đã có tài xế nào bị CSGT phạt vì lái xe quá số giờ quy định chưa? Có hãng xe nào ép tài xế lái xe liên tục bị thanh tra giao thông xử lý chưa? Hay có lần nào nhờ giám sát hộp đen mà cơ quan quản lý ngăn chặn kịp thời một vụ tai nạn giao thông?” - ông Sanh đặt hàng loạt câu hỏi.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Lâm Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Đối với vấn đề quản lý hộp đen, phòng chỉ thường xuyên kiểm tra xem các hãng xe có bật hay không. Phát hiện đơn vị nào tự ý tắt hộp đen, chúng tôi sẽ gửi văn bản nhắc nhở. Do số lượng xe quá nhiều nên Sở không thể kiểm tra hộp đen hằng ngày được, khi có vấn đề gì xảy ra thì mới tiến hành kiểm tra”.

Ông Hải cũng xác nhận hiện hầu hết hộp đen gắn trên xe khách không thể giám sát được việc tài xế có chạy quá số giờ quy định hay không. Nó chỉ có chức năng giống một thiết bị GPS để phục vụ quá trình kiểm tra định vị, tốc độ, dừng đỗ của phương tiện.

Đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho hay việc kiểm tra hộp đen có thể phát hiện được tài xế chạy liên tục trong thời gian bao lâu. Nhưng dữ liệu đó chỉ được phát hiện sau một thời gian hoặc… khi hậu quả đã xảy ra. Vậy nên quan trọng nhất vẫn là ý thức của tài xế.

“Nghị định 86/2014 có quy định về việc lắp đặt hộp đen. Tuy nhiên, sắp tới cần có những cải tiến phương cách quản lý theo hướng hiện đại hơn. Chẳng hạn, dữ liệu từ hộp đen trên các xe bắt buộc phải được chuyển về máy chủ do Sở GTVT quản lý, có kết nối với CSGT các địa phương. Đặc biệt, cần trang bị phần mềm phát hiện kịp thời xe nào chạy quá tốc độ, tài xế lái quá giờ để hệ thống kịp cảnh báo nhằm ngăn chặn tai nạn xảy ra. Đừng để khi tai nạn xảy ra mới mổ hộp đen tìm nguyên nhân!” - vị này nói.

Hiện nay, mỗi tháng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều có công bố kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Trong đó sẽ chỉ ra các đơn vị, cá nhân vi phạm tốc độ, giờ làm việc và đề nghị Sở GTVT thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, từ chối cấp phù hiệu… Nhưng đối với các xe dù, xe không lắp thiết bị giám sát hành trình thì không thể giám sát.

Đại diện Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam

V.LONGghi

ĐÀO TRANG - LÊ THOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/tai-xe-ngu-guc-vi-chay-qua-gio-kho-quan-ly-785278.html