Tài xế né trạm BOT, ai là người gánh họa? (1): Theo chân tài xế

Đoạn đường dài 4km với bề mặt rộng 3 làn xe nhưng nhiều tài xế không chấp nhận lưu thông mà rẽ ngang sang một lối đi khác không đủ cho 2 xe con tránh nhau. Vì sao lại có chuyện này?

Cách trạm BOT Mỹ Lộc (khoanh tròn) khoảng 200 mét là lối đi vòng vào đường dân sinh mà tài xế thường chọn để né trạm thu phí. Ảnh: PV

Cách trạm BOT Mỹ Lộc (khoanh tròn) khoảng 200 mét là lối đi vòng vào đường dân sinh mà tài xế thường chọn để né trạm thu phí. Ảnh: PV

Đường làng huyên náo

Trong một chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, chúng tôi di chuyển trên đường 21B theo hướng Phủ Lý – Nam Định. Khi đến gần trạm thu phí Mỹ Lộc, chúng tôi giảm tốc độ để chuẩn bị đi qua thì bất ngờ một xe taxi màu xanh vượt lên ngay đoạn ngã ba. Sau khi chiếc xe bật xi-nhan rẽ phải kèm theo hành động vẫy vẫy của anh tài xế trẻ tuổi, chúng tôi thấy lạ nên đi theo.

Cùng lúc đó, tài xế taxi ngoái đầu qua cửa kính nói với chúng tôi như sự ban ơn: “Đi lối này cho khỏi mất phí”. Chúng tôi tỏ ra nghi ngờ đáp: “Tôi đi hướng TP Nam Định mà”. Anh tài xế taxi quả quyết: “Em cũng về BigC Nam Định đây. Bọn em toàn đi đường này để né trạm thu phí”.

Trong ít giây trò chuyện giữa chúng tôi và anh tài xế taxi thì cũng có 4-5 chiếc xe con và xe taxi rẽ vào hướng ngã ba cách trạm thu phí BOT Mỹ Lộc chừng 200m mà anh tài xế taxi đang chỉ dẫn. Để hiểu rõ sự tình, chúng tôi quyết định mục sở thị cung đường mà nhiều tài xế lựa chọn để "né" trạm BOT.

Con đường mà chúng tôi đi qua thuộc tổ dân phố Hưng Lộc, thị trấn Mỹ Lộc. Đây là con đường trải đá dăm chạy qua làng với chiều rộng bề mặt khoảng 3m. Khi gặp ô tô đi ngược chiều, một phương tiện phải ép vào trước cửa nhà dân mới có thể tranh nhau. Cũng chính vì thế mà trước cửa các hộ dân ở đây đều phải đổ trụ bê tông hoặc xếp những tảng đá to ngang để tránh ô tô lao vào nhà.

Mỗi ngày hàng trăm lượt ô tô đi qua đường làng thuộc tổ dân phố Hưng Lộc, thị trấn Mỹ Lộc gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Theo quan sát, dọc 2 bên mép đường này xuất hiện vô số ổ gà, những viên đá to như quả xoài đang có dấu hiệu bị bật gốc. Có đoạn tiếp giáp với QL21A, bề mặt đường còn bị xới tung và tạo thành ổ voi cắt ngang toàn bộ mặt đường. Với những hình ảnh hiện hữu cũng đủ để chúng tôi hình dung ra lưu lượng xe ô tô đi qua cung đường này nhiều như thế nào. Trong khoảng 15 phút đi theo chiếc taxi để… né trạm BOT, đoạn đường nối từ QL21B sang QL21A khoảng 800m nhưng có khoảng 20 chiếc xe ô tô các loại đi ngược chiều mà chúng tôi phải tìm chỗ tránh.

Qua hỏi chuyện, một số người dân sống ven đường này cho hay, trước đây đường làng này chỉ có xe máy và người đi bộ nên mỗi tối, họ vẫn đi thể dục và hóng mát trên đường. Mấy năm nay khi trạm BOT Mỹ Lộc xuất hiện thì lưu lượng ô tô đi qua để né trạm ngày một nhiều khiến cả tuyến đường xuống cấp.

“Cái đường thì bé tí ti, nhiều khi một xe ô tô đi tránh còn vất vả, bây giờ toàn xe tải mấy chục tấn chở vật liệu ầm ầm chạy qua. Nhà đầy bụi. Con cái chẳng thể tập trung học hành. Cuộc sống chúng tôi đảo lộn hết cả”, anh Lê Duy Hòa - một người dân sống ngay gần mặt đường nói.

Như vậy, để đối phó với dự án đường 21B có tổng chiều dài 25,1km (trong đó, đoạn từ TP Nam Định đến Mỹ Lộc (dài 3,9km) làm theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); 21,2km còn lại làm theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT)), cánh tài xế đã “bảo nhau” đi vào đường làng mà không quan tâm đến nỗi khổ của hàng trăm hộ dân sống ở ven cung đường đó. Không chỉ có bụi, tiếng xe, tiếng còi inh ỏi khi những chiếc xe ngược chiều tránh nhau, phá cả giấc ngủ cho đến đêm khuya mà nguy cơ tai nạn giao thông ở đây luôn rình rập.

Ông Đặng Văn Mậu - Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Lộc nói với chúng tôi: “Đã là đường thì không thể cấm xe lưu thông được. Cách duy nhất mà chính quyền địa phương có thể làm giúp người dân bớt khổ là xin Nhà nước cấp kinh phí để mở rộng làn đường này”.

Barie cứ dựng lên lại bị phá dỡ

Mặc dù UBND xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã dựng barie ngăn chặn xe tải đi vào đường làng né trạm thu phí nhưng chỉ sau vài hôm lại bị phá hỏng.

Tiếp hành trình đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), chúng tôi bắt gặp cảnh tương tự tại dự án BOT Thanh Nê. Anh Nguyễn Văn Huy - người hàng ngày lái xe tải chở hàng qua cung đường ngày cho biết, đường 39B từ trước đến nay vẫn là tuyến đường Quốc gia, được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước. Thế nhưng vào cuối năm 2016, công trình trạm thu phí mang tên Km13+250 được dựng lên. Theo thông tin dự án, nhà đầu tư đã xây dựng mới đoạn đường tránh thị trấn Thanh Nê, nối từ xã Bình Minh đến xã An Bồi (tạm gọi là đường 39B mới) nhưng lại dựng trạm thu phí hoàn vốn tại Quốc lộ 39B cũ, dẫn đến những bức xúc của lái xe.

Sau nhiều lần phản ứng, anh Huy và nhiều tài xế “khám phá” ra cách né trạm thu phí bằng việc đi vào đường dân sinh qua xã Bình Minh. Thấy chúng tôi lần đầu đến đây, anh Huy “mách nước”: “Chỉ các phương tiện vận tải của người dân hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải mới được miễn phí qua trạm BOT thôi. Còn các phương tiện mang biển kiểm soát của nơi khác đến phải chấp nhận đi đường vòng”.

Vừa nói, anh Huy vừa chỉ chúng tôi cung đường đi vắt vào thôn Đoàn Kết (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương), sau đó đi vòng ra điểm giao xã An Bồi. Tổng cung đường “né” trạm mà tài xế xe tải dẫn chúng tôi đi dài 5,1km, trong khi đó nếu đi thẳng theo quốc lộ 39B cũ dài 4,3km thì chúng tôi phải trả 30.000 đồng/lượt qua trạm BOT.

Theo quan sát, đoạn đường né trạm đi qua thôn Đoàn Kết mà anh Huy dẫn chúng tôi đang có dấu hiệu xuống cấp cùng với những vết nứt trên mặt đường bê tông. Dọc đường chúng tôi bắt gặp biển báo: “Đường đã chắn barie, cấm xe ô tô có chiều cao 2,3 mét lưu thông” do UBND xã Bình Minh dựng lên. Thế nhưng đi thêm vài trăm mét, chúng tôi giật mình khi thấy thanh chắn barie đã bị chặt gãy ném xuống kênh nước, bên cạnh là chân cột cũng bị xô đổ từ khi nào.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho hay: “Sau khi trạm BOT dựng lên ở quốc lộ 39B thì lượng lớn xe tải, xe con các loại đi vòng qua đường làng cả ngày lẫn đêm để khỏi phải trả phí. Chúng tôi cũng đã kiến nghị sự bức xúc của bà con địa phương qua các kỳ họp HĐND xã nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Xã đã dựng barie để ngăn xe tải đi vào làng nhưng chỉ vài ngày, thậm chí sau một đêm lại bị phá hoại. Địa phương chúng tôi bất lực rồi…”.

“Tài xế đi thế nào là quyền của họ”

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trịnh Xuân Nam - Giám đốc Công ty CP Tasco 6 (chủ đầu tư Trạm thu phí Mỹ Lộc) cho biết: “Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự, tuân thủ đúng hoạt động đã ký với cơ quan nhà nước thẩm quyền. Ai đi trên tuyến BOT của chúng tôi thì phải trả tiền, còn quyền chọn đường đi là của người ta chứ chúng tôi không bắt ép được”.

Tương tự, ông Lương Thế Dân - Giám đốc Công ty CP Tasco Nam Thái (chủ đầu tư trạm thu phí 13+250) nói: “Chúng tôi không có ý kiến về việc tài xế “né” trạm thu phí và đến nay cũng chưa có thống kế cụ thể về việc thất thoát nguồn thu. Còn chuyện chính quyền địa phương dựng barie ngăn chặn xe tải đi qua đường dân sinh như thế nào chủ đầu tư không tham gia”.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tai-xe-ne-tram-bot-ai-la-nguoi-ganh-hoa-1-theo-chan-tai-xe-20180730221300848.htm