Cần xử lý nghiêm các trường hợp khai thác thủy sản hủy diệt

Một số ngư lưới cụ từ lâu đã bị cấm sử dụng trong việc đánh bắt, khai thác thủy sản nhưng hiện tại vẫn ngang nhiên hoạt động mọi nơi, mọi lúc tại cửa Hàn cũng như dọc ven bờ biển Đà Nẵng. Cứ mỗi lúc bình minh vừa ló dạng hay chiều tà, mọi người dễ dàng trông thấy nhiều kiểu đánh bắt mang tính hủy diệt sinh vật biển ở khắp các vùng biển gần bờ như lưới vây, lưới rê, lưới rọ, te (xiệp)... bủa giăng tứ tung mà không có cơ quan chức năng nào can thiệp, xử lý. Đây là những loại ngư cụ có mắt lưới nhỏ so với quy định nhằm khai thác một cách triệt để bất cứ loại sinh vật biển nào, dù rất bé. Lưới kéo, lưới rê, lưới đáy có giềng chì nặng chà sát tầng đáy không chỉ đánh bắt tôm cá non, giá trị kinh tế không cao mà còn phá vỡ các cấu trúc tự nhiên của đáy biển như thảm rong, san hô, làm hư hỏng nơi trú ẩn của nhiều loại sinh vật tầng đáy, nơi các đàn cá dựa dẫm sinh sôi, nảy nở.

Một mẻ lưới kiểu tận diệt vừa "lên bờ".

Một mẻ lưới kiểu tận diệt vừa "lên bờ".

Hàng ngày, mỗi khi đường phố sắp lên đèn, hàng chục chiếc ghe, thuyền chèo tay hoặc công suất nhỏ xuôi ngược dọc hai bên sông Hàn để thả những mẻ lưới rọ chìm sâu trong lòng sông để nhử tôm, cá. Tờ mờ sáng hôm sau họ trở lại thu lưới và bất cứ loài sinh vật nào, dù bé như cái tăm đã chui vào loại lưới rọ này đều không thể thoát ra được. Các thuyền, thúng mỗi khi đi thả đều chất đầy ăm ắp lưới rọ cũng đủ thấy số lưới này giăng giăng khắp mặt sông Hàn. Tiếp đến là các tàu đánh bắt gần bờ, thường được gọi là gọ, nốt, kẹp hai cây phi lao theo hình chữ V trước mũi thuyền để giăng te, trông giống như chiếc "xe ủi" trên mặt nước rồi nổ máy chạy để xúc tất cả các loại hải sản. Đây là loại phương tiện thường hoạt động ở vịnh Đà Nẵng, ít sóng to, gió lớn và chủ yếu khai thác ban đêm. Bên cạnh đó còn không ít các loại ngư cụ và phương pháp khai thác mang tính hủy diệt rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng sinh thái các khu vực ven bờ biển Đà Nẵng. Chính vì vậy mà những năm gần đây, nguồn sinh vật gần bờ biển của thành phố bị cạn kiệt đến mức khó tưởng. Các loại ngư lưới cụ dùng cho việc khai thác không đúng tiêu chuẩn quy định đều bị cấm sử dụng nhưng thực tế thường cho thấy chỉ có việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác mới bị bắt giữ, xử lý còn những loại phương tiện này coi như lâu nay được thả nổi.

Tại mục b, khoản 2, điều 14, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản" thì việc sử dụng lưới có kích thước mắc lưới nhỏ hơn quy định của pháp luật, nghĩa là tất cả các ngư cụ được nêu trên đều bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy các loại phương tiện vi phạm quy định về sử dụng ngư cụ, thiết bị, phương pháp khai thác thủy sản.

Loại lưới kép mắc dây tận diệt thủy sản.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ có hiệu quả, thiết nghĩ ngoài việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người thường xuyên khai thác sinh vật biển bằng các loại ngư cụ bị cấm, vận động, hướng dẫn họ chuyển đổi bằng các phương tiện đánh bắt hợp lý để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng như Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng cần tăng cường các biện pháp phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng thành phố, chính quyền các phường ven biển kiểm tra, kiên quyết thu giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo pháp luật để bảo vệ môi trường, sinh thái ven biển đang bị xâm hại một cách thô bạo như hiện nay.

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/84_179719_.aspx