Tài xế GrabBike quấy rối tình dục bé 9 tuổi: Mức phạt chưa bằng 8 bát phở thì 'răn đe' ai?

Trước sự việc một tài xế của GrabBike có hành vi quấy rối tình dục với một bé gái 9 tuổi ở Hà Nội, nhiều ý kiến phụ huynh, chuyên gia tâm lý giáo dục, luật sư… cho rằng, hành vi này nếu chỉ bị xử phạt hành chính là quá nhẹ. Cần đưa cụ thể hơn vào luật, có những biện pháp xử lý mạnh để đủ sức răn đe, phòng tránh những sự việc tương tự, hoặc xâm hại trẻ em.

Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ biết các hình thức quấy rối tình dục. Ảnh: Web Csaga

Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ biết các hình thức quấy rối tình dục. Ảnh: Web Csaga

Xử phạt hành chính là quá nhẹ

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm trước vụ việc chị L (trú tại Hà Nội) lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện bàng hoàng khi nghe con gái kể lại việc bị tài xế GrabBike (dịch vụ vận chuyển bằng xe máy) có những lời nói quấy rối tình dục khi chở đi học. Sau sự việc, người mẹ này đã bàn giao tất cả thông tin của tài xế cũng như hành trình của chuyến Grab đặt vào sáng 16/5 cho công an để giải quyết, đồng thời có thông tin phản ánh lên Grab Việt Nam. Công an quận Tây Hồ đã vào cuộc, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, vụ việc được thông tin chưa đến mức xem xét xử lý hình sự. Do luật chưa xác định quấy rối tình dục bằng ngôn từ là hành vi dâm ô nên người này chỉ bị xử lý hành chính.

Cụ thể, tài xế xe ôm chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5, NĐ 167/2013/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Việc áp dụng hình thức phạt hành chính chưa thực sự đủ tính răn đe, khiến dư luận xã hội chưa thực sự đồng tình.

Chia sẻ ý kiến về sự việc tài xế Grap có hành vi quấy rối tình dục trẻ em vừa qua, chị Nguyễn Thu Hoài (phố Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, hành vi có thể về mặt cảm quan chưa gây hậu quả nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời, không bị xử phạt một cách thích đáng thì những người khác vẫn có thể mắc phải, lạm dụng nó để đi quấy rối, cưỡng bức trẻ em khi có cơ hội. Trước đây khá nhiều người mù mờ về hành vi này, cho đó là trêu gẹo, là quái gở và bệnh hoạn thì nay luật pháp đã xác định đó là vi phạm, xã hội cũng hết sức lên án. Để bảo vệ con em mình, ngoài việc luôn bên con, tôi cũng mong có nhiều quy định cụ thể hơn, hình phạt đủ sức răn đe với những hành vi này, bởi thời gian qua đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại”.

Trên thực tế, những điều mà chị Hoài đề cập cũng là nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh có con nhỏ. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Hơn nữa, những lời nói mang tính quấy rối của tài xế xe ôm có thể sẽ để lại những tác hại, ảnh hưởng về sau đối với tinh thần, tâm lý của một bé gái còn nhỏ tuổi. Pháp luật nước ta đã có các quy định hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô trẻ em... nhưng lại chưa có chế tài rõ ràng và đầy đủ đối với các hành vi quấy rối tình dục thông qua ngôn ngữ.

Hội đủ tiêu chí “quấy rối tình dục”

Theo dõi khá kỹ sự việc qua báo chí, TS Tâm lý Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hành vi của tài xế GrapBike đã hội đủ các tiêu chí của hành vi quấy rối tình dục và đây là hình thức xâm hại bằng những lời nói tục tĩu, bình phẩm về bộ phận cơ thể hoặc trang phục, thường được gọi là “khẩu dâm”. Hành vi này đang gây phẫn nộ đặc biệt vì đối tượng bị xâm hại là trẻ em. Hậu quả của hành vi này có thể để lại những chấn thương tâm lý nghiêm trọng cho trẻ bị hại gồm các cảm giác lo âu, căng thẳng, xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy mất lòng tin, mất giá trị, hạ thấp lòng tự trọng… Tuy nhiên, về mặt luật pháp, chúng ta chưa có những chế tài xử lý đích đáng.

Cũng theo TS Trần Thành Nam, mặc dù chưa có nhiều số liệu điều tra quy mô về thực trạng xâm hại hay quấy rối tình dục trẻ em và thanh thiếu niên nhưng theo khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trên 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP HCM cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục với các hành vi thường thấy như: Huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về trang phục hoặc bộ phận cơ thể, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm. Đáng nói nhất là 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động nào phản ứng lại khi gặp phải các hành vi quấy rối tình dục.

“Thông thường, những hành vi quấy rối tình dục lời nói được cho qua vì nhiều lý do, trong đó có việc cá nhân tự an ủi mình “đó chỉ là việc nhỏ thôi” hay nỗi sợ bị đổ tội, sợ khó kết tội thủ phạm, sợ bị trả thù, sợ bị kỳ thị bôi nhọ. Nhiều người nghĩ nếu lờ nó đi thì mọi chuyện sẽ qua nhưng không phải vậy. Những hành vi quấy rối tình dục lời nói thường là khởi đầu cho các hành vi leo thang. Nếu nạn nhân không có phản ứng quyết liệt, những hành vi leo thang có thể kết thúc ở việc xâm hại. Chính vì vậy, các biện pháp phòng ngừa và răn đe quấy rối tình dục là cần thiết trước khi chúng phát triển thành những hành vi xâm hại nghiêm trọng”, TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Có thể áp dụng xử lý mạnh để răn đe

Được biết, tại một số quốc gia, tội xâm hại tình dục trẻ em được xem là một trong những tội nặng và đáng bị khinh bỉ nhất. Khung hình phạt cho thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể lên đến chung thân hoặc tử hình. Bên cạnh đó, thủ phạm cũng phải chịu thêm nhiều hình thức phạt khác như “thiến hóa học”, gắn chíp điện tử để theo dõi hoạt động 24/24 hay thực hiện công khai danh tính và thông tin của kẻ phạm tội để các cộng đồng dân cư được biết và đề phòng. Những người này sẽ bị cấm vĩnh viễn không được hành nghề liên quan hoặc có tiếp xúc với trẻ em…

Theo TS Trần Thành Nam: “Những hình thức này cũng có thể được cân nhắc để sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng cần tiếp tục truyền thông rộng rãi một bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục trong cộng đồng. Mặt khác cần mở rộng và chi tiết hóa nội hàm khái niệm “dâm ô” gồm các dạng quấy rối tình dục thể chất, lời nói và phi ngôn ngữ để dễ ghép vào các khung hình phạt”.

Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, TS Trần Thành Nam cho biết, đứng trước nguy cơ quấy rối tình dục, cha mẹ cần ý thức và trao đổi với con về những cách thức ứng phó phù hợp. Có những cách ứng phó phổ biến như sau: Một là coi như không có chuyện gì (cứ kệ để nó tự biến mất). Hai là chối bỏ: Tự nhủ chắc họ chỉ đùa thôi, họ vô tình, họ đang có ý tán tỉnh mình. Ba là né tránh: Né tránh những địa điểm, tình huống có thể gặp thủ phạm, trốn tránh khi nhác nhìn thấy bóng ai giống thủ phạm. Bốn là đương đầu: Nói với thủ phạm, hành động này không đúng một tí nào đâu; hành vi của anh thật không thể chấp nhận được; dừng lại ngay nếu không tôi sẽ báo cáo. Năm là báo cáo: Nêu rõ hành vi đã được thực hiện thế nào; chia sẻ thêm thông tin về việc đó.

Theo TS Trần Thành Nam, phụ huynh hãy nói với con 3 cách thức ứng phó đầu tiên sẽ chỉ làm tình huống trở nên tồi tệ hơn. Đương đầu và báo cáo là cách thức ứng phó đúng nhưng chỉ có khoảng 10% các trường hợp sử dụng những cách thức ứng phó này.

"Từ sự việc của tài xế Grap quấy rối tình dục bằng lời nói với bé gái 9 tuổi cho thấy vẫn cần phải hoàn thiện khung pháp lý về luật pháp bảo vệ trẻ em mà cụ thể là hành vi quấy rối tình dục trẻ em. Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ an toàn. Luật pháp Việt Nam đã có quy định về hành vi quấy rối tình dục trẻ em nhưng chưa cụ thể hóa đầy đủ. Trong khi theo thời gian, tội phạm về quấy rối tình dục ở nước ta ngày càng có nhiều chuyển biến phức tạp. Từ vụ việc như vừa rồi, cần thiết phải có sự hoàn thiện pháp lý về hành vi quấy rối tình dục trẻ em. Trong luật đã có quy định và không cần phải mở rộng thêm nhưng phải cụ thể hóa hơn. Cụ thể hóa về các hành vi, không chỉ riêng lời nói mà nhìn, sờ mó… như thế nào thì phải cụ thể hóa, phải chi tiết để có thể đưa ra áp dụng”.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Hà Nội)

Thương Thuyết (ghi)

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/tai-xe-grabbike-quay-roi-tinh-duc-be-9-tuoi-muc-phat-chua-bang-8-bat-pho-thi-ran-de-ai-20180524082024594.htm